Đề xuất quy định mới về quản lý mỹ phẩm |
Bộ Y tế cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, làm đẹp và chăm sóc cá nhân là nhu cầu tất yếu của con người và ngày càng trở nên phổ biến hơn, không phân biệt về giới tính, độ tuổi. Chính vì thế mỹ phẩm đang dần trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của xã hội. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng sản phẩm mỹ phẩm với nhiều thương hiệu sản phẩm và xuất xứ khác nhau.
Ngày 02/9/2003, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định hòa hợp trong quản lý mỹ phẩm của các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN); theo đó, ASEAN quy định: "Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và bên ngoài cơ quan sinh dục) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, giữ cơ thể trong điều kiện tốt".
Thực hiện Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN và các quy định của Pháp luật Việt Nam như Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Quảng cáo, Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ quy định về ghi nhãn hàng hóa và các văn bản khác có liên quan, Bộ Y tế đã quy định quản lý mỹ phẩm trong Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2011. Trong Thông tư này ngoài các nội dung chung của các văn bản quy phạm pháp luật như phạm vi và đối tượng áp dụng, giải thích thuật ngữ, Bộ Y tế đã quy định cụ thể các nội dung như công bố sản phẩm mỹ phẩm (trình tự, cách thức, thủ tục công bố tiếp nhận số công bố, thời hạn hiệu lực của số tiếp nhận phiếu công bố, thay đổi nội dung đã công bố), các yêu cầu về Hồ sơ thông tin sản phẩm, yêu cầu về an toàn sản phẩm mỹ phẩm, ghi nhãn mỹ phẩm, xuất nhập khẩu mỹ phẩm; lấy mẫu và kiểm tra chất lượng mỹ phẩm, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán nhập khẩu mỹ phẩm và quyền của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 quy định về việc xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Sau khi Luật Đầu tư năm 2014 ban hành, đưa ngành nghề "sản xuất mỹ phẩm" vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì năm 2016, các quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT đã được đưa lên Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Ngoài ra trong lĩnh vực mỹ phẩm còn áp dụng Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Thực hiện Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm của ASEAN, Việt Nam đã quy định cơ chế quản lý theo hướng chuyển đổi từ cơ chế "tiền kiểm" trước đây - "Đăng ký lưu hành" sang cơ chế "Hậu kiểm" - "Công bố sản phẩm" và kiểm tra hậu mại. Với cơ chế quản lý này, các doanh nghiệp trong nước chỉ phải đăng ký kinh doanh (có chức năng kinh doanh mỹ phẩm). Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước; Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đối với mỹ phẩm sản xuất ở nước ngoài) và đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường. Cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra hậu mại và xử lý, xử phạt tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Cơ chế quản lý này yêu cầu hệ thống cơ quan quản lý và cơ quan thực thi pháp luật phải rất mạnh đồng thời ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp phải rất cao.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay Thông tư quy định về quản lý mỹ phẩm có nhiều nội dung không còn phù hợp như về hồ sơ công bố mỹ phẩm, ghi nhãn, quảng cáo, sản xuất mỹ phẩm trong nước, các giới hạn kim loại nặng và vi sinh vật trong sản phẩm mỹ phẩm… Tuy nhiên khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ra đời thì Bộ Y tế không có đủ cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2011/TT-BYT vì chưa có căn cứ nội dung được giao trong Luật hoặc Nghị định, nhiều nội dung vướng mắc, bất cập, không phù hợp liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc thủ tục hành chính mà theo quy định của Luật Đầu tư và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải được quy định từ cấp Nghị định trở lên, Thông tư không được phép quy định những nội dung này.
Thêm vào đó, việc quản lý đối với các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước được thực hiện theo quy định của Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện sản xuất mỹ phẩm, qua 7 năm triển khai thi hành cũng còn nhiều nội dung chưa phù hợp và cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng với tình hình thực tiễn. Ví dụ: Chưa có danh mục kiểm tra đánh giá thực tế tại cơ sở để làm căn cứ thống nhất trong đánh giá tại tất cả các địa phương trong toàn quốc; chưa có quy định cụ thể về trình độ, bằng cấp chuyên môn của người phụ trách chuyên môn của cơ sở; chưa có quy định về việc xử lý, giải quyết trong trường hợp cơ sở sản xuất đề nghị thay đổi người phụ trách chuyên môn; chưa có quy định hướng dẫn xử lý trong trường hợp cơ sở sản xuất mỹ phẩm thực hiện việc sản xuất các sản phẩm không phải mỹ phẩm trên cùng dây chuyền sản xuất mỹ phẩm…
Bộ Y tế đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp lý cũng như để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày một gia tăng về quy mô, chủng loại mặt hàng và hình thức kinh doanh mới phát sinh (thương mại điện tử) hướng đến thực hiện mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý mỹ phẩm, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập đồng thời tăng tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm an toàn chất lượng của người dân.