Tình trạng khan hiếm thuốc đang gây nhiều khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh. |
Thuốc, hoạt chất, vật tư y tế đều thiếu
Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, trong đó 2/3 dịch vụ phải sử dụng thuốc gây tê (chưa kể bệnh nhân nội trú), nhưng vừa qua, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phải đối diện với nguy cơ đóng cửa vì thiếu thuốc gây tê.
TS. Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, thời gian qua, Bệnh viện loay hoay tìm loại thuốc phù hợp, có thể thay thế những thuốc đang thiếu, đặc biệt là thuốc gây tê.
Loại thuốc gây tê mà Bệnh viện đang sử dụng là thuốc nhập khẩu từ Pháp. Hiện Việt Nam chưa sản xuất được thuốc tê nha khoa, nên không thể chủ động nguồn thuốc thay thế trong nước.
“Xảy ra tình trạng thiếu thuốc gây tê như vừa qua là do giấy phép nhập khẩu chưa được gia hạn, các công ty cung ứng thuốc cũng đã hết hàng”, TS. Phạm Thanh Hà thông tin.
Tương tự, tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất. TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho hay, thuốc giải độc có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong. Thiếu thuốc đặc hiệu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để cứu chữa bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế.
Hồi giữa tháng 8, một số cơ sở chuyên khoa tim mạch cũng bị thiếu thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat (sử dụng trong phẫu thuật tim mạch - lồng ngực). Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Bệnh viện đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế đề xuất thành lập kho dự trữ thuốc hiếm, để sẵn sàng điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tình trạng thiếu thuốc kéo dài từ đầu năm 2022 với nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu nhà thầu tham dự, giấy phép đăng ký lưu hành hết hiệu lực.
Còn ở Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), không ít bệnh nhân phải chờ đợi cả tháng để được truyền hóa chất, chẩn đoán bệnh. Đã có những bệnh nhân quyết định về quê, vì không biết đến bao giờ mới có thuốc điều trị, nhiều bệnh nhân ung thư khác đang trong cảnh mòn mỏi chờ được xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… vì bệnh viện không còn hóa chất.
Cần sửa đổi Luật Dược
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, có 2 lý do dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là: đấu thầu nhưng không có doanh nghiệp trúng, hoặc trúng thầu, nhưng không cung cấp hàng và doanh nghiệp cung cấp bị đứt chuỗi cung ứng.
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, đăng ký thuốc, giá thuốc, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế... Đồng thời, rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành đang vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các sở y tế, đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ. Từ đó, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thầu. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm cả các phần mềm quản lý về đấu thầu, để theo dõi công tác đấu thầu, kịp thời nắm bắt về tình trạng thừa/thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, muốn khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, cần thiết phải sửa Luật Dược. Cụ thể, sau hơn 6 năm ban hành, Luật Dược (năm 2016) đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi để có thể giải quyết tình trạng ách tắc trong đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện. Từ quy định về giấy chứng nhận tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), đến việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc…, nếu không thay đổi theo hướng gia hạn tự động cho phù hợp với thông lệ quốc tế, thì sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, làm gián đoạn quá trình sản xuất, lưu hành và cung ứng thuốc.
Theo thống kê, hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2022. Bởi vậy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, nếu không thay đổi quy định về gia hạn, tình trạng thiếu thuốc trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Ở một góc nhìn khác, PGS-TS. Phạm Khánh Phong Lan, chuyên gia về chính sách y tế chia sẻ, biệt dược gốc đang có nguy cơ khan hàng. Tuy nhiên, mặt hàng này không phải cứ cần là có ngay, hay có sẵn để thay thế. Khi biệt dược gốc khó vào thị trường Việt Nam, bác sĩ và người bệnh không tiếp cận được với thuốc mới.
“Không chỉ người bệnh thiệt thòi, mà giới chuyên môn cũng sẽ bị hạn chế cập nhật và nâng cao kiến thức y khoa hiện đại từ các nhà sản xuất biệt dược gốc - vốn luôn đi đầu trong việc nghiên cứu lâm sàng, cập nhật các thông tin khoa học cho bác sĩ điều trị cũng như bệnh nhân”, bà Lan nói.
Mặt khác, khi thiếu biệt dược gốc, những bệnh nhân có khả năng chi trả cao sẽ ra nước ngoài khám chữa bệnh, gây thất thoát ngoại tệ và không thúc đẩy được việc đầu tư công nghệ, dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam.
Chuyên gia này cho rằng, các nhà làm luật cần tính đến việc, khi không còn cơ hội tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp dược phẩm phát minh có thể sẽ cân nhắc lại việc đầu tư, xây dựng nhà máy, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc ở Việt Nam. Như vậy, khả năng Việt Nam có những khu công nghiệp, khu công nghệ cao tập trung sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; cũng như cơ hội làm đầu mối xuất khẩu thuốc và các sản phẩm dược ra khu vực và thế giới sẽ ngày càng xa vời.