Niên vụ 2020/2021, ngành mía đường chỉ chỉ con 24 nhà máy tham gia sản xuất |
Dưới sức ép của đường nhập khẩu và đường nhập lậu kéo dài và tình trạng biến đổi khí hậu, diện tích mía những năm gần đây sụt giảm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp không thể trụ nổi đã phải rời thị trường.
Chỉ còn 24 nhà máy đường đang hoạt động
Thông tin tại hội thảo với chủ đề "Để mía không đắng" hôm 10/11, TS. Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường cho biết, diện tích mía đã giảm liên tiếp những năm gần đây, từ hơn 190.000 ha niên vụ 2018-2019 còn gần 129.000 ha niên vụ 2020-2021.
Số lượng nhà máy sản xuất đường chỉ còn 24 nhà máy (riêng tại Nam Trung Bộ, số lượng nhà máy giảm từ 9 xuống còn 6 nhà máy).
Đến nay, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành niên vụ mía 2020-2021, nhưng sản lượng mía thấp chưa từng thấy.
Báo cáo của VSSA, toàn ngành đã ép được 6.739.417 tấn mía, đạt sản lượng 689.830 tấn đường (so với dự kiến đầu vụ 7.498.060 tấn, và thấp hơn niên vụ 2019-2020. 2020-2021 cũng là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây.
Trong niên vụ 2020-2021, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng/tấn so với niên vụ trước, nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường nước ta.
Cũng theo Bộ Công Thương, giá đường trong nước đã và đang tăng giá, dần tiếp cận với giá đường các nước trong khu vực. Theo thông tin mới nhất từ một số doanh nghiệp lớn, giá đường trắng nhập khẩu tại cảng Hải Phòng dao động từ 18.300 - 18.500 đồng/kg, tại miền Nam là 18.700 - 18.900 đồng/kg; giá lẻ tại các nhà máy: đường trắng 19.000 - 19.100 đồng/kg, đường tinh luyện 19.500 - 19.600 đồng/kg.
Số lượng nhà máy hoạt động trong niên vụ vừa qua thấp nhất từ trước tới nay, chỉ còn 24 nhà máy hoạt động. Trong khi trước đây, toàn ngành mía đường có 41 nhà máy, như vậy đã có 17 nhà máy đã không còn hoạt động.
Phân tích về nguyên nhân sụt giảm sản lượng mía nguyên liệu, VSSA cho rằng do một số vùng mía tiếp tục bị hạn hán, bão lụt gây hại, làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía.
Để mía đường bớt đắng
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT đã cùng Bộ Công Thương chủ động giúp, đồng hành với bà con trồng mía. Gần đây, Bộ Công Thương đã sử dụng công cụ phòng vệ với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Các biện pháp mà Bộ Công Thương liên tiếp triển khai trong thời gian qua đã góp phần ngăn chặn được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành mía đường, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành nhập khẩu mặt hàng đường, góp phần bảo hộ ngành mía đường trong nước.
Với việc ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan từ tháng 2/2021, sau đó, vào ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan.
"Những hành động quyết liệt này đã giúp ngành mía đường hồi phục, giá mía giai đoạn cuối vụ tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn", theo ông Đương..
Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cũng bày tỏ, quyết định chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái Lan của Bộ Công Thương chính là “phao cứu sinh” cho hàng ngàn hộ nông dân trồng mía. Việc này giúp vụ ép mía năm nay sôi động, giá mía nguyên liệu cao nhất lên đến 1,4 triệu/tấn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh cho rằng, mía đường là ngành nhận được sự hỗ trợ phát triển từ những năm 90, Chính phủ đã nỗ lực bảo vệ ngành này trước sự cạnh tranh của quốc tế trong suốt 25 năm vừa qua và phải đến năm 2020, Việt Nam mới mở cửa thị trường đường cho các nước.
"Khi tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN, gia nhập ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô, xe máy, dệt may, giày dép, nông sản, thịt… đều về 0-5% và chỉ còn 2-3 mặt hàng được bảo hộ, trong đó có mặt hàng đường. Cho đến nay, trừ Hiệp định thương mại tự do với ASEAN, Việt Nam không mở cửa mặt hàng đường với bất kỳ Hiệp định nào khác, kể cả với WTO hay các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… ”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Việc mở cửa cho ASEAN là do có quyết định thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong một cộng đồng, về nguyên tắc sẽ không duy trì bất kỳ rào cản nào đối với dòng chảy thương mại. Và cộng đồng này được đàm phán thống nhất thành lập từ năm 2005 (tức là cách đây 15 năm). Vào thời điểm đó, khi đàm phán về thuế quan, đã cam kết đến 1/1/2018 mở cửa. Nhưng thực tế, càng gần tới mốc 2018, chúng ta càng lo lắng vì sự biến chuyển tương đối ít, năng suất chất lượng vẫn thấp, canh tác lạc hậu.
Do đó, năm 2017, Bộ Công Thương chủ trì họp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trao đổi về thực trạng ngành mía đường và giải pháp ứng phó. Sau đó Bộ Công Thương có đề xuất Chính phủ giãn tiến độ thực thi ATIGA lùi lại 2 năm so với cam kết, đồng thời nỗ lực thuyết phục các nước ASEAN đồng ý, không có trừng phạt nào với Việt Nam.
Khi hết thời hạn lùi, bắt buộc mở cửa từ ngày 1/1/2020, đường giá rẻ Thái Lan tràn vào và chỉ 9 tháng sau, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã thu thập số liệu. Ngay sau đó Bộ Công Thương khởi động điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đến tháng 2/2021, Bộ Công Thương quyết định đánh thuế tạm thời và đến tháng 6/2021 đánh thuế chính thức ở mức 47,64%.
Đây là một quyết định chưa từng có trong lịch sử ngành đường ASEAN cũng như ngành đường thế giới bởi chưa có nước nào đánh thuế với đường.
Theo Thứ trưởng Khánh, Bộ Công Thương cũng lường trước việc áp thuế chống bán phá giá đường Thái Lan thì sẽ có khả năng đường nước này sẽ đi vòng qua các nước ASEAN khác để vào Việt Nam. Do đó, Bộ đã đề nghị VSSA nghiên cứu tình trạng này, đến tháng 9/2021 vừa qua, tức sau 3 tháng Việt Nam đánh thuế, trên cơ sở đề nghị chính thức của VSSA, Bộ Công Thương đã khởi động điều tra chống lẩn tránh với đường Thái Lan đi qua các nước ASEAN vào Việt Nam. Sắp tới sẽ đánh giá dữ liệu và đưa ra quyết định đúng pháp luật.