Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) |
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong quá trình soạn thảo thông tư phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Thưa bà, vì sao Thông tư 14/2020/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư 127/2018/TT-BTC) quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán không lấy ý kiến đối tượng chịu tác động?
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, việc thực hiện điều chỉnh giảm giá, miễn không thu tiền một số dịch vụ chứng khoán là cần thiết, phải làm ngay để hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư và phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ được phép xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Căn cứ trên cơ sở nào để đưa ra mức giảm giá từ 10 đến 50% đối với 9 dịch vụ và miễn hoàn toàn đối với 6 dịch vụ khác, thưa bà?
Chúng tôi đã đánh giá và thực hiện điều chỉnh các loại giá dịch vụ theo hướng không thu hoặc giảm giá đối với những dịch vụ có phạm vi tác động rộng trên toàn thị trường, các loại giá dịch vụ tác động trực tiếp tới tổ chức phát hành, nhà đầu tư, đồng thời xét tới khía cạnh cân đối giữa lợi ích của đối tượng sử dụng dịch vụ và đối tượng cung cấp dịch vụ.
Cụ thể, nhóm dịch vụ giảm 10% tập trung vào các dịch vụ liên quan đến giao dịch và lưu ký chứng khoán của nhà đầu tư. Nhóm dịch vụ giảm 15 - 20% tập trung vào dịch vụ cung cấp trên thị trường chứng khoán phái sinh nhằm khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ các sản phẩm trên thị trường này với mục đích hỗ trợ phòng ngừa rủi ro khi thị trường cơ sở có biến động giảm. Nhóm dịch vụ giảm 30 - 50% tập trung vào các dịch vụ cung cấp cho các tổ chức phát hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và nhà đầu tư.
Ngoài ra, một số loại giá dịch vụ được miễn hoàn toàn như dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống Trung tâm Lưu ký chứng khoán... để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chứng khoán trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Sự hỗ trợ kịp thời thông qua việc giảm giá và miễn giá dịch vụ sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán? Bà có nghĩ rằng, giải pháp này chủ yếu mang tính chất động viên, trấn an tâm lý nhà đầu tư?
Việc điều chỉnh giá dịch vụ chứng khoán kịp thời là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ trước mắt sẽ làm giảm trực tiếp nguồn thu của Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán và rộng hơn là ảnh hưởng đến phần nào số thu ngân sách nhà nước, nhưng cả Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán đều đồng lòng ủng hộ chủ trương trên và sẵn sàng giảm nguồn thu để hỗ trợ thị trường.
Tôi không cho rằng, giải pháp miễn, giảm hàng loạt loại phí kể trên chủ yếu mang tính chất động viên, trấn an tâm lý nhà đầu tư, vì để tạo hiệu ứng lan tỏa cho thị trường, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) thực hiện ngay việc giảm giá dịch vụ tương ứng.
Hiện chưa biết khi nào đại dịch sẽ dừng lại, vậy tại sao thực hiện miễn, giảm giá dịch vụ chỉ áp dụng đến hết ngày 31/8/2020? Trong trường hợp sau ngày 31/8/2020 dịch Covid-19 chưa chấm dứt, thị trường chứng khoán tiếp tục gặp khó khăn thì xử lý thế nào?
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Theo đó, sẽ giãn nợ thuế giá trị gia tăng 5 tháng cho đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid. Do đó, để đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, việc giảm giá và miễn không thu tiền dịch vụ một số dịch vụ chứng khoán cũng áp dụng thời gian hỗ trợ tối thiểu hơn 5 tháng (đến hết ngày 31/8/2020) là phù hợp.
Sau ngày 31/8/2020, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch Covid-19, Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định có kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 14/2020/TT-BTC hay không.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã từng phải can thiệp kỹ thuật bằng cách tạm dừng giao dịch, trong khi đó, Việt Nam lại chưa từng sử dụng biện pháp kỹ thuật này. Vì sao vậy, thưa bà?
Hiện nay, trên thị trường chứng khoán thế giới có 2 phương pháp mà cơ quan quản lý thường sử dụng để quản lý và hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong trường hợp diễn biến thị trường biến động mạnh. Thứ nhất là áp dụng giới hạn biên độ dao động giá. Đây là phương pháp Việt Nam đang áp dụng.
Thứ hai là sử dụng công cụ ngắt mạch tự động khi trong phiên giá chứng khoán biến động xuống dưới ngưỡng quy định.
Quan điểm điều hành thị trường chứng khoán Việt Nam là tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết.