Doanh nghiệp
Cắt giảm lao động: Coi chừng đứt tay
Nguyên Đức - 29/03/2013 14:04
Kinh doanh khó khăn khiến các doanh nghiệp (DN) tiếp tục phải cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, giống như một con dao hai lưỡi, việc cắt giảm nhân sự ồ ạt, thiếu hợp lý có thể sẽ khiến DN gặp khó khăn.
TIN LIÊN QUAN

Hơn 10,7 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,11 giây với từ khóa “cắt giảm lao động” tìm kiếm trên Google. Điều đó có lẽ đủ để cho thấy, câu chuyện cắt giảm lao động đã trở nên phổ biến như thế nào, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn cầu, không chỉ ở doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà ở cả các “đại gia”.

Có thể đưa ra hàng loạt ví dụ điển hình. Chẳng hạn, Panasonic hồi cuối năm ngoái cho biết, sẽ sa thải 10.000 nhân sự cho tới hết tháng 3/2013 để tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Hay như Kodak, hồi đầu năm ngoái, đã cắt giảm 2.700 nhân công trên toàn thế giới. Đến cuối năm, công ty này lại sa thải thêm 1.000 nhân công để tránh nguy cơ phá sản…

Trong khi đó, ở Việt Nam, ngay sau Tết, một số ngân hàng đã tuyên bố cắt giảm nhân sự. Theo Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM, khi khó khăn thì một trong những giải pháp mà các ngân hàng thường lựa chọn là tinh giảm bộ máy. “Nếu giảm lương, thưởng, người lao động sẽ không còn nhiều hưng phấn để cống hiến cho ngân hàng. Còn cắt giảm nhân sự sẽ làm cho những người còn lại phấn đấu để tránh bị loại”, vị phó tổng giám đốc trên nói.

Thực tế, ngay từ cuối năm ngoái, đã có những ngân hàng Việt cắt giảm nhân sự. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã cắt giảm 605 nhân sự trong quý III/2012 và tính chung, so với tháng 9 năm ngoái, nhân sự của ngân hàng này đã giảm hơn 1.000 người.

Ở những lĩnh vực khác cũng diễn ra tương tự. Công ty Đóng tàu Hạ Long đã cắt giảm 900 lao động. Công ty cổ phần Xây dựng số 2 - Vinaconex cũng đã lên kế hoạch cắt giảm khoảng 430 lao động...

Cắt giảm lao động, trên thực tế, gần như là giải pháp cuối cùng của doanh nghiệp, để tiết kiệm chi phí, nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, bài toán này lại giống như con dao hai lưỡi, nếu xử lý không khéo, thì hệ lụy sẽ rất lớn. GS. Douglas Coulter, Giám đốc Điều hành Quỹ Open Minds Foundation cũng đã khẳng định điều này.

Hệ lụy trước tiên và lớn nhất là phản ứng của người lao động, thậm chí là đình công, kiện cáo, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của DN. Hệ lụy thứ hai là thiếu lao động khi DN ký được đơn hàng. Đã có trường hợp, DN phải từ chối các hợp đồng bấy lâu mong chờ, chỉ vì lý do thiếu lao động. Và cũng đã có DN lâm vào nguy cơ phá sản, chỉ vì thiếu lao động mà không thể thực hiện hợp đồng đúng hạn.

Bài toán đặt ra là, trong bối cảnh này, các CEO phải làm như thế nào, để vừa tiến hành tái cấu trúc, thu hẹp quy mô, giảm quỹ lương, giảm nhân sự, nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng khi các đơn hàng nhiều lên?

Con người chính là tài sản lớn nhất, quý giá nhất của DN. Nhờ con người mà DN có thể vượt qua mọi sóng gió, bão táp của thương trường. Nhưng ngược lại, trong một số trường hợp, cũng chính vì con người, mà con thuyền của DN có thể bị nhấn chìm lúc nào không hay. Điều này đòi hỏi các CEO phải rất linh hoạt và nhạy cảm trong việc ra các quyết định liên quan đến tuyển dụng hay sa thải lao động.

“Phải có chính sách giữ lao động hiện có, thậm chí cả trong trường hợp sản xuất - kinh doanh khó khăn. Phải làm sao để người lao động luôn sẵn sàng gắn bó với công ty. Còn việc tuyển dụng lao động, phải thực hiện rất bài bản như có chính sách tuyển dụng hợp lý, gắn chặt với trường dạy nghề, có hợp đồng lao động chặt chẽ, thậm chí nên tính cả phương án mở trường đào tạo cho công ty trong dài hạn”, ông Phùng Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT nói.

Nhưng đó là quan điểm của cá nhân ông Thắng. Còn có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này được nêu trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phiên bản 2013, với chủ đề Nhân sự thời khủng hoảng - Cắt giảm nhân sự. Chương trình được phát sóng trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam vào sáng Chủ nhật tuần này (31/3/2013) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai, 1/4/2013. CEO tham dự chương trình lần này là ông Phạm Phan Nguyên, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Sức mạnh số (Digipower).n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công - CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco thông qua nhãn hàng Thuốc bổ não Cebraton

Tin liên quan
Tin khác