Sân bay Côn Đảo hiện mới khai thác được các loại tàu bay nhỏ và công suất thiết kế chỉ 400.000 lượt khách/năm, nên không đáp ứng nhu cầu đang tăng cao hiện nay. |
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5843/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ GTVT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến kiến nghị của Bộ GTVT về phương án đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ (tại Công thư số 302/LĐCP ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 110/TB-VPCP ngày 4/4/2023 của Văn phòng Chính phủ), rà soát phương án đầu tư tổng thể Cảng hàng không Côn Đảo bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải và phù hợp với Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Phương án đầu tư tổng thể đề xuất để kêu gọi, thu hút và triển khai dự án đầu tư phải nêu rõ cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, tính khả thi (về tiến độ đầu tư, hiệu quả đầu tư, sự phù hợp với quy mô và định hướng phát triển, phù hợp với các quy hoạch…); các nội dung nào đã đảm bảo tuân thủ đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về thu hút đầu tư theo phương thức PPP (kêu gọi đầu tư PPP toàn bộ hay từng phần? lý do? đánh giá tính khả thi và tiến độ triển khai).
“Bộ GTVT trao đổi, thống nhất phương án đầu tư với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/8/2024”, công văn số 5843.
Trước đó, Bộ GTVT đã có Trong công văn số 7942, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ cho phép bộ này được tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Côn Đảo sử dụng nguồn vốn đầu tư công được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1795/QĐ- BGTVT ngày 14/10/2021.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu, xây dựng Đề án đầu tư khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức PPP để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện.
Tại công văn số 7942, Bộ GTVT đã giải thích rõ lý do vì sao cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT lại mất hơn 1 năm để tìm phương án tối ưu cho việc nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, ngay khi nhận được chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu lập phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ các hạng mục của Cảng hàng không Côn Đảo, bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả các loại tàu bay code C (như A320, A321, B737), trong đó bao gồm nội dung rà soát, nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo.
Trong kết quả rà soát bước đầu được thực hiện vào tháng 5/2023, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, phương án quy hoạch với hướng đường cất hạ cánh hiện hữu là phương án tối ưu.
Để khai thác đầy tải trọng thương mại đối với các dòng tàu bay tầm trung như A321, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo phương án cần kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển khoảng 860 m (về phía Đông) để đạt chiều dài 2.400 m.
Theo phương án này, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư phát triển Cảng hàng không Côn Đảo khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tính chi phí đầu tư các công trình khu bay khoảng 10.600 tỷ đồng; đầu tư khu hàng không dân dụng khoảng 2.100 tỷ đồng; đầu tư các công trình bảo đảm hoạt động bay khoảng 350 tỷ đồng; công trình cơ sở cung cấp xăng dầu hàng không khoảng 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do địa hình khu vực Cảng hàng không Côn Đảo hạn chế, cùng với điều kiện triển khai ra phía biển phức tạp, kinh phí đầu tư lớn, tác động lớn tới môi trường nên để có đầy đủ cơ sở xem xét, Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Australia để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín của quốc tế hỗ trợ rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của đường cất hạ cánh và khuyến nghị chủng loại tàu bay khai thác tối ưu tại Cảng hàng không Côn Đảo.
Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ “Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT - Aus4Transport”, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế để rà soát phương án đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo là ADPi (Pháp) - một trong những hãng tư vấn hàng đầu thế giới về quy hoạch, khai thác Cảng hàng không, đã tham gia quy hoạch nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới.
Trong gần một năm qua, ADPi đã thực hiện khảo sát tại Cảng hàng không Côn Đảo, nghiên cứu kinh nghiệm các cảng hàng không thế giới có cấu hình tương tự Cảng hàng không Côn Đảo và làm việc với các hãng hàng không của Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Đến tháng 6/2024, ADPi đã có báo cáo cuối cùng và được các đơn vị ngành hàng không đánh giá cao, đặc biệt là được các hãng hàng không thống nhất và ủng hộ.
Theo khuyến nghị của ADPi, chiều dài đường cất hạ cánh hiện tại (1.830m) của Cảng hàng không Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết các loại tàu bay code C do các hãng hàng không Việt Nam khai thác (A320neo/ceo, B737-7/8, E190/E195), ngoại trừ tàu bay A321 phải giảm tải trọng thương mại.
Đơn vị tư vấn cũng khuyên các hãng hàng không nên khai thác các loại tàu bay code C cỡ trung bình (như A320ceo/neo, A319, B737-7/8…) để bảo đảm hiệu quả khai thác cao nhất cũng như hiệu quả đầu tư về hạ tầng, tương tự các Cảng hàng không trên thế giới nêu trên, bảo đảm khai thác toàn bộ các đường bay nội địa của Việt Nam và có thể khai thác một số đường bay quốc tế tới Đông Nam Á, Bắc Á.
“Tuy nhiên, để tăng năng lực khai thác đường cất hạ cánh, Cảng hàng không Côn Đảo cần được xây dựng khu tiếp nhiên liệu tại Cảng; xây dựng đường lăn song song giúp tăng 50% công suất, ngay cả với đội tàu bay đang khai thác (ATR72 và E190) và bổ sung các hạng mục công trình bảo đảm an toàn trong khai thác như: dải an toàn cuối đường cất hạ cánh - RESA; hệ thống đèn đêm, thiết bị hạ cánh…”, tư vấn ADPi đề xuất.