Ảnh minh họa. |
Cần kịch bản quảng bá, xúc tiến tổng thể
Đánh giá về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, CEO Flamingo Redtours nhận định, mặc dù ngành du lịch đã đa dạng hóa kênh quảng bá, nhưng đầu tư về tài chính vẫn còn khiêm tốn.
“Mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Vì thế, chúng ta không thể, hoặc nếu có tham gia vào các sự kiện du lịch lớn của khu vực và thế giới cũng không thể tổ chức gian hàng lớn hay thiết kế được những cuộc gặp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C) hiệu quả”, ông Hoan phân tích.
Trên thực tế, hằng năm, ngành du lịch đều đặt ra chỉ tiêu đón khách quốc tế và doanh thu, nhưng lại không rõ sẽ dành bao nhiêu kinh phí để xúc tiến, quảng bá du lịch. Đặc biệt, chưa có sự phân công cụ thể trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, từ nhiệm vụ của Cục Du lịch Quốc gia, tới các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, ẩm thực…
Việc không có kịch bản quảng bá, xúc tiến tổng thể đôi khi dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, khiến nguồn lực bị phân tán, trùng lắp, thậm chí, chính các điểm đến trong nước lại cạnh tranh với nhau… Bởi vậy, theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, cần phải có “nhạc trưởng” xây dựng kịch bản tổng thể cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Ưu tiên các thị trường trọng điểm
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới có 3 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài (tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh). Trong khi đó, nhiều quốc gia đã và đang coi việc mở văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài là kênh chủ lục của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút du khách quốc tế. Thái Lan hiện có 29 văn phòng đại diện du lịch ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ; Malaysia có 35 văn phòng đại diện; Singapore có 23 văn phòng đại diện; Hàn Quốc có 31 văn phòng đại diện.
Bà Sukanya Sirikanjanakul, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương thuộc Tổng cục Du lịch Thái Lan chia sẻ, “át chủ bài” giúp Thái Lan thu hút khách quốc tế chính là các văn phòng đại diện du lịch được bố trí ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các đơn vị này có nhiệm vụ “phủ sóng”, quảng bá hình ảnh du lịch Thái Lan, đồng thời nghiên cứu, theo dõi hành vi du lịch của du khách quốc tế để đưa ra các chương trình quảng bá riêng biệt theo từng thị trường.
Khẳng định việc mở các văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài rất cấp thiết, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel dẫn chứng, mặc dù Việt Nam không phải thị trường khách lớn, nhưng nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Singapore… đã đặt văn phòng đại diện du lịch tại đây và hoạt động rất hiệu quả.
“Đơn cử, Văn phòng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam hoạt động như một đơn vị sự nghiệp rất hiệu quả, không chỉ thực hiện nhiệm vụ quảng bá du lịch Hàn Quốc, mà còn là cầu nối cho các địa phương của Hàn Quốc muốn quảng bá, xúc tiến du lịch tại Việt Nam”, ông Đạt nói.
Về kinh phí mở và duy trì hoạt động của các văn phòng du lịch tại nước ngoài, theo ông Nguyễn Công Hoan, có thể đề xuất từ nhiều nguồn, như ngân sách của các cơ quan ngoại giao, của Bộ Công thương, Quỹ Hỗ trợ Phát triển du lịch và từ nguồn xã hội hóa.
“Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, hàng không cũng được hưởng lợi khi thị trường quốc tế được mở rộng. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp kinh phí nếu văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài hoạt động hiệu quả. Chi phí truyền thông, quảng bá rất lớn, một doanh nghiệp không làm được, nhưng nhiều doanh nghiệp kết hợp với nhau sẽ làm tốt và tránh sự trùng lặp, cạnh tranh nội bộ”, CEO Flamingo Redtours khẳng định.
Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, đại diện các doanh nghiệp du lịch đề xuất, khi mở văn phòng đại diện ở nước ngoài, nên ưu tiên các thị trường mục tiêu trọng điểm như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ…