Doanh nghiệp
Chỉ còn 4 đôi tàu khách chạy suốt mỗi ngày trên tuyến đường sắt Bắc – Nam
Anh Minh - 24/03/2020 20:08
Việc người dân ngại di chuyển trong giai đoạn dịch bệnh Covid - 19 đã khiến nhiều tuyến vận tải đường sắt quốc gia thưa vắng các chuyến tàu.
Doanh thu sụt giảm sâu do vắng khách, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn cho công tác phòng dịch Covid - 19, sát khuẩn thường xuyên các đoàn tàu.

Bắt đầu từ ngày 26/3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tạm dừng chạy đôi tàu SE9/SE10 ở cả hai chiều Hà Nội và Tp.HCM do nhu cầu đi lại của hành khách sụt giảm trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19.

Đây là đôi tàu khách Thống Nhất, chạy thường xuyên hàng ngày, chạy suốt Hà Nội – Tp.HCM và ngược lại. Thời gian tạm dừng chạy đôi tàu này dự kiến đến 28/4. Sau ngày 26/3, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ còn 4 đôi tàu khách Thống nhất chạy suốt gồm: SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8.

Trước đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, đơn vị thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết là sẽ tạm dừng chạy đôi tàu Hà Nội - Yên Bái YB3/YB4 (hiện đang chạy thứ Bảy và Chủ Nhật) lần lượt từ 28 – 29/3. Như vậy, trên tuyến Hà Nội - Lào Cai sẽ tạm thời không còn đôi tàu khách nào nữa.

Vào giữa tháng 3/2020, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng thông báo từ ngày 19/3 tạm dừng toàn bộ các mác tàu du lịch SP1, SP2, SP3, SP4 chuyên tuyến Hà Nội - Lào Cai; tạm dừng đôi tàu du lịch SE19/SE20 Hà Nội - Đà Nẵng.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, chưa bao giờ mà các tuyến đường sắt quốc gia lại vắng tàu như hiện nay. Việc bị giảm sản lượng của cả chiến dịch vận tải hành khách là Tết nguyên đán và nguy cơ là vận tải hè sẽ để lại tác động tiêu cực tới tài chính của Tổng công ty.

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nếu dịch bệnh được không chế trong quý II/2020, sản lượng vận tải toàn ngành đường sắt chỉ đạt 60% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1.710 tỷ đồng doanh thu và nếu dịch bệnh không chế trong quý III/2020 thì doanh thu chỉ đạt 50% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng với số tiền là 2.138 tỷ đồng.

Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ cho miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt (8% doanh thu); giãn tiến độ trả nợ, giảm lãi vay của ngân hàng cho các dự án đầu tư của các công ty vận tải đường sắt. Dự kiến, trả nợ gốc, lãi vay năm 2020 của các doanh nghiệp vận tải đường sắt lên tới 333 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác