Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm về chất lượng của lực lượng lao động, đứng thứ 11/12 nước châu Á được xếp hạng.
| ||
Nền giáo dục Việt Nam đang trăn trở tháo bỏ cái cũ, để đi tới nền giáo dục thực chất hướng vào người học |
Còn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động của Việt Nam hiện là 56,5 triệu người, chiếm 58% dân số, trong đó 2/3 chưa được đào tạo, gần 3/4 làm công việc bấp bênh với điều kiện làm việc nghèo nàn.
Trong khi đó, theo thống kê từ 83% số trường đại học trong cả nước của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo), có khoảng 700.000 sinh viên hệ chính quy đã tốt nghiệp trong 5 năm từ 2008-2012.
Trong số này, sinh viên theo học ngành tài chính - ngân hàng - thương mại chiếm tỷ lệ cao nhất 32,3%, khối ngành điện tử - tin học - viễn thông chiếm 11,6%, khối ngành sư phạm - quản lý giáo dục chiếm 11,2%.
Các con số trên phần nào phản ánh sự mất cân bằng trong đào tạo của hệ thống giáo dục quốc gia. Việc đào tạo không theo sát nhu cầu thị trường là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tỷ lệ phải đào tạo lại và thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường tương đối lớn (khoảng7- 8%).
Trước thực trạng trên, trong một cuộc hội thảo liên quan tới đổi mới giáo dục mới đây, PGS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phát biểu: “Ngành giáo dục đang nợ xã hội một cuộc cải cách”.
Trên thực tế, để cải thiện tình trạng trên, trong Chiến lược Phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, ngành giáo dục đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ mức 40% năm 2010 lên 70% vào năm 2020. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50%, ngành công nghiệp từ 78% lên 92%, ngành xây dựng từ 41% lên 56% và ngành dịch vụ tăng từ 67% lên 88%, nhằm cân bằng nhu cầu thực tế và số lượng đào tạo vào năm 2020.
Sự thay đổi trên là rất cần thiết, bởi theo PGS.TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, nếu Việt Nam không giải quyết được bài toán nguồn nhân lực chất lượng, thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ sụt giảm sức cạnh tranh và sẽ mãi dậm chân ở mắt xích cuối cùng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại, nền giáo dục đại học của Việt Nam đang chịu tác động của những động lực mới. Đó là sự gia tăng nhu cầu nhập học, việc đa dạng hoá các loại trường và nguồn cung ứng, hợp tác giữa các nhà trường và liên kết mạng, nhu cầu học tập suốt đời, tác động của công nghệ thông tin và truyền thông, trách nhiệm xã hội của các trường đại học.
Đặc biệt, sự thay đổi trong các chính sách đối ngoại của Chính phủ cũng dẫn tới hợp tác quốc tế về giáo dục chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cao hơn và phức tạp hơn, đó là hội nhập quốc tế về giáo dục.
“Với tầm nhìn 10-15 năm tới, chiến lược hội nhập quốc tế về giáo dục của nước ta sẽ là một chiến lược xây dựng hệ thống giáo dục mở”, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, người đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng Luật Giáo dục, Chiến lược Phát triển giáo dục và các văn bản pháp quy có liên quan, khẳng định.
Theo đó, mô hình giáo dục này sẽ cho phép gắn kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu giáo dục và doanh nghiệp, nhằm cung ứng rất sát nhu cầu lao động của thị trường. Cơ chế cạnh tranh được xác định là chủ đạo trong mô hình này, nguồn vốn đầu tư cho giáo dục cũng được huy động từ thị trường.
Hải Hà