1. Rốt cuộc, cuộc hẹn với ông Nguyễn Hoàng sau lễ khởi công Khu công nghiệp Nam Hà Nội (Hanssip) cũng được chốt xen giữa những chuyến đi của ông tới Nhật. Nói vui rằng, giờ ông có thể kê cao gối sau 3 năm vất vả đông tây để cho ngày động thổ Hanssip, ông Hoàng cười: “Bây giờ mới là lúc thực sự vào cuộc!”…
Có lẽ vậy. Còn nhớ, khi biết tin N&G Corp ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji và Công ty TNHH một thành viên Hanel để đầu tư khu công nghiệp chuyên biệt dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ, đáp lại những lời chúc mừng, ông Hoàng đã chia sẻ về thời điểm không hẳn thuận cho việc khởi động một khu công nghiệp mới.
Nhìn quanh, nhiều khu công nghiệp đang để trống đất. Rồi cuộc đua làm khu công nghiệp khắp nơi đã vẽ nên một hình ảnh không mấy hấp dẫn về thị trường này.
Đó là chưa kể kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục u ám, khiến ngay cả những đại gia lớn trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cũng phải chùn tay, lùi bước. Cho dù trong cuộc chơi này, Hanssip sẽ thuận hơn nhờ danh tiếng lâu năm của thương hiệu Hanel trong phát triển khu công nghiệp, hay ưu thế về vốn và xúc tiến thu hút đầu tư của Doji sau thành công lớn với thương vụ bán Diana cho Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản), song dòng nước chung lại đang cạn, thuyền bè mắc lại ở nhiều nơi, kế hoạch lội ngược dòng không dễ chút nào.
“Tôi may mắn vì đã tìm được những người đồng chí hướng. Tôi, anh Bình (ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Hanel), anh Phú (Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Doji) đã thống nhất chung tay làm nên một khu công nghiệp hỗ trợ thực sự cho Hà Nội. Hanssip không phải chỉ là một dự án đơn thuần, mà thực sự là sự nghiệp, là mục tiêu mà chúng tôi cùng đeo đuổi, đó là hoàn tất mảnh ghép cuối cho bức tranh khu công nghiệp hỗ trợ mới của Hà Nội”, ông Hoàng chia sẻ khi quyết tâm đầu tư vào Hanssip.
Bức tranh đó là một khu công nghiệp không hàng rào, nơi Hanssip sẽ nối các đầu tầu – những đối tác từ Nhật Bản, một trong những quê hương của ngành công nghiệp hỗ trợ - với các doanh nghiệp Việt Nam – những toa tàu nối dài tạo nên chuỗi giá trị sản xuất ngay trong Hanssip. Đó là nơi Hanssip sẽ kết nối vốn – nhân công có đào tạo – mặt bằng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam…
“Chúng tôi đã tham khảo và thấy rằng, nhu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản trong các ngành công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Họ vẫn đang kêu ca phải đi nhập khẩu nguyên phụ liệu từ bên ngoài về. Rồi thì họ cũng đang tìm địa điểm để mở rộng địa bàn sản xuất ra ngoài Nhật Bản. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam với ưu thế về sự linh hoạt và nhanh nhạy hoàn toàn có thể là các nhà cung cấp nguyên phụ liệu nếu họ tìm được những mấu nối. Rồi hàng trăm doanh nghiệp Hà Nội đang tìm địa điểm để dịch chuyển ra ngoài nội đô theo quy hoạch. Trong sự chuyển dịch này, chúng tôi sẽ chắp thêm những mấu nối”, ông Hoàng chia sẻ công việc đang chiếm tới 70-80% tâm sức của cả ông và N&G Corp.
2. Hoá ra, ông Hoàng cũng đã từng giật mình khi nhìn lại. “Nếu như Hà Tây vẫn như cũ, với khoảng đất hàng trăm nghìn m2 có thể có trong tay, có khi tôi và các đồng sự của mình chẳng còn ngồi đây để nói về tiết chế lòng tham. Chẳng ai nói trước được điều gì, nhất là với các doanh nhân, khi cơ hội kiếm lời mở ra hàng ngày”, ông trầm ngâm.
Chưa bao giờ có nhiều doanh nhân biến mất nhiều như vài năm vừa rồi. Hồi đầu năm 2012, người người, nhà nhà kỳ vọng về một năm rồng mưa thuận gió hoà. Cho dù những khó khăn của năm trước đó còn hiển hiện, người ta vẫn tin vào một sự kỳ diệu của năm mới. Nhưng trong đời không có quá nhiều câu chuyện cổ tích với những kết cục đẹp.
“Nhiều người bạn của tôi hiện giờ chỉ mong muốn trở về… ngày xưa mà không được. Giờ mới thấy xe đẹp, nhà to để làm gì khi mà mơ một giấc ngủ tròn sao mà khó thế. Những biến động thị truờng vừa rồi đã dạy cho tôi, cho các đồng nghiệp của tôi những bài học quá đắt về lòng tham, về cách kinh doanh dễ dãi, theo thói quen. Khi mà chẳng ai hỏi nhau về cách kiếm tiền thế nào cho bền mà chỉ cố lao ra kiếm cho nhanh, cho nhiều”, ông kể.
Giờ thì bước đi của ông Hoàng với Hanssip rất thận trọng, lượng sức mình, lượng sức thị trường. Toàn bộ thời gian của năm 2012 là những chuyến con thoi tìm kiếm các đối tác chiến lược, tìm hiểu nhu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản. Trong số khoảng 600 ha theo quy hoạch được duyệt của Hanssip, lần khởi công cuối năm ngoái mới cho hơn 1/10, khoảng 72 ha của khu công nghiệp và khu đô thị phức hợp. Sự lựa chọn kết hợp đô thị và khu công nghiệp hỗ trợ cũng là một thị trường chuyên biệt mà ông Hoàng tin rằng, sẽ tạo nên cơ hội mới trong bối cảnh thị trường bất động sản đang… bất động.
“Lợi thế của Hà Nội rất lớn, đó là hạ tầng thuận lợi, lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản... nhưng bất lợi là chi phí cao. Với những nhà đầu tư chấp nhận chi phí cao để đầu tư vào Thủ đô, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, họ thường đòi hỏi những điều kiện sống tương ứng. Vì vậy, đầu tư khu đô thị và khu công nghiệp song hành sẽ cho những tác động tương hỗ trong thời điểm này”, ông Hoàng nói.
Sự lựa chọn ưu tiên thu hút đầu tư cho Hanssip là các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã được tính toán kỹ càng. Các nhà đầu tư Nhật Bản khi lựa chọn Hanssip sẽ có cơ hội sở hữu một căn nhà ngay tại đây. Môi trường sống tiện nghi cũng như quy hoạch khu công nghiệp đang được chính tư vấn quy hoạch của Hanssip là Nikken Sekkei Civil (NSC) - Nhật Bản – nhà tư vấn thiết kế hàng đầu của Nhật Bản thực hiện theo đơn đặt hàng của N&G Corp. Nhà thầu xây dựng cũng là một đối tác Nhật Bản, Tập đoàn Shimizu…
“Mọi dự liệu đều đặt trong mục tiêu tận dụng tốt nhất cơ hội khi nhiều người buộc phải dừng lại. Chúng tôi cũng đã nói với NSC rằng, chúng tôi không chỉ cần một quy hoạch khu công nghiệp đơn thuần, mà cần một khu công nghiệp mà các nhà đầu tư Nhật Bản đang tìm kiếm”, ông Hoàng kể lại đầu bài đã đặt ra cho tư vấn thiết kế.
Ngay cả với Tập đoàn Forval, đối tác chiến lược của Hanssip trong kế hoạch dài hạn thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản tới Hanssip cũng vậy, đầu bài đầu tiên mà ông Hoàng muốn đối tác lớn này tham gia giải không phải là vốn liếng, mà là hỗ trợ đào tạo lao động, một trong những điều kiện quan trọng nhất để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao...
3. Không hiểu những đối tác Nhật Bản có thấu hiểu hết ý nghĩa của lời cảm ơn cuối cùng mà ông Nguyễn Hoàng, trong vị trí là chủ đầu tư của Hanssip, gửi tới những người dân xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội trong bài phát biểu của mình tại lễ khởi công Hanssip diễn ra vào cuối năm ngoái không.
Vì lâu nay, giải phóng mặt bằng vẫn luôn là công đoạn xương xẩu nhất với các chủ đầu tư khi bắt tay vào bất cứ một dự án nào có phần thu hồi đất. Nếu không có sự ủng hộ của người dân trong vùng, thì đúng như ông Hoàng nói, cho dù Hanssip có đủ cả “tay long, tay hổ”, với vị trí đắc địa nằm ở ngã ba đường Quốc lộ 1A (cũ), Pháp Vân – Cầu Giẽ, xung quanh có hệ thống sông ngòi bao bọc, cũng không thể phát huy được địa lợi.
Trước khi chấp thuận nhận đền bù, giao đất cho dự án, dân cư ở đây cũng chủ yếu sống bằng nghề đi làm thuê ngoài Hà Nội. Ruộng đất thuê người làm vì thu nhập từ đồng đất không nhiều. “Nhưng là người Việt, chúng tôi hiểu sự gắn bó sống còn của người dân với đất đai. Tôi đã nói với từng người rằng, tôi sẽ không để đất của họ phí phạm. Sẽ tạo ra công ăn việc làm cho con cháu họ ngay trên đồng đất này, chứ không phải đi đâu xa. Rồi khi nhà đầu tư về đây, cuộc sống đô thị sẽ thay đổi…”, ông Hoàng kể.
Mất hai năm để hoàn tất mọi công việc với người dân. Nhưng điều quan trọng nhất, theo ông Hoàng, đó là dự án nhận được sự đồng thuận vô cùng lớn tư người dân. “Chúng tôi hứa và họ tin, Niềm tin đó buộc chúng tôi phải bằng mọi cách để giữ lời hứa”, ông Hoàng tâm sự và kể lại chuyện một cụ già đã treo tấm bản đồ quy hoạch 1/500 dự án Hanssip lên cửa nhà, ngay ngã ba đường liên thôn với lý do “treo dự án này là treo cho đời con, đời cháu, để nhìn thấy con cháu đổi đời”.
Ông Hoàng đang tiếp tục lên đường theo lịch hẹn xúc tiến đầu tư tại Nhật mà đối tác Forval đã thu xếp. Những mấu nối mới sẽ được tiếp tục tạo nên, để ráp lại những mảnh ghép trong bức tranh Hanssip. Như ông Hoàng nói, ông không phải đánh cuộc sự nghiệp của mình vào Hanssip mà là thực sự làm vì niềm tin mà từng người dân giao đất cho Dự án gửi gắm.
Trò chuyện với CEO Nguyễn Hoàng: Nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn than phiền bước đi của ngành này chậm quá. Tham gia vào cuộc chơi này, ông có băn khoăn gì không? Có. Văn bản thì có nhiều, nhưng dường như chưa ai thực sự bắt tay vào làm. Có nghĩa là các doanh nghiệp chưa tìm thấy cơ hội kiếm lời? Các cơ quan xây dựng chính sách rõ ràng, chúng tôi sẽ chấp nhận làm miếng ghép, để hoàn tất bức tranh đang dở dang. Thiếu doanh nghiệp thì không thể hình thành một ngành công nghiệp được. Nghĩa là năm nay sẽ khởi đầu một giai đoạn mới không mấy dễ dàng với ông? Trong khó khăn thì phải tự tìm ra đường đi của mình, đừng đổ cho bất cứ lý do nào. Ông thường làm gì ngoài công việc? Chơi golf. Cứ sau 6 giờ chiều, sau khi xử lý các văn bản xong, tôi ra sân mini ngay gần cơ quan. Tại sao lại là golf? Chơi golf là chơi cho mình. Tôi có thể chủ động mọi việc, tự mình tìm lại mình, chậm lại với chính mình, nhìn và nghĩ về mình. Điều này hiếm lắm trong cuộc sống bận rộn này. |
Khánh An