Viễn thông - Công nghệ
Chặn “vòi bạch tuộc” web lậu
Tú Ân - 04/10/2023 10:54
Trước vấn nạn vi phạm bản quyền, với hàng ngàn website lậu như những chiếc vòi bạch tuộc, trang này bị chặn lại có trang khác mọc lên, cần có ngay biện pháp mạnh và sự phối hợp của các bên liên quan để ngăn chặn.

Vấn nạn vi phạm bản quyền

Hơn 1 tháng sau ngày Giải bóng đá Ngoại hạng Anh 2023 - 2024 khởi tranh trở lại, hàng trăm website lậu phát sóng đã bị phát hiện. Trước đó, số liệu từ SimilarWeb cho thấy, Việt Nam có hơn 100 website vi phạm bản quyền và thu hút tới 1,5 tỷ lượt xem mùa giải Ngoại hạng Anh năm 2022 - 2023, khi K+ độc quyền phát sóng.

Còn trong lĩnh vực phim ảnh, tại Việt Nam, có hơn 200 website vi phạm bản quyền với hơn 120 triệu lượt xem mỗi tháng. Sau sự kiện phimmoi bị khởi tố, hàng loạt website lậu vẫn mọc lên, nhanh chóng thay hình đổi dạng. Hàng trăm website phát lại phim có bản quyền của các hãng phim, đài truyền hình như phimviet, rapphim, phimHD, motchill, ophim, phimhaymoi… vẫn ngang nhiên hoạt động.

Theo thống kê của Trung tâm Bản quyền nội dung số (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông), từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, đã có gần 1.000 website bóng đá lậu như xoilac, 1tiengruoi.link, xoivo4.com, coichua.net... bị ngăn chặn truy cập, đặc biệt là “tập đoàn Xôi Lạc”, cứ chặn truy cập website này, lại mọc lên website khác.

“Với truyền hình trả tiền, nội dung chất lượng là tài sản quan trọng nhất và chiếm phần lớn khoản đầu tư của doanh nghiệp. Trong khi đó, nạn vi phạm bản quyền ngày càng tăng, gây thiệt hại lớn cho K+ cũng như toàn ngành truyền thông và nội dung”, ông Thomas Jayet, Tổng giám đốc Truyền hình K+ chia sẻ.

Dẫn số liệu của Media Partner Asia, vấn nạn vi phạm bản quyền gây thất thoát tới 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu toàn ngành trong năm 2022, ông Thomas Jayet nhấn mạnh, điều này không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình, mà còn tác động đến toàn chuỗi giá trị số và các bên liên quan.

Theo ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn ra hết sức phức tạp, với hàng loạt website vi phạm bản quyền (website lậu) đăng phát các giải bóng đá, phim có bản quyền.

“Đặc biệt, thời gian gần đây, phát hiện một số website lậu đã chuyển sang hình thức truyện tranh, hoạt hình (anime) của Nhật. Việc ăn cắp, vi phạm bản quyền truyện tranh cũng đã nhận được sự phản ứng rất gay gắt của các đơn vị chủ sở hữu ở Nhật Bản về việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam”, ông Hải thông tin.

Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, nếu không kiểm soát được tình hình này, thì số người dùng vi phạm bản quyền sẽ ngày càng tăng, ước tính đến năm 2027 sẽ tăng tới 19,5 triệu người, doanh thu bị thất thoát có thể lên tới 456 triệu USD.

“Nếu không thể bảo vệ bản quyền, các nhà sản xuất nội dung sẽ không có được ngân sách đầu tư cho các dự án mới phục vụ người dùng”, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ đô Multimedia nhấn mạnh.

Chặn truy cập có hiệu quả?

Dù các cơ quan chức năng phối hợp với doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, kinh tế, truyền thông và cả hình sự (như vụ việc Phim Mới), nhưng tình trạng vi phạm bản quyền vẫn tiếp diễn. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả ngăn chặn vấn nạn này?

Ông Thomas Jayet khẳng định, tuy nạn vi phạm bản quyền tại Việt Nam khá phổ biến, nhưng vẫn có giải pháp đối phó. Đó là áp dụng biện pháp kỹ thuật chặn truy cập các website lậu, khiến chúng không thể tiếp cận người dùng. Biện pháp này đang được áp dụng phổ biến trong khu vực và trên thế giới, mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếu có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa chủ thể bản quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, thì có thể tiến hành chặn ngay tên miền mới của các website lậu bị chặn trước đó một cách hiệu quả.

Đề cập vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Thủy, Phụ trách Chống vi phạm bản quyền của Truyền hình số K+ cho hay, giải pháp mới đang được nhiều nước áp dụng gồm chặn truy cập và “Knock & Talk” (tạm dịch là “gõ cửa và nói chuyện”). Áp dụng giải pháp này, tình trạng vi phạm đã giảm ở các quốc gia có cơ chế chặn truy cập hiệu quả, bao gồm cả Việt Nam. Khảo sát cho thấy, đa số người xem không còn xem web lậu và chuyển sang các dịch vụ hợp pháp khi các web lậu bị chặn.

Bà Thủy cũng đề xuất, Việt Nam nên áp dụng mô hình chặn chủ động như ở Anh. Cụ thể,  nếu các web lậu thay đổi tên miền, địa chỉ IP sau khi bị chặn lần đầu, thì các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) chủ động chặn tiếp các tên miền, địa chỉ IP mới này khi nhận được thông báo từ chủ sở hữu bản quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà không cần thực hiện lại thủ tục hành chính.

“Chúng tôi đã chặn hàng trăm domain (tên miền - PV) của Xôi Lạc. VPN (mạng riêng ảo) không phải nguyên nhân chưa xử lý được Xôi Lạc. Xôi Lạc đã thay đổi rất nhiều tên miền từ năm 2018. Chúng tôi cứ ‘chiến đấu’, cứ chặn, có domain mới chúng tôi lại chặn và chúng tôi trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan báo chí”, bà Thủy nói.

Theo đánh giá của ông Phạm Hoàng Hải, thời gian qua, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cụ thể là ngăn chặn truy cập vào website vi phạm bản quyền đã phát huy tác dụng nhất định, góp phần thay đổi thói quen của người dùng. Khảo sát của CAP (Coalition Against Piracy) cho thấy, 23% người dùng Internet tại Việt Nam trả lời sẽ không truy cập web lậu hoặc ít truy cập do tác động của việc chặn truy cập, 60% tìm các giải pháp miễn phí hợp pháp.

Tuy vậy, biện pháp chặn truy cập nói trên vẫn đang tồn tại một số bất cập. Đó là, biện pháp chặn chưa thống nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet; thời gian chặn cũng chưa thống nhất, có nhà cung cấp chặn ngay lập tức, nhưng có nhà cung cập chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn và chưa linh hoạt để đối phó với tên miền mới.

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nêu các giải pháp cần hướng tới để phòng chống vi phạm bản quyền trên mạng một cách hiệu quả, đó là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu bản quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ Internet; thiết lập cơ chế chặn linh hoạt - chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập. Đồng thời, cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực.

“Việc chặn truy cập không khó, nhưng cần phải có nhiều đơn vị phối hợp. Thời gian tới, chúng tôi nghiên cứu và đưa vào áp dụng các công nghệ mới nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng vi phạm bản quyền. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an để xử lý đối tượng sở hữu, vận hành các website lậu. Ngoài ra, việc tăng nhận thức của cộng đồng về bản quyền cũng đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn vấn nạn này”, ông Hải nói.

Tin liên quan
Tin khác