Doanh nghiệp
Thái Nguyên nghiên cứu lập Ban chỉ đạo phát triển điện lực tỉnh
Hoàng Nam - 02/06/2023 08:29
UBND tỉnh Thái Nguyên và EVNNPC chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo thực hiện tốt các dự án điện trên địa bàn.

Theo ông Trần Hồ Nam, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết, giai đoạn từ năm 2021 - 2023, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) giao Công ty và các Ban quản lý dự án thực hiện đầu tư xây dựng 66 dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gồm xây dựng mới và cải tạo 25,1 km đường dây cao thế; 281,08 km đường dây trung thế; 188 máy biến áp với công suất 580 MVA; 271,161 km đường dây hạ thế với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thái Nguyên và EVNNPC làm việc về cấp điện trên địa bàn.

Công tác thực hiện quy hoạch và phát triển Điện lực theo quy hoạch hiện hành (giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050), từ năm 2021 đến nay, đã thực hiện đóng điện 06 dự án lưới điện 110 kV đều đảm bảo thực hiện theo đúng quy mô và tiến độ của quy hoạch điện: lắp đặt 02 máy biến áp và nâng công suất 02 máy biến áp với tổng công suất tăng thêm 149 MVA; xây dựng mới 4,5km đường dây 110 kV.

Hiện Công ty Điện lực Thái nguyên đang triển khai 07 dự án 110 kV đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra của quy hoạch điện lực tỉnh và đáp ứng nhu cầu phụ tải các khu công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội.

Trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện tỉnh (thời kỳ 2021-2030, 2050) và Quy hoạch Điện VIII, Công ty Điện lực Thái Nguyên luôn bám sát và tham mưu, góp ý với các cơ quan chức năng, nên các trạm biến áp 220 kV, 110kV và đường dây 110 kV đề xuất đã được đưa vào Quy hoạch Điện VIII, Quy hoạch điện tỉnh.

Trong đó, nổi bật là dự án trạm biến áp 220 kV Phú Bình 2 đã được đưa vào quy hoạch Điện VIII, tháo gỡ nút thắt về nguồn 110 kV cấp điện cho các trạm biến áp 110 kV. Đảm bảo Quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh phù hợp với Quy hoạch Điện.

Lãnh đạo các Ban quản lý dự án của EVNNPC cũng cho biết, năm 2022 đã thực hiện 24 dự án đầu tư xây dựng, còn năm 2023 triển khai 20 dự án đầu tư xây dựng. Trong quá trình thực hiện đã nhận được sự giúp đỡ, phối hợp tích cực của UBND các cấp địa phương trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, một số dự án đầu tư xây dựng triển khai trong năm 2022 - 2023 gặp khó khăn vướng mắc, tiến độ bị kéo dài do việc triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp một số khó khăn vướng mắc trong thông báo thu hồi đất và ra quyết định thu hồi đất. 

Cho biết trong thời gian tới, nhu cầu cung ứng điện của Thái Nguyên là rất lớn, ông Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch UBND cũng nhận xét, để thực hiện tốt các công trình điện trên địa bàn thì công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ rất quan trọng.

Để xử lý thách thức này, ông Tiến đề nghị, sau khi có kế hoạch tổng thể của dự án, các Ban Quản lý dự án sẽ đề xuất tiến độ, UBND tỉnh sẽ họp Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng sẽ có chỉ đạo đến từng huyện, từng chủ đầu tư cũng như các đơn vị có cam kết và chịu trách nhiệm trong thực hiện tiến độ của dự án.

Kiểm tra điện tại Nhà thi đất Thái Nguyên.

Đối với thực tế trong 4 tháng đầu năm 2023, số vụ sự cố lưới điện do vi phạm hành lang lưới điện tại một số địa phương trong tỉnh đã tăng hơn so với cùng kỳ, Phó chủ tịch Lê Quang Tiến khẳng định, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường sự phối hợp với Điện lực trong công tác kiểm tra, tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện cao áp để tuyên truyền người dân chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ hành lang lưới điện cao áp, ngăn chặn sự cố lưới điện và tai nạn điện.

Theo ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC, thời gian qua Tổng công ty đã tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư các công trình điện trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy các công trình điện đã giúp cho hệ thống lưới điện của tỉnh Thái Nguyên tăng trưởng về quy mô, chất lượng, sản lượng điện thương phẩm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Điều đó góp phần vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung của toàn tỉnh

Trước dự báo tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 là 8 - 8,5 %/năm, tốc độ tăng trưởng điện 6%/năm, nhiệm vụ cung ứng điện trong thời gian tới là rất quan trọng, việc thành lập Ban chỉ đạo phát triển điện lực địa phương cũng được cho là cần sớm thành lập. Qua đó, công tác bám sát quy hoạch, an toàn hành lang lưới điện, vấn đề phát triển điện lực sẽ được UBDN tỉnh, chính quyền địa phương và Tổng công ty phối hợp trao đổi, cùng giải quyết và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, ông Thiện đề nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh ông Trịnh Việt Hùng cho rằng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì nhu cầu sử dụng điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tăng nhanh. Tỉnh Thái Nguyên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của EVNNPC trong thời gian tới, nhất là chỉ đạo các Ban quản lý Dự án đẩy nhanh tiến độ các Dự án trên địa bàn tỉnh.
Đối với những khó khăn, vướng mắc của ngành Điện, ông Hùng yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã cần phối hợp để giải quyết kịp thời. Các chủ đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp tiếp tục đăng ký nhu cầu sử dụng điện trước ngày 15/6/2023 để ngành Điện tổng hợp báo cáo EVNNPC; đồng thời, các sở ngành nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên.

Tin liên quan
Tin khác