Tài chính - Chứng khoán
“Chăm sóc đặc biệt” doanh nghiệp có độ rủi ro cao về thuế
Mạnh Bôn - 15/04/2021 16:03
Tổng cục Thuế đang xây dựng quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để quyết định có hay không thực hiện các biện pháp kiểm tra, thanh tra người nộp thuế (doanh nghiệp).
Trong 3 tháng đầu năm (tính đến 15/3/2021) qua thanh tra, kiểm tra, ngành thuế đã kiến nghị xử lý trên 6.581 tỷ đồng, trong đó, tăng thu cho ngân sách nhà nước gần 1.297 tỷ đồng.

Lập danh sách kiểm soát, giám sát trọng điểm

Theo đó, doanh nghiệp được phân loại theo 4 mức độ về tuân thủ pháp luật thuế: tuân thủ cao, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp, và không tuân thủ.

Đối doanh nghiệp được xếp loại không tuân thủ (có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế) sẽ được cơ quan thuế “chăm sóc đặc biệt” (đưa vào danh sách kiểm soát, giám sát trọng điểm) nếu thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền có liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế; doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ; doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm hoặc qua thu thập thông tin từ công tác quản lý, cơ quan thuế thấy cần thiết phải đưa vào đối tượng “chăm sóc đặc biệt”.

Cơ quan thuế các cấp cũng sẽ theo dõi, giám sát đặc biệt và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế “phù hợp” đối với doanh nghiệp thuộc danh sách rủi ro rất cao, rủi ro cao mà không giải trình, bổ sung thông tin hoặc có giải trình, bổ sung thông tin nhưng không đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

Việc áp dụng quản lý rủi ro và phân loại doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao, rủi ro rất cao để tập trung quản lý đối với đối tượng này, theo ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống gian lận thuế, chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước. Số lượng doanh nghiệp càng ngày càng tăng, đối tượng nộp thuế và số thu ngân sách nhà nước tăng hằng năm trong khi cũng như các cơ quan hành chính, sự nghiệp công khác, ngành thuế phải thực hiện tinh giản biên chế, vì vậy, nếu không quản lý thuế dựa vào rủi ro thì khó có thể tránh được gian lận thuế, trốn thuế.

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế, theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, liên tục được cải tiến dựa trên kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro. Nhờ vậy, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp được giảm tối đa (dừng thanh tra đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không... chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh) nhưng kết quả đạt được vẫn cao hơn năm 2019.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2020, toàn ngành thuế đã kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra 71.876 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng số thuế tăng thu vào ngân sách là 19.867 tỷ đồng, tăng 17,6%; giảm khấu trừ 2.248 tỷ đồng, giảm lỗ 49.760 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2019. Còn trong quý I năm nay (tính đến ngày 15/3), hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế vẫn trong “trạng thái bình thường mới”, nhưng qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý trên 6.581 tỷ đồng, trong đó, tăng thu  gần 1.297 tỷ đồng; giảm khấu trừ 189,44 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 5.095 tỷ đồng.

Buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã

Ngoài việc được “chăm sóc đặc biệt”, kể từ 1/7/2022, doanh nghiệp bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ thuộc trường hơp rủi ro cao về thuế bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ đang được Bộ Tài chính xây dựng.

Doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế, theo hướng dẫn đang được Bộ Tài chính xây dựng là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và có một trong các dấu hiệu: không có quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp các cơ sở vật chất phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh như nhà máy, xưởng sản xuất, kho hàng, phương tiện vận tải, cửa hàng và các cơ sở vật chất khác; kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi; có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; doanh nghiệp có doanh thu từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp khác mà chủ doanh nghiệp này có mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột hoặc quan hệ liên kết sở hữu chéo chiếm tỷ trọng trên 50% tổng doanh thu trên Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm quyết toán.

Doanh nghiệp không thực hiện kê khai thuế theo quy định như không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn hoặc kể từ ngày bắt đầu hoạt động; nghỉ kinh doanh quá thời hạn đã thông báo tạm nghỉ kinh doanh với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế kiểm tra xác nhận doanh nghiệp có sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai thuế; không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và không khai báo với cơ quan thuế hoặc cơ quan thuế kiểm tra không xác định được nơi đăng ký thường trú, tạm trú của người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp cũng được xếp vào trường hợp rủi ro cao về thuế.

Trường hợp rủi ro cao về thuế còn có doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn điện tử có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng mà không khai báo theo quy định hoặc không kê khai, nộp thuế ở nơi đăng ký mới; doanh nghiệp đang mua hóa đơn của cơ quan thuế (thực hiện quyết định“về việc doanh nghiệp có rủi ro cao chuyển sang sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế”) được cơ quan thuế thông báo chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Trong thời gian một năm tính đến thời điểm đánh giá mà doanh nghiệp bị cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn liên quan đến hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn dẫn đến trốn thuế,  khai thiếu nghĩa vụ thuế và bị xử phạt từ 20 triệu đồng trở lên; doanh nghiệp bị cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn 2 lần/năm với tổng số tiền phạt từ 15 triệu đồng trở lên; doanh nghiệp bị cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn từ 3 lần/năm trở lên cũng bị coi là trường hợp rủi ro cao về thuế.

Tin liên quan
Tin khác