Thời sự
Chặn đà rơi xuất khẩu nông sản
Hà Tâm - 09/05/2015 11:08
Hàng loạt giải pháp nhằm chặn đà rơi của xuất khẩu nông sản đã được đưa ra, như đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm lãi suất, giảm thuế VAT, lập đội “phản ứng nhanh” xử lý vướng mắc về xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp…

Hàng chủ lực sụt giảm báo động

Những năm trước, xuất khẩu nông sản luôn là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản sụt giảm bất thường.

Số liệu ước tính của Bộ Công thương cho thấy, xuất khẩu 4 tháng đầu năm của cả nước ước đạt hơn 50 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Song xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dù tăng 8,5%, nhưng vẫn giảm 5,1% so với cùng kỳ, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực sụt giảm mạnh.

 

Cụ thể, xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm giảm 40,6% về lượng và giảm 38,3% về trị giá. Xuất khẩu thủy sản giảm 15% về kim ngạch, trong đó các thị trường lớn đều giảm (Hoa Kỳ giảm gần 34%, Nhật giảm 15%, Australia giảm 31%, EU giảm 11%...). Xuất khẩu gạo giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ. Cao su tuy tăng tới 41% về lượng, song kim ngạch chỉ tăng 2%, cho thấy giá xuất khẩu đã giảm rất mạnh (giảm gần 30% về giá). Một số mặt hàng khác như chè, hạt tiêu cũng giảm về lượng xuất khẩu, tuy trị giá tăng nhẹ.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm giảm mạnh chủ yếu do sản lượng trong nước giảm do hạn hán và sương muối. Thêm vào đó, giá cà phê thế giới diễn biến bất thường. Thông thường, từ tháng 4 tới tháng 6 hàng năm, giá cà phê bắt đầu tăng mạnh, thế nhưng, hiện đã bước sang tháng 5 mà giá cà phê thế giới lại giảm, dù nguồn cung cà phê thế giới đang bị thiếu hụt. Hiện giá cà phê trong nước giảm còn 38-39 triệu đồng/tấn (tương đương 1.790 USD/tấn), nhưng vẫn cao hơn giá thế giới (khoảng 1.700 USD/tấn). Chính vì giá cà phê thế giới thấp, nên nông dân găm hàng, không bán ra. 

Về gạo, theo phân tích của ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VNF), sở dĩ xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm giảm là do xuất khẩu gạo trắng sang châu Phi giảm mạnh. Nguyên nhân do gạo trắng của Việt Nam khi nấu cơm không dẻo, trong khi người châu Phi ưa gạo dẻo; mặt khác, giá gạo trắng của Thái Lan cũng cạnh tranh hơn so với gạo Việt Nam. 

Về thủy sản, không chỉ sụt giảm mạnh bởi hàng rào kỹ thuật và các vụ kiện bán phá giá của các nước nhập khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cảnh báo, Việt Nam còn phải cảnh giác với quy định về IUU (hoạt động đánh bắt bất hợp pháp). Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã đe dọa sẽ trừng phạt Thái Lan về thương mại thủy sản do nước này vi phạm IUU. Mỹ cũng đang chuẩn bị áp dụng các quy định về IUU.

Không chỉ lo về xuất khẩu thủy sản giảm, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng vào quý III/2015, do người dân ồ ạt bỏ nuôi tôm, cá tra.

Tìm phương kế chặn đà rơi xuất khẩu nông sản

Trước tình hình xuất khẩu sụt giảm mạnh, hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đều đề nghị tăng kinh phí và đổi mới công tác xúc tiến thương mại. “Ngoài tăng kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại, công tác này cần tập trung vào nội dung cách làm, hơn là sự dàn trải”, ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị.

Một loạt giải pháp hỗ trợ xuất khẩu nông sản nữa cũng được các doanh nghiệp đề cập, như giảm thuế VAT, giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, cân nhắc điều chỉnh tỷ giá, giảm thủ tục hành chính phiền hà, giảm phí vận tải, đưa nhóm nông lâm thủy sản vào nội dung ưu tiên trong đàm phán các hiệp định thương mại…

“Lãi suất cho vay 7,5%/năm hiện đã là rất tốt, nhưng nếu giảm thêm 1-1,5% sẽ là phao cứu sinh cho mặt hàng cà phê. Bên cạnh đó, thủ tục ngân hàng cần thay đổi để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Nguyễn Viết Vinh kiến nghị.

Liên quan đến các đề xuất của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành một chỉ thị của Bộ, hoặc tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu thời gian tới. “Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thành lập tổ công tác để trực tiếp tham gia xử lý kịp thời những vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện xuất nhập khẩu. Tổ công tác sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội, nắm bắt kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp, cũng như thị trường để có các đối sách phù hợp”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Tin liên quan
Tin khác