Đó là việc chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) đã đánh mất quyền giải ngân tại Hiệp định Vay vốn lần thứ nhất từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trị giá 350 triệu USD từ ngày 30/6/2019 và tiếp tục đối diện với nguy cơ mất tiếp quyền giải ngân tại Hiệp định Vay vốn ADB lần thứ hai trị giá 286 triệu USD, nếu không kịp hoàn thành các thủ tục gia hạn trong ít ngày tới.
Tổn thất là rất lớn nếu biết rằng, các gói thầu xây lắp sử dụng vốn vay ADB tại dự án này mới chỉ giải ngân chưa đầy 60% khối lượng và chủ đầu tư hiện chưa tìm ra bất cứ nguồn nào để bù đắp. Không có vốn bổ sung đồng nghĩa với việc hơn 15.000 tỷ đồng đã được đưa vào Dự án kể từ năm 2014 đến nay sẽ mãi là những khối lượng dở dang, không có công năng sử dụng, trong khi các khoản vay dưới sự bảo lãnh của Chính phủ này vẫn đang phải đều đặn trả lãi và phí.
Đó là nguy cơ phát sinh chi phí bồi thường hợp đồng hàng trăm tỷ đồng cho các nhà thầu quốc tế do chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của đất nước trong con mắt các nhà tài trợ và bạn bè quốc tế.
Đó là còn những thiệt hại kinh tế - xã hội rất lớn từ việc chậm đưa phân đoạn quan trọng bậc nhất của đường cao tốc Bắc - Nam, có tác dụng kết nối khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long vào khai thác, trong khi lẽ ra nó phải hoàn thành vào cuối năm 2019 như mục tiêu được đề ra ban đầu.
Thực tế xót xa này nằm ngoài hình dung của cả chủ đầu tư, các liên danh nhà thầu đa quốc gia thi công tại Dự án và các cơ quan liên quan, nhất là khi công trình được khởi công cách đây 6 năm, chủ đầu tư đã nắm trong tay 2 hiệp định vay vốn thông thường (OCR) trị giá 647,13 triệu USD với ADB và 1 hiệp định vốn vay theo hình thức STEP trị giá 569,2 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Bên cạnh các nguyên nhân như sự yếu kém về năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu... sẽ có người đặt câu hỏi rằng, liệu có thực sự khó khăn tới mức không thể xử lý dứt điểm những vướng mắc dù đã được nhận diện từ hơn 1,5 năm trước trong việc xác định cơ quan chủ quản và cấp quyết định đầu tư các dự án do VEC làm chủ đầu tư sau khi đơn vị này được chuyển giao từ Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước - cơ sở để thực hiện điều chỉnh dự án và gia hạn các hiệp định vay?
Sẽ cần một câu trả lời xác đáng cho việc cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khiến Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành rơi vào nguy cơ vỡ trận trong khi những điều kiện cần và đủ ban đầu là rất đầy đủ và thuận lợi. Song, điều cần nhất đối với các cơ quan chức năng lúc này là việc sớm hoàn thành các thủ tục gia hạn hiệp định vay ADB lần 2 sẽ đóng sau 3 tháng tới và việc khơi thông nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để có thể hoàn thành dứt điểm Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cần phải nói thêm, ngoài quy mô vốn, sức lan tỏa… tình trạng khó khăn của Dự án khiến công trình này xứng đáng nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, tương tự như Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.
Trên thực tế, việc tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành không chỉ tránh gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, mà quan trọng hơn, nó còn góp phần thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đẩy nhanh nguồn vốn đầu tư, sớm hoàn thành các dự án lớn. Điều này còn tạo động lực duy trì tăng trưởng, giúp nền kinh tế vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh, từ đó hoàn thành các mục tiêu kinh tế lớn của năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020).