Thưa bà, vì sao Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm 50% số ĐKKD mà không phải là 40%, 60% hay 70%?
Ngay từ năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tất cả các ĐKKD hiện hành, tổng cộng có hơn 5.000 điều kiện. Trong quá trình rà soát, chúng tôi phát hiện ra gần 3.000 điều kiện quy định về nhân lực, quy hoạch, nghiệp vụ chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật chuyên ngành… tức là những quy định không cần thiết, dù không quy định thì người kinh doanh cũng phải đáp ứng mới hoạt động được. Trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% ĐKKD hiện hành. Tôi nhấn mạnh là các bộ, ngành phải cắt giảm tối thiểu 50% số ĐKKD thuộc chức năng quản lý nhà nước, chứ không phải chỉ cắt giảm 50%, mà có thể 60-70%.
. |
Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành đã tiến hành rà soát ĐKKD được ban hành tại các nghị định thuộc chức năng quản lý của mình và xây dựng nghị định sửa nhiều nghị định, nhằm loại bỏ những ĐKKD không cần thiết. Hiện tại, các bộ, ngành đã trình dự thảo nghị định sửa nhiều nghị định lên Chính phủ, về cơ bản đáp ứng yêu cầu cắt giảm 50% số ĐKKD hiện hành, nhưng về chất lượng cắt giảm, tôi cho rằng, chưa đạt yêu cầu, cắt giảm chưa thực chất.
Chưa đạt yêu cầu, chưa thực chất ở những điểm nào, thưa bà?
Rất nhiều ĐKKD mà các bộ, ngành đề xuất cắt giảm, có thể nói là cắt cũng như không, vì bản thân các điều kiện này không cần thiết, ví dụ như điều kiện người tham gia kinh doanh phải đủ sức khỏe, có đủ hành vi dân sự, không bị kết án, không trong thời gian bị tạm giam, thực hiện theo các quy định của pháp luật… Còn các điều kiện ẩn chứa quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước, điều kiện liên quan đến xin - cho, tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh… thì ít bộ, ngành nào đề xuất cắt giảm.
Rất nhiều ĐKKD được đề nghị cắt giảm lại được quy định trong các văn bản luật, muốn bãi bỏ thì phải sửa luật, tức là, mặc dù đề xuất cắt giảm, nhưng chưa biết bao giờ mới có thể thực hiện được, vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Đánh giá chung, dự thảo nghị định sửa nhiều nghị định liên quan đến ĐKKD, các bộ, ngành chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ là cắt giảm 50% số điều kiện hiện có, không bổ sung thêm điều kiện mới, vì nếu bổ sung điều kiện bắt buộc phải giải trình và phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, về số lượng cắt giảm thì đạt yêu cầu, nhưng về chất lượng thì như tôi đã nói ở trên, rất nhiều ĐKKD cắt giảm cũng như không. Điều đáng nói nữa là, nghị định sửa nhiều nghị định liên quan đến ĐKKD thì không bổ sung thêm điều kiện mới, nhưng nghị định sửa nghị định lại có xu hướng tăng thêm ĐKKD.
Các bộ, ngành đã chấp hành đúng quy định là vừa cắt giảm ĐKKD, đồng thời sửa những điều kiện chưa phù hợp. Nhưng điều đáng nói là các bộ, ngành có sửa ĐKKD chưa phù hợp, nhưng sau khi sửa lại chưa chắc đã đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí còn phức tạp hơn.
Bà có thể cho ví dụ?
Bộ Giao thông - Vận tải đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hướng siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải là không phù hợp vì đi ngược với chủ trương cải cách mà Chính phủ đang theo đuổi. Cụ thể, Dự thảo Nghị định này chỉ cắt bỏ 12 ĐKKD, nhưng bổ sung tới 85 điều kiện, trong đó có 21 điều kiện quy định thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, tức là từ 21 điều kiện này có thể đẻ thêm rất nhiều điều kiện nữa.
Thưa bà, không chỉ có Việt Nam, mà trên thế giới, nước nào cũng quản lý nhà nước bằng ĐKKD như cấm bán thuốc lá, bia rượu cho trẻ em dưới 18 tuổi, kinh doanh quán Net phải cách trường học bao xa… Thậm chí, nhiều bang của nước Mỹ còn quy định kinh doanh nhà hàng phải đáp ứng những quy định về chỗ ngồi, nơi gửi xe…?
Quản lý nhà nước không phải là có ĐKKD hay không, mà vấn đề là điều kiện đặt ra thế nào, quản lý ra sao. Ở nhiều nước đúng là có những quy định như trên, thậm chí có nước còn quy định ăn kẹo cao su không được nhổ bã ra đường. Vì sao họ đưa ra các quy định này, vì người ta quản lý được và điều kiện đặt ra không ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân.
Còn ở Việt Nam, nếu quy định cấm bán thuốc lá, bia rượu cho trẻ em dưới 18 tuổi, kinh doanh quán Net phải cách trường học bao xa, không được bán rượu bia sau 22 giờ, cấm quán karaoke, sàn nhảy, vũ trường hoạt động sau 24 giờ đêm… thì cũng không quản lý được. Đặt ra điều kiện mà không quản lý được thì không nên đặt ra, vì không chỉ hạn chế hoạt động kinh doanh của người dân, mà còn tạo ra tiêu cực, lách luật.
Quản lý nhà nước vẫn cần ĐKKD, không chỉ ở Việt Nam mà nước nào cũng vậy, để bảo đảm về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, sức khỏe, an ninh quốc gia… Còn những ĐKKD không cần thiết, không hợp lý, tạo ra sự tùy ý, tùy tiện cho cơ quan quản lý nhà nước thì phải cương quyết loại bỏ, vì những điều kiện này không tăng cường được quản lý nhà nước, mà chỉ là rào cản đối với sự phát triển, tạo ra sự nhũng nhiễu của cơ quan quản lý nhà nước.
Để xử lý những hạn chế kể trên, theo bà, có nên sửa Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư hiện hành?
Theo quy định của Luật Đầu tư, hàng năm Chính phủ rà soát và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hiện tại, có 243 nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm 24 nhóm sau khi Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vào năm 2016.
Trong số 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Chính phủ quy định chi tiết bằng hơn 5.000 ĐKKD trong 15 lĩnh vực khác nhau. Nếu sửa đổi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ bỏ được hàng loạt ĐKKD ngay tức khắc. Ví dụ, nếu bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm… chẳng hạn, thì ngay lập tức, hàng trăm ĐKKD đương nhiên sẽ không còn hiệu lực.