Chọn trường nào?
Nhiều trường đại học trên thế giới đã bắt đầu dịch chuyển tiêu chí lựa chọn và tìm ứng viên, thay vì chỉ dành nhiều ưu ái cho SAT hay IELTS. Thông tin này được TS. Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc học thuật Trường Phổ thông liên cấp Olympia chia sẻ tại Hội thảo Cánh cửa vào đại học top đầu: Chìa khóa nào ngoài SAT và IELTS, do Trường Phổ thông liên cấp Olympia tổ chức.
Hội thảo Cánh cửa vào đại học top đầu: Chìa khóa nào ngoài SAT và IELTS được Trường Phổ thông liên cấp Olympia tổ chức. |
“Sau một thời gian, hồ sơ học sinh đã có những tiêu chí khá giống nhau về điểm năng lực thì một số trường đang hướng tới các học sinh phù hơp với tinh thần, văn hóa của trường đó. Các trường đại học ở Mỹ đang thể hiện khá rõ xu hướng này. Còn các trường ở Anh, Australia... vẫn dựa khá nhiều vào các tiêu chí học thuật và các hoạt động ngoại khóa để lựa chọn ứng viên”, TS Hiếu chia sẻ kinh nghiệm sau thời gian dài làm việc với các hồ sơ du học và thực tế tuyển sinh của nhiều trường đại học ở Mỹ.
Cụ thể, theo TS. Hiếu, Đại học Chicago có xu hướng lựa chọn các học sinh có thiên hướng nghiên cứu lý thuyết, tư duy triết học. Đại học Yale dành mối quan tâm tới những ứng viên có thế mạnh trong các ngành nhân văn, xã hội. Đại học MIT gần như là không gian của dân mê công nghệ. Đại học Standford có xu hướng lựa chọn những học sinh đoạt huy chương quốc tế và các nhà hoạt động xã hội, khởi nghiệp tương lai...
Chính vì vậy, lời khuyên của TS. Hiếu là, bên cạnh thực sự hiểu năng lực, nhu cầu của từng học sinh để có định hướng thì học sinh và gia đình cần quan tâm đến tinh thần, văn hóa của các trường để hiểu và có sự chuẩn bị hồ sơ hiệu quả.
Việc tìm hiểu về trường có thể thực hiện thông qua trang web của nhà trường, bộ phận tuyển sinh, thông qua trao đổi với các sinh viên, cựu sinh viên...
“Hiện tại, nhiều gia đình có điều kiện có thể đưa con em mình tới tận trường để trao đổi, trải nghiệm, Điều đó rất tốt. Nhưng các em cũng có thể tìm kiếm chất của trường thông qua chương trình học được công bố công khai. Cùng là môn học cơ bản, thì các trường sẽ có những yêu cầu, cách giảng dạy có chất riêng...”, TS. Hiếu tư vấn.
SAT hay IELTS có phải là chìa khóa duy nhất?
Thực tế tại Việt Nam hiện tại, luyện để đạt điểm thi SAT hay IELTS cao đang là mục tiêu của học sinh cấp 3. Thậm chí, nhiều gia đình đã chuẩn bị lộ trình này ngay từ những năm học cấp 2, với quỹ thời gian đáng kể cho các khóa học luyện thi.
Văn phòng Tư vấn hướng nghiệp UCC của The Olympia Shools tư vấn cho phụ huynh, học sinh tham về cách lựa chọn đại học phù hợp. |
Trong nhiều gia đình có con em đang ở độ tuổi cấp 3, cuộc chạy đua... deadline để hoàn tất các yêu cầu về điểm số, các chứng chỉ và các chứng nhận hoạt động ngoại khóa của hồ sơ du học là của cả nhà. Cánh cửa nhiều đại học uy tín hàng đầu mở ra với nhiều học sinh Việt Nam sau mỗi mùa tuyển sinh thực sự là những kết quả rất đáng kể.
Tuy nhiên, TS. Hiếu chia sẻ, SAT, IELTS và cả các hoạt động ngoại khóa đang ngày càng phong phú hơn ở Việt Nam chưa đủ để các học sinh cấp 3 bước vào các trường đại học top đầu, nhất là các trường đại học ở Mỹ.
Hơn thế, mặc định điểm cao trong các bài thi chuẩn hóa năng lực, gồm cả SAT và IELTS, có thể phản ánh gần như đầy đủ nền tảng năng lực của học sinh khá nguy hiểm, vì các điểm số này không thể hiện hết năng lực và cũng không thỏa mãn hết các yêu cầu trong học tập và cuộc sống. Thực tế, nhiều học sinh dù đã bước qua cánh cửa đại học với điểm SAT, IELTs khá tốt, nhưng lại khá chật vật trong học tập, hòa nhập...
“SAT hay IELTS đều cần, đều quan trọng, nhưng để trả lời câu hỏi có phải đó là những điều duy nhất, quan trọng nhất mà đứa trẻ cần chuẩn bị hay không, thì câu trả lời của tôi là không. Tôi tiếc cho quảng thời gian trung học vô cùng đẹp của các em nếu chỉ tập trung cho các kỳ thì, luyện SAT, IELTS. Các em có thể có nhiều trải nghiệm đáng giá và có ý nghĩa hơn, ông Hiếu lý giải.
Thực tế, nhiều học sinh cấp 3 ở Việt Nam không tự mình hoàn thiện hồ sơ dự tuyển đại học, chỉ tham gia các hoạt động ngoại khóa để có tên... vì bố mẹ đã làm, đã thuê dich vụ tư vấn làm sẵn hết rồi. Thậm chí, nhiều em lựa chọn ngành học vì... bố mẹ. Đây là lý do nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam thiếu và yếu nhiều kỹ năng trong cuộc sống.
Nhưng đây cũng không phải là vấn đề riêng của học sinh, sinh viên Việt Nam. Một nghiên cứu của Đại học Havard về những kỹ năng còn thiếu hụt của sinh viên khi ra trường nhắc tới nhiều điểm yếu khá tương đồng. Đó là khả năng giao tiếp hiệu quả trong văn viết, văn nói; kỹ năng làm việc nhóm, thương lượng, quản lý khách hàng và đối tác; khả năng tư duy đa chiều: sáng tạo, phản biện và năng lực tự học; tác phong chuyên nghiệp và tính cách: đạo đức, độ tin cậy, độc lập.
Với kinh nghiệm vừa là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, vừa là người trực tiếp nộp hồ sơ và nhận học bổng đào tạo của nhiều trường đại học ở Mỹ, TS. Hiếu đề cập tới 6 loại “vốn” theo ông là rấ cần chuẩn bị cho học sinh trước thềm du học. Đó là: vốn ngôn ngữ, vốn kỹ năng học, vốn “hoa tiêu”, vốn xã hội, vốn gia đình, vốn đam mê.
Để có được các nguồn vốn này, các học sinh cần được chuẩn bị từ sớm, với sự tham gia của gia đình và sự hỗ trợ của nhà trường, thầy cô thông qua các hoạt động hàng ngày ở nhà, ở trường.
“Quan trọng nhất là cần cho các em điều kiện và cơ hội để học cách tự học, tự rèn luyện và tự quyết định trên các nguyên tắc, nền tảng các hệ giá trị được xây dựng từ nhỏ qua gia đình, nhà trường, các mối quan hệ xã hội...:", TS. Hiếu chia sẻ quan điểm.
Cũng trong Hội thảo này, Thạc sĩ Đại học Harvard Nguyễn Vũ Thanh An, cựu học sinh Trường PTLC Olympia, khuyến nghị nên tập trung phát triển những năng lực nền tảng cho con em, cũng như thói quen học tập - sinh hoạt lành mạnh, từ bậc phổ thông.
“Việc học sinh sẽ thay đổi ngành khi đang học, hay đổi nghề khi ra làm việc... là bình thường, nên cần năng lực tự học, tự nghiên cứu và tự quyết định là những tài sản rất quý với mỗi người để hoàn thiện kỹ năng, tính kiên định... trong thực hiện đam mê, trong đối mặt với những khó khăn của cuộc sống”, Thạc sĩ Thanh An chia sẻ kinh nghiệm.