Có mặt tại ga Sài Gòn sáng ngày 23/3 sau 3 ngày cầu Ghềnh sập, ga Sài Gòn vắng vẻ đến lạ thường, các điểm nhận hàng của các công ty vận tải đường sắt tại đây cũng trong cảnh nhân viên “ngồi chơi”, chỉ có duy nhất Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn có nhận hàng nhưng chỉ nhận hàng kiện rồi cho lên xe ô tô tải trung chuyển về ga Đồng Nai.
Anh Nguyễn Văn Cường, nhân viên quầy giao nhận hàng hóa Công ty vận tải Sài Gòn - Hà Nội cho biết, Công ty hiện chỉ nhận vận chuyển từ ga Đồng Nai chứ không nhận vận chuyển từ ga Sài Gòn đi nữa.
“Ngay sau khi nhận tin cầu sập, chúng tôi đã bắt đầu không nhận hàng, số hàng nhận tại ga Sài Gòn trước đó thì công ty thuê xe tải chuyển ra ga Đồng Nai để vận chuyển cho khách, cũng có một số khách hàng đã tới nhận lại hàng để tìm hướng vận tải khác”, anh Cường cho biết.
Các công ty vận tải đường sắt tại Ga Sài Gòn vắng khách hàng. (ảnh Gia Huy). |
Anh Cường cũng cho biết thêm, vì lượng hàng không có, nên hơn 20 nhân viên giao nhận hàng của Công ty tại ga Sài Gòn tạm thời được Công ty cho nghỉ vẫn hưởng lương cơ bản. Tuy chưa có con số cụ thể, nhưng theo anh Cường thiệt hại mà Công ty anh phải chịu là không nhỏ sau sự cố sập cầu Ghềnh này bởi chi phí lương cho 20 nhân viên, chi phí quản lý, bến bãi…là rất lớn.
Một nhân viên của Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, Công ty không nhận hàng gửi kể từ ngày 21/3 và bắt đầu nhận hàng ký gửi từ ngày hôm nay 23/3. Tuy nhiên, khác với những ngày bình thường khi Ga Sài Gòn còn hoạt động, lượng hàng nhận khá nhiều có cả xe máy, ô tô…, thì nay đơn vị này chỉ dám nhận những hàng đóng kiện rồi thuê xe tải chuyển ra ga Đồng Nai để tiếp tục hành trình.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, chưa có báo cáo chính thức thiệt hại trong khâu vận chuyển hàng hóa là bao nhiêu, nhưng với việc phải thuê xe vận chuyển hàng hóa ra ga Đồng Nai cũng như số lượng hàng hóa và mặt hàng vận chuyển giảm trong thời gian dài sẽ gây ra thiệt hại lớn tới công ty ông.
Cũng theo ông Văn, bình thường mỗi ngày có 9 đoàn tàu đi và 9 đoàn tàu về ga Sài Gòn. Tuy nhiên, sau sự cố sập cầu Ghềnh, một số lượng lớn đoàn tàu bị “nhốt” ở ga Sài Gòn không thể điều đi hỗ trợ từ Biên Hòa trở ra, đó là chưa kể số lượng lớn toa tàu chở hàng hóa cũng trong tình trạng tương tự. Vì vậy kế hoạch sắp tới sẽ bỏ tuyến tàu đoạn ngắn Sài Gòn - Phan Thiết để bổ sung cho các chặng khác xa hơn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng tạm thời ngừng xếp hàng tại ga Sóng Thần, nhưng vẫn tiếp tục tổ chức vận chuyển hàng hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga: Long Khánh, Trảng Bom và Hố Nai.
Theo ước tính tại ga Sóng Thần và các ga khác trong khu vực phía bên này của cầu Ghềnh đang dồn ứ khoảng gần 2.000 tấn hàng cần chuyên chở. Ông Nguyễn Chính Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt cho biết, Công ty đang đọng 4 đoàn tàu hàng chủ yếu là container.
Ông Đỗ Đình Dược, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho biết, Công ty ông đã tạm ngưng tiếp nhận vận chuyển hàng hóa từ ngày 21/3 đến khi nào sẽ thông báo chính thức sau, hiện giờ công ty ông chỉ cố gắng chuyển hết số hàng còn tồn đọng từ các ga Sóng Thần hay ga Sài Gòn.
“Sẽ thiệt hại rất lớn đối với công ty trong thời gian tới, nếu tình trạng này không sớm khắc phục thì không chỉ công ty tôi mà các công ty vận chuyển khác cũng sẽ lao đao vì chi phí hàng ngày cho mặt bằng, nhân viên khá cao mà hàng vận chuyển không có”, ông Dược cho biết.
Thông tin từ phía lãnh đạo đường sắt Việt Nam cho biết, phải mất từ 3 đến 5 tháng mới có thể xử lý sự cố sập cầu Ghềnh. Thông tin này khiến nhiều đơn vị doanh nghiệp vận tải đường sắt lo lắng và lên phương án đối phó với việc này. Theo ông Trần Văn Thái, Giám đốc Công ty Vận tải Nhanh có trụ sở tại đường Nguyễn Phúc Nguyên (quận 3, TP.HCM), Công ty chỉ mới thành lập cách đây 2 năm và bắt đầu có lượng khách từ 1 năm nay. Tuy nhiên, tới thời điểm này để không mất lượng khách mình có được thì công ty quyết tâm bù lỗ để giữ chân khách hàng.
“Chúng tôi vẫn tiếp nhận các loại hàng mà khách hàng gửi, đồng thời thuê xe tải chở số hàng đó tới ga Đông Nai để chuyển hàng ra phía bắc hay các tỉnh miền Trung. Thực sự đây là sự cố có ảnh hưởng rất lớn tới việc kinh doanh của chúng tôi, nếu tình trạng này không được ngành đường sắt khắc phục sớm thì những công ty vận chuyển nhỏ như chúng tôi sẽ có nguy cơ phá sản bởi vốn liếng ít mà bù lỗ nhiều là điều dễ đưa doanh nghiệp tới phá sản”, ông Thái cho biết.
Sáng ngày 23/3, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã điều động khẩn cấp 2 cẩu nổi công suất lớn đang thi công cầu Bình Khánh – Gói thầu J1 Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ tai nạn khiến cầu Ghềnh bị sập.
Cụ thể, chiếc sà lan thứ nhất có tải trọng 3.800 tấn đã di chuyển từ công trường cầu Bình Khánh (huyện Nhà Bè, TP.HCM qua cảng Lotus để vận chuyển cẩu nổi công suất 500 tấn (lớn nhất tại Việt Nam hiện nay). Sà lan thứ hai 1.600 tấn đã có sẵn cẩu nổi công suất 150 tấn cùng lên đường đến cầu Ghềnh để kịp thời hỗ trợ khẩn cấp việc sửa chữa cây cầu này.
“Mặc dù việc di chuyển 2 cẩu có ảnh hưởng đến tiến độ thi công trụ cầu Bình Khánh, nhưng chủ đầu tư VEC và Nhà thầu thi công đều có chung nhận thức gánh vác và chia sẻ trách nhiệm với ngành giao thông”, đại diện VEC cho biết.