Thời sự
Phân tầng, xếp hạng các trường đại học
Hải Hà - 20/11/2013 09:36
PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận xét, Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được thông qua tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã tạo tiền đề nhất định, chuẩn bị cho thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, để tạo tiền đề nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học, những đề án được Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên là gì?

Trong điều kiện chưa đủ nguồn lực để đầu tư và thu hút đầu tư cho tất cả các trường, thì một trong những giải pháp được đưa ra là lựa chọn đầu tư phát triển có chọn lọc, tạo ra những đột phá, những mô hình mới để tác động tới toàn bộ hệ thống.

PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Xây dựng và phát triển đại học đạt trình độ quốc tế, tổ chức đào tạo các chương trình tiên tiến là hai trong số nhiều giải pháp được ưu tiên triển khai thời gian qua.

Theo đó, chương trình tiên tiến ưu tiên tập trung vào các ngành nhất định đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như: kinh tế, y học, khoa học kỹ thuật, kiến trúc. Cách thức tiếp cận để triển khai các chương trình này là dựa vào chương trình đào tạo gốc của các trường nước ngoài có trình độ cao hơn Việt Nam.

Cụ thể các chương trình này được triển khai thế nào trên thực tế?

Tổng số có 35 chương trình tiên tiến đã được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 có 10 chương trình tiên tiến, tuyển sinh từ năm 2006; giai đoạn 2 có 13 chương trình, tuyển sinh từ năm 2008; giai đoạn 3 gồm 12 chương trình, tuyển sinh từ năm 2010.

Đối tác nước ngoài của các chương trình tiên tiến này là 22 trường đại học trên thế giới thuộc top 200 theo bảng xếp hạng của Trường đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU) và Tạp chí US News and World Report.

Nội dung chính trong bản thỏa thuận được ký giữa các trường Việt Nam và các trường đối tác là yêu cầu các trường đối tác hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chương trình đào tạo, cho phép sử dụng chương trình gốc, sử dụng giáo trình, tư vấn xây dựng phòng thí nghiệm, cử giảng viên tham gia giảng dạy tại Việt Nam, đào tạo giảng viên Việt Nam và hỗ trợ nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên trong quá trình đào tạo, kiểm định, giám sát và cấp bằng tốt nghiệp.

Theo ông, các chương trình đào tạo liên kết hay các trường đào tạo có yếu tố nước ngoài mở tại Việt Nam có bị siết chặt không?

Chúng ta đã qua giai đoạn phát triển dựa vào số lượng và chuyển sang giai đoạn hợp tác đào tạo quốc tế có chọn lọc. Cần xác định rõ mục tiêu và lợi ích đạt được trong hợp tác quốc tế về đào tạo, trong đó mục tiêu chuyển giao chương trình, công nghệ đào tạo cần phải được nhấn mạnh.

Theo quy định hiện nay, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài muốn được cấp phép giảng dạy ở Việt Nam phải là các chương trình đã được kiểm định ở nước ngoài bởi các tổ chức kiểm định quốc tế được công nhận. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo lợi ích của bên đối tác Việt Nam và lợi ích chính đáng của người học, thì các chương trình liên kết đào tạo này sẽ phải được kiểm định tại Việt Nam.

Những định hướng cụ thể trong phát triển giáo dục đại học nhằm đạt các mục tiêu của Đề án thời gian tới là gì?

Triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển giáo dục 2011 - 2020 và Luật Giáo dục đại học, ngành giáo dục đang thay đổi mô hình phát triển giáo dục đại học theo hướng chuyển từ phát triển trên cơ sở quy mô sang phát triển trên cơ sở chất lượng.

Một trong những giải pháp được đưa ra là thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực, triển khai một số đề án đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm, triển khai xây dựng các đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các khu kinh tế trọng điểm, quan tâm tới phát triển giáo dục đại học của vùng sâu, vùng xa.

Một số chỉ tiêu phát triển của giáo dục đại học được điều chỉnh theo Quyết định số 37/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020.

Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các trường được tăng quyền tự chủ, coi “tự chủ” là động lực cho sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, các trường cũng sẽ được phân tầng và xếp hạng. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được phân thành 3 tầng: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

Một trong những khâu đột phá để thực hiện Đề án thời gian tới là đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, kiểm tra đánh giá; lấy đổi mới thi, kiểm tra đánh giá là khâu đột phá trong quản lý giáo dục đại học.

Tin liên quan
Tin khác