Chi tiêu cho R&D toàn cầu vẫn tăng trưởng đều qua các năm |
Châu Á chiếm 35% tổng chi tiêu toàn cầu trong lĩnh vực này, vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu. Châu Âu rớt xuống vị trí thứ ba, từ vị trí dẫn đầu năm 2007.
Đây là kết quả mới được công bố bởi Strategy&, công ty tư vấn chiến lược thuộc PwC trong Nghiên cứu Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu 1000 năm 2015, trong đó đặc biệt xem xét mức chi tiêu cho R&D của 207 doanh nghiệp chi nhiều nhất cho hoạt động này trên thế giới.
Tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc và Ấn Độ là cơ sở cho tăng trưởng tại châu Á. Giá trị của các hoạt động R&D dịch chuyển vào Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt tăng 79% và 116% trong giai đoạn 2007- 2015, chủ yếu do dịch chuyển từ Mỹ tăng.
Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong lĩnh vực này. Theo 71% câu trả lời khảo sát, lý do chính là Trung Quốc có vị trí địa lý gần với các thị trường tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, việc dịch chuyển hoạt động R&D sang Trung Quốc còn mang lại lợi thế khác như “gần các trung tâm sản xuất chính”, “gần các nhà cung cấp chính” và “chi phí phát triển thấp hơn”.
“Việc Châu Á dẫn đầu về điểm đến chi tiêu R&D trong doanh nghiệp không phải là một điều đáng ngạc nhiên khi chúng ta nhìn vào nơi các doanh nghiệp đang chi tiêu cho R&D nhằm mục tiêu tăng trưởng doanh thu – một chỉ số chính của xu hướng toàn cầu hóa chi tiêu R&D – và khi nhìn vào các con số được chi cho hoạt động này tại Châu Á,” ông Barry Jaruzelski, chuyên gia của công ty Strategy& tại Mỹ, đồng thời là nhà khởi xướng và tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Châu Âu tụt hạng về chi tiêu cho R&D trong doanh nghiệp; Pháp và Đức là tác nhân chính do sự dịch chuyển hoạt động R&D từ Pháp và Đức ra nước ngoài.
Tăng trưởng về R&D nội địa tại châu Âu chỉ đạt 2% trong giai đoạn 2007-2015, so với 40% tại Bắc Mỹ và 60% tại châu Á. Đồng thời, các nước châu Âu đã tăng cường dịch chuyển chi tiêu R&D sang các châu lục khác như Bắc Mỹ và châu Á thay vì Tây Âu.
Ví dụ, Pháp đã giảm 20% chi tiêu R&D nội địa và 21% giá trị thu hút từ nước ngoài, đồng thời tăng 46% chi tiêu R&D tại nước ngoài trong giai đoạn 2007-2015.
Mặc dù chi tiêu R&D nội địa của Đức tăng 48%, hoạt động NC&PT đến từ nước ngoài giảm 7% và chi tiêu R&D ở nước ngoài của các doanh nghiệp Đức tăng 76% trong giai đoạn 2007-2015.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Mỹ tiếp tục là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho NC&PT trong doanh nghiệp. 145 tỷ USD là số tiền chi cho R&D nội địa và thu hút từ nước ngoài trong năm 2015, tăng 34% so với năm 2007.
Phần lớn hoạt động R&D dịch chuyển vào Mỹ là từ các nước châu Âu với số tiền 53 tỷ USD đã chi trong năm 2015, tăng 23% so với năm 2007. Trong khi đó, con số này là 121 tỷ USD năm 2015 cho hoạt động R&D dịch chuyển từ Mỹ ra nước ngoài , tăng 51% so với năm 2007, với điểm đến chính là châu Á, thay vì châu Âu trong năm 2007.
Mặc dù các con số này rất nổi bật, nhưng khoảng cách giữa Mỹ và các nước đứng sau đang thu hẹp lại. Nếu như năm 2007, chi tiêu cho R&D của các doanh nghiệp Trung Quốc tương đương với 23% chi tiêu tại Mỹ thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 38%.
Năm 2015, chi tiêu cho R&D của các doanh nghiệp trong danh sách Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu 1000 đã tăng 5,1% so với năm trước, đạt 680 tỷ USD.
Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm qua và gần tương đương với mức tăng trưởng trung bình dài hạn trong thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính, khi mà tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép dự kiến là 5,4% trong vòng 10 năm.