Doanh nghiệp
Cuộc chơi mới của chuỗi bán lẻ mỹ phẩm
Anh Hoa - 12/12/2023 08:27
Cạnh tranh gay gắt buộc nhiều chuỗi bán lẻ mỹ phẩm phải tìm đến các quỹ đầu tư, các ông lớn nước ngoài để gia tăng sức mạnh.
Các chuỗi bán lẻ mỹ phẩm đang cạnh tranh gay gắt để chiếm lĩnh thị phần. Trong ảnh: Chuỗi cửa hàng chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Hasaki vừa nhận đầu tư từ Alibaba

Gã khổng lồ Alibaba “nhập cuộc”

Ông lớn thương mại điện tử Alibaba đã mua lại lượng cổ phần thiểu số ở chuỗi cửa hàng chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Hasaki. Thương vụ này được thực hiện thông qua công ty con Alibaba International Digital Commerce Group (AIDC).

Về AIDC, đây là công ty được thành lập trong quá trình cải tổ hoạt động của Tập đoàn Alibaba vào tháng 3/2023. Trong quá trình này, Alibaba đã tách thành 6 doanh nghiệp. AIDC vận hành trang web Alibaba.com, cũng như mảng bán lẻ ở nước ngoài, bao gồm Lazada, AliExpress, Trendyol và Daraz. Trong quý III/2023, AIDC ghi nhận doanh thu 3,36 tỷ USD, tăng trưởng 53% so với cùng kỳ.

Alibaba tin rằng, các thị trường quốc tế đang sở hữu tiềm năng tăng trưởng khổng lồ trong vài năm tới. Tập đoàn sẽ đầu tư vào những thị trường trọng điểm trong khu vực, có tiềm năng cao và tận dụng các cơ hội tăng trưởng nhanh nhất.

Hiện chuỗi cửa hàng Hasaki có sự hậu thuẫn từ công ty vốn cổ phần tư nhân (PE) Excelsior Capital Asia - một công ty đặt trụ sở tại Hồng Kông.

Alibaba International “nhập cuộc” vào Hasaki với tư cách là nhà đầu tư tài chính. Bất chấp các điều kiện vĩ mô đầy thách thức, thương vụ này là minh chứng cho năng lực và mô hình kinh doanh của Hasaki, ông Hiệp Đinh, nhà sáng lập kiêm CEO Hasaki khẳng định với giới truyền thông.

Ra đời vào năm 2016, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe Hasaki hiện vận hành hơn 140 cửa hàng và phòng khám trên khắp Việt Nam. Bên cạnh mạng lưới cửa hàng, Hasaki còn có nền tảng bán lẻ trực tuyến, bao gồm website, ứng dụng điện thoại và một cửa hàng trên website thương mại điện tử.

Tính tới tháng 11/2023, cơ sở người dùng của Hasaki đã mở rộng ra 3,8 triệu thành viên, với gần 750.000 người mua sắm mỗi tháng. Hasaki đặt mục tiêu chiếm ít nhất 35% thị phần tại Việt Nam vào năm 2027.

Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe là một trong những lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, với tổng quy mô thị trường lên đến 2,2 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 7%. Lĩnh vực này đang trong giai đoạn chuyển tiếp với các nhà bán lẻ tổ chức thay thế các nhà bán lẻ cá nhân truyền thống và các cửa hàng quy mô nhỏ.

Dẫu vậy, Hasaki đang phải cạnh tranh với nhiều chuỗi khác, chẳng hạn chuỗi cửa hàng Beauty Box, với sự hậu thuẫn của quỹ Mekong Capital. Quỹ đầu tư này đã rót tiền vào Beauty Box năm 2021. Chuỗi Beauty Box tập trung vào tệp khách hàng cao cấp. Đáng nói, đây là chuỗi nằm trong hệ sinh thái của HSV Group, bên cạnh các chuỗi cửa hàng chính hãng của THEFACESHOP, Reebok. 

Theo số liệu tự công bố thì năm 2022, HSV Group đạt doanh thu 384 tỷ đồng, biên lãi gộp trên 47%, cao gấp 3 lần bình quân toàn ngành bán lẻ. Năm nay, doanh nghiệp kỳ vọng đạt hơn 658 tỷ đồng doanh thu.

Trong khi đó, công ty thương mại điện tử về sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Social Bella của Indonesia cũng bước chân vào Việt Nam cách đây 1 năm. Công ty này có sự hậu thuẫn của L Catterton.

Ra đời sớm nhất trong lĩnh vực bán lẻ mỹ phẩm tại thị trường Việt Nam có thể kể đến Medicare (từ năm 2001). Đây là chuỗi duy nhất trong lĩnh vực này tại Việt Nam trong suốt 10 năm, trước khi có sự xuất hiện của Guardian. Tuy nhiên, hiện tại thì hệ thống Medicare chỉ có khoảng 70 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở các địa phương ngoài TP.HCM và Hà Nội.

Xuất hiện sau Medicare, nhưng Guardian đã vươn lên dẫn đầu thị trường từ năm 2017, hiện vận hành khoảng 130 cửa hàng vật lý và các nền tảng online. Đây là một thương hiệu của DFI Retail Group - nhà bán lẻ hàng đầu châu Á và là một phần trong hệ sinh thái đa ngành nổi tiếng Trending Martinson.

Chưa có con số thị phần cụ thể của các chuỗi ở thời điểm hiện tại, nhưng có lẽ Guardian và Hasaki đang là hai cái tên sáng nhất. Nếu Hasaki trung thành với tệp khách hàng phổ thông từ những ngày đầu tiên, thì Guardian chỉ mới bắt đầu đại chúng hóa chuỗi cửa hàng từ giữa năm 2019. Mặt khác, trong khi Guardian khi về Việt Nam không tích hợp mảng nhà thuốc để hạn chế cạnh tranh và tập trung toàn lực cho chuỗi mỹ phẩm, thì Hasaki lại khá thành công với chuỗi 15 Spa Clinic trên khắp cả nước.

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử

Đầu tư mạnh vào thương mại điện tử vài năm qua được coi là giải pháp cho các doanh nghiệp ngành mỹ phẩm chuyển đổi mô hình kinh doanh từ offline sang online (O2O), thay vì để mặc hoạt động kinh doanh “lạc trôi” trong khủng hoảng của đại dịch Covid-19.

Chưa kể, trong thời đại lên ngôi của chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ dễ bị vụt mất nhiều khách hàng tiềm năng vào tay đối thủ nếu chưa sở hữu website thương mại điện tử chuyên nghiệp để giới thiệu và bày bán sản phẩm cho những vị khách yêu thích mua hàng online.

Điều này đặc biệt đúng đối với ngành công nghiệp cạnh tranh khốc liệt như mỹ phẩm. Hasaki, LixiBox, Watsons, Guardian… cũng sớm lao vào cuộc đua đón đầu xu hướng này và vươn lên thống lĩnh thị trường thương mại điện tử mỹ phẩm.

Điều này lý giải vì sao, Hasaki lại nhận đầu tư tài chính từ “ông lớn” Alibaba. Đây là chiến lược giúp cả hai như “hổ mọc thêm cánh”.

Việc đầu tư bài bản vào xây dựng hệ sinh thái đa kênh chính là tiền đề giúp Guardian vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ mỹ phẩm và tạo dấu ấn khó quên cho người tiêu dùng. Đó là lý do thôi thúc Hasaki Beauty & Clinic ra đời với mong muốn trở thành điểm đến chăm sóc sắc đẹp và tinh thần đáng tin cậy của phụ nữ Việt. Ra mắt thị trường năm 2016, hệ thống cửa hàng Hasaki từng bước khẳng định vị thế là một trong những chuỗi bán lẻ mỹ phẩm chính hãng hàng đầu với 76 chi nhánh tại 29 tỉnh, thành phố.

Trang web được xây dựng với nền tảng Magento, giao diện được thiết kế bắt mắt với màu xanh là tông màu chủ đạo cho toàn bộ hệ thống website và app thương mại điện tử. Tương tự Guardian, Hasaki khuyến khích khách hàng mua sắm trực tuyến bằng các chính sách giao hàng miễn phí khi đặt hàng trực tuyến với NowFree 2h.

Theo đó, với các đơn đặt hàng có giá trị từ 90.000 đồng, Hasaki sẽ giao nhanh miễn phí cho người mua trong vòng 2h tại 29 tỉnh thành có chi nhánh của công ty kể cả Thứ 7 và Chủ nhật. Riêng các đơn hàng từ 249.000 đồng, khách hàng sẽ được ưu đãi miễn phí giao hàng trên toàn quốc. 

Nhờ sự thức thời trong việc đoán biết xu hướng của thị trường cùng chiến lược marketing kết hợp hiệu quả, Hasaki đã tạo ra một “cơn sốt xanh” được nhiều tín đồ làm đẹp say đắm, từng bước tranh hùng với các đối thủ lớn trong lĩnh vực mỹ phẩm tại Việt Nam. 

Đối thủ nặng ký nhất của Hasaki chính là Guardian. Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2011, Guardian đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với người tiêu dùng mỹ phẩm. Thương hiệu này thuộc tập đoàn Dairy Farm chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

Ngay từ khi bắt đầu đến nay, Guardian không ngừng hoàn thiện để truyền cảm hứng sống khỏe sống đẹp cho hàng triệu tín đồ và mang đến trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy, chất lượng cao với giá cả và dịch vụ tốt nhất.

Chuỗi bán lẻ này với mục tiêu trở thành nơi mua sắm mỹ phẩm cho mọi người với hệ thống hơn 100 cửa hàng. Theo đó, khi vừa thâm nhập thị trường Việt Nam, Guardian đẩy mạnh mở rộng chuỗi kinh doanh nhanh chóng nhắm vào các thành phố có sức mua lớn với 80% cửa hàng đặt tại TP.HCM, phần còn lại đặt tại Hà Nội và một số thành phố lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa, Vũng Tàu.

Với đặc thù của ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp, khách hàng phải có điểm chạm trực tiếp, tìm hiểu và thử nghiệm, Guardian thành công gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu với độ phủ rộng khắp. Đến năm 2019, công ty bắt đầu hành trình chuyển đổi số khi kết hợp song song giữa hai mô hình kinh doanh offline và online (O2O), đồng thời, thiết lập mạng lưới bán hàng đa kênh (Omnichannel).

Đại dịch Covid-19 làm dịch chuyển xu thế thị trường và thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng, càng thôi thúc Guardian nhanh chóng triển khai các kênh bán hàng tiềm năng như sàn thương mại điện tử, app, kênh giao nhanh như GrabMart và website thương mại điện tử hoạt động song song với chuỗi 105 cửa hàng bán lẻ ở các khu vực trọng yếu.

Theo đó, trang web của Guardian được thiết kế đẹp mắt nổi bật với sắc cam và trắng, cùng tốc độ tải trang nhanh. Để khuyến khích khách hàng mua sắm trực tuyến, Guardian đưa ra những ưu đãi hấp dẫn trong chính sách vận chuyển như miễn phí giao nhanh trong vòng 4h với các đơn hàng từ 349.000 đồng.

Điểm nổi bật khác trong website thương mại điện tử của Guardian là danh mục sản phẩm độc quyền của công ty được đặt để và làm nổi bật trong mắt người dùng với các sản phẩm từ dầu gội, sữa tắm đến nước rửa tay độc quyền mang thương hiệu Guardian. 

Có thể thấy, tốc độ phát triển của thương mại điện tử đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành mỹ phẩm. Tuy nhiên, để kinh doanh thương mại điện tử mỹ phẩm thành công, các nhà điều hành doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng và thấu đáo nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cùng xu hướng thị trường thay đổi không ngừng và đặc biệt là phác thảo chiến lược kinh doanh bài bản, đúng đắn để có những bước đi hiệu quả nhất cho cả chặng đường ngắn hạn và dài hạn.

Tin liên quan
Tin khác