Thời sự
Cánh chim đầu đàn ngành giáo dục Thái Bình
Lã Quý Hưng - 20/11/2013 09:52
Nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là 3 trụ cột chính để nhà trường phấn đấu viết tiếp truyền thống trường cấp 3 đầu tiên, cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Thái Bình.

Một truyền thống vẻ vang

Năm 1957, Trường phổ thông cấp III Thái Bình được thành lập. Đây là ngôi trường cấp III đầu tiên của tỉnh Thái Bình. 20 năm sau, Trường vinh dự được mang tên Lê Quý Đôn – một nhà bác học kiệt xuất của quê hương Thái Bình và của đất nước.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao học bổng cho học sinh nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường

Hơn nửa thế kỷ qua, Trường THPT Lê Quý Đôn đã không ngừng phát triển. Từ những lớp học đầu tiên vài chục học sinh, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, nay Trường đã có quy mô 41 lớp, gần 2.000 học sinh, cơ ngơi khang trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của nền giáo dục hiện đại.

Trường tự hào có nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm, với 2 nhà giáo ưu tú, nhiều nhà giáo trình độ chuyên môn vững vàng, làm nòng cốt nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Suốt chiều dài phong trào thi đua “Hai tốt”, Trường THPT Lê Quý Đôn từ ngày thành lập đến nay liên tục đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc. Các đội tuyển học sinh giỏi Văn, Toán, Lý, Hoá, Ngoại ngữ đều đoạt giải cá nhân, đồng đội cao; Trường đã có 35 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn đứng trong top đầu của tỉnh.

Hàng vạn học sinh của Trường đã thành đạt, đang có mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở khắp mọi miền của quê hương, đất nước. Hơn 300 học sinh đã trở thành giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Tiếp tục đổi mới toàn diện

Trước ngưỡng cửa của nền kinh tế tri thức, đặc biệt là chuẩn bị thực hiện tinh thần của Nghị quyết Hội nghị TW 8 về đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục, nhà trường đã thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, bất cập, để từ đó tìm những giải pháp tháo gỡ, đưa nhà trường tiếp tục phát triển đi lên.

Trước hết, nâng cao chất lượng văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là nhiệm vụ hàng đầu. Nền nếp giảng dạy của giáo viên không dừng ở hành chính, mà nâng lên thành tự giác, là tấm gương cho học sinh noi theo. Học sinh gắn bó, yêu trường, yêu lớp, chăm ngoan, trách nhiệm, thực hiện tốt nội quy của trường, pháp luật của Nhà nước, viết tiếp trang sử vẻ vang của nhà trường.

Ban Trí dục của Trường duy trì nền nếp giao ban, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn hàng tuần; phân rõ trách nhiệm cho từng cán bộ, giáo viên và từng khâu trong giảng dạy, từ đó thấy rõ năng lực để giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, nhằm đạt hiệu quả công tác cao nhất.

Trường tập trung triển khai xây dựng nhóm viết chuyên đề giảng dạy theo 2 bước trên cơ sở kiến thức cơ bản, các tổ nhóm tổng hợp, chọn lọc các kiến thức trọng tâm, hệ thống lý thuyết cũng như bài tập thực hành. Năm học 2012 - 2013, đã tổ chức dạy thử rút kinh nghiệm chuyên đề. Đến năm học 2013 - 2014, biên tập hoàn chỉnh trở thành tài liệu chính thống của Trường và của mỗi giáo viên bộ môn. Việc áp dụng chuyên đề đã hội tụ trí tuệ, kinh nghiệm của tập thể giáo viên giúp học sinh không cùng lớp vẫn có tài liệu tham khảo, nắm được kiến thức trọng tâm, trọng điểm và kiến thức nâng cao.

Trường tiếp tục nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên theo hướng nâng chuẩn. Đến nay, đã có 12 thạc sĩ chuyên ngành và quản lý làm hạt nhân, đầu tàu trong công tác chuyên môn. Nhà trường coi trọng công tác động viên, khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng kịp thời các giáo viên dạy giỏi, học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Trường bám sát ma trận đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo để học sinh luôn sát với kiến thức cũng như nội dung thi cử. Thực hiện tốt Nghị quyết TW 8, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề dạy thêm học thêm, phân loại học sinh nhằm nâng cao chất lượng theo quan điểm trọng tâm và toàn diện. Tổ chức nghiêm túc các buổi phụ đạo theo hướng rà soát, nâng cao kiến thức cơ bản.

Để tạo cơ sở vật chất cho đổi mới công tác giảng dạy, Trường tiếp tục đầu tư hệ thống máy chiếu, phòng đọc, nhất là phòng tiếng Anh. Chăm lo cho học sinh về cơ sở vật chất tốt nhất, như thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà để xe, công trình vệ sinh…

Tin liên quan
Tin khác