Đầu tư
Đảm bảo điện phục vụ nhà đầu tư Vùng đồng bằng sông Hồng
Thanh Hương - 12/02/2023 08:55
Các địa phương thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng thu hút khoảng 38% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2022, khiến áp lực về cấp điện ổn định để phục vụ sản xuất là rất lớn.

Vùng đất hấp dẫn

Trong năm 2022, các địa phương thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng đã thu hút được gần 11 tỷ USD vốn FDI trong tổng số 27,718 tỷ USD của cả nước. Điều này cũng cho thấy, sức hấp dẫn đáng kể của khu vực này trong mắt các nhà đầu tư.

Lý giải về sự hấp dẫn của Vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và miền Bắc nói chung với nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, đó là bởi vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp nối với Hành lang Kinh tế phía Nam của Trung Quốc, gồm một số vùng nổi bật như Thượng Hải, Hồng Kông, Thâm Quyến, Phúc Kiến và Quảng Đông - vùng kinh tế được chọn làm nơi đặt trụ sở của nhiều ông lớn thế giới trong ngành công nghiệp sản xuất, hóa sinh, thương mại và công nghệ điện tử.

Theo Công ty môi giới đầu tư bất động sản Cushman & Wakefield, miền Bắc Việt Nam cũng thuận lợi để kết nối với Hàn Quốc (quốc gia đóng góp 18% nguồn cung vật liệu bán dẫn toàn cầu), hay Đài Loan (nền kinh tế đóng góp 63% nguồn cung vật liệu bán dẫn toàn cầu).

Ngoài ra, hạ tầng giao thông khu vực này cũng khá thuận lợi. Đơn cử, có 13 tuyến đường cao tốc kết nối các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, với tổng chiều dài 895,8 km, là những huyết mạch quan trọng trong hoạt động logistics.

Đặc biệt, miền Bắc sở hữu tuyến đường bộ, đường thủy và đường sắt nối thẳng đến Thâm Quyến - khu vực được xem là thung lũng silicon của Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng và phân bổ sản xuất trong khu vực. Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc đã hình thành từ sớm và khá đa dạng loại tài sản để phục vụ các doanh nghiệp từ Trung Quốc và Đài Loan mở rộng nhà máy.

Theo báo cáo quý III/2022 của Cushman & Wakefield, tổng nguồn cung đất công nghiệp toàn miền Bắc đạt 13.600 ha, với giá thuê trung bình mỗi mét vuông trên từng chu kỳ thuê lần lượt tại Hà Nội là 139 USD, Bắc Ninh là 130 USD, Hải Phòng là 121 USD, Vĩnh Phúc là 113 USD, Hưng Yên là 112 USD, Hải Dương là 98 USD, Quảng Ninh là 90 USD.

Thị trường nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn cũng đón nhận số lượng đầu tư đáng kể khi các chủ đầu tư trong nước đã bắt đầu tham gia phát triển loại hình nhà xưởng hiện đại, khả năng cung ứng các sản phẩm có chất lượng tương đương các chủ đầu tư quốc tế với mức giá cạnh tranh.

“Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ, có thể nói, miền Bắc, trong đó có nhiều tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt “ong chúa” đến làm tổ và đóng góp hơn nữa vào GDP của Việt Nam”, đại diện Cushman & Wakefield nhận xét.

Lo cấp điện ổn định

Sự hiện diện đông đảo của các nhà đầu tư tại Vùng đồng bằng sông Hồng khiến vấn đề cấp điện trở nên bức thiết. 

Tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), nơi đảm trách nhiệm vụ cấp điện cho 10 trong số 11 địa phương của Vùng đồng bằng sông Hồng, có sản lượng điện thương phẩm năm 2022 đạt 86,3 tỷ kWh, tăng 5,46% so với năm 2021. Còn Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cũng có sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 22 tỷ kWh, tăng trưởng gần 8% so với năm 2021. Năm 2023, với việc nhà đầu tư “đổ bộ” nhiều về vùng, dự báo nhu cầu điện vẫn tiếp tục ở mức cao.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong điều kiện nguồn điện mới được bổ sung hạn chế, đầu tư các đường dây truyền tải điện từ Nam ra Bắc có khó khăn vì chờ quy hoạch, nhưng EVNNPC và EVN Hà Nội đã rất nỗ lực, đảm bảo cấp điện ổn định, được các nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo đó, EVNNPC đã chủ động bám sát chính quyền các địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khởi công được 100% dự án đề ra trong kế hoạch, đóng điện được 62 dự án, đạt 103,3% kế hoạch. Ngoài ra, EVNNPC đã thực hiện bổ sung một số dự án ngoài kế hoạch phục vụ nhu cầu cấp điện cho các phụ tải, giảm tải cho lưới điện hiện hữu.

Tại EVN Hà Nội, 100% yêu cầu dịch vụ điện của khách hàng được thực hiện đúng thời gian cam kết, độ tin cậy cung cấp điện cải thiện đáng kể. Số sự cố lưới điện (cả 110 kV và trung hạ thế) thấp nhất trong khối các tổng công ty điện lực. Đồng thời, EVN Hà Nội cũng là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu và triển khai thử nghiệm lắp đặt công tơ điện tử thông minh (AMI), giúp tăng trải nghiệm của khách hàng, bắt kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Dẫu vậy, theo thống kê, nhu cầu điện miền Bắc chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, miền Bắc đã không được bổ sung nhà máy điện mới có số giờ vận hành trong năm cao, đóng vai trò chạy nền cho hệ thống với tổng công suất đủ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng mạnh.

Bên cạnh đó, việc phát triển điện mặt trời tại khu vực này còn yếu, trong khi đường truyền tải từ miền Nam, miền Trung ra Bắc bị giới hạn, khiến thách thức trong đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng điện sẽ ngày càng lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo EVNNPC cho hay, tình hình cấp điện năm 2023 và những năm tiếp theo tại miền Bắc phải xác định rất căng thẳng và không thể cải thiện một sớm một chiều do khả năng bổ sung nguồn là rất hạn chế. Hiện chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, công suất 1.200 MW được hy vọng vào vận hành thương mại trong năm 2023, nhưng quy mô này cũng chỉ như muối bỏ bể, còn các dự án nguồn điện khác được đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa rõ đường hướng.

“Tình hình phụ tải cũng rất khó đoán định, nhu cầu của các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện như xi măng, sắt thép, khai khoáng vẫn chưa phục hồi, sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghiệp có sự cầm chừng, phụ tải linh kiện điện tử đều cắt giảm sản lượng. Mặt khác, giá than thế giới khoảng một tuần nay đang có sự sụt giảm rất mạnh, nếu mặt bằng giá than cứ giữ được mức ổn định như hiện nay trong một thời gian thì việc huy động sản lượng từ nguồn nhiệt điện than trong mùa nắng nóng cũng thuận lợi hơn so với khi giá than cao ngất ngưởng như năm ngoái”, vị này cho biết.

Xa hơn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổng công ty phân phối cũng rất kỳ vọng Quy hoạch điện VIII và giá điện đứng im từ tháng 3/2019 sẽ có giải pháp sớm, giảm áp lực về dòng tiền cho các đơn vị.

Tin liên quan
Tin khác