Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tham dự các cuộc thảo luận để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. |
Những câu hỏi khó của doanh nhân
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và nhiều quan chức Chính phủ đã có mặt khi ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air đặt những câu hỏi hóc búa.
Ông Bình đặt câu hỏi: “Chính phủ có dám đập bỏ cát cứ dữ liệu ngay trong năm 2019? Chính phủ có đưa được cơ chế regulatory sandbox (thử nghiệm thể chế) vào thực tiễn để thúc đẩy khởi nghiệp không?”.
Còn bà Thảo thì kể về tình trạng “không tấc đất cắm dùi”, dù những gì mà Vietjet đã làm trong 6 năm qua gần bằng thành tựu trong 63 năm của ngành hàng không (năm 2018, Vietjet nộp thuế và phí trên 6.193 tỷ đồng, tương đương mức đóng góp vào ngân sách của một tỉnh tầm trung). Thậm chí, bà Thảo khẳng định, Vietjet Air có đủ năng lực đầu tư nhanh vào hạ tầng hàng không mà không cần dùng đến vốn ngân sách.
Vậy nhưng, đến thời điểm này, Vietjet đang vận hành hơn 80 tàu bay, vận chuyển một nửa lượng khách của ngành hàng không Việt Nam, nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng từ sân bay, bảo dưỡng kỹ thuật, dịch vụ mặt đất, suất ăn các dịch vụ cung ứng khác... đều phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống gần như độc quyền của Nhà nước.
“Thủ tướng Chính phủ đã từng khẳng định, cái gì tư nhân làm tốt thì để tư nhân làm. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, biện pháp để khai thác tốt nguồn lực tư nhân... ”, CEO của Vietjet thẳng thắn.
Cách ông Bình và bà Thảo “đặt bài ngửa” như vậy trong những kiến nghị với Chính phủ không phải mới. Họ đều là những nhân tố tiên phong, thúc đẩy đổi mới tích cực cho ngành công nghệ thông tin và hàng không, từ luật pháp, chính sách, tới phương thức quản lý trong nhiều năm qua.
Nhưng có thể không chỉ vậy!
Cùng lắng nghe những câu hỏi, hay nói đúng hơn là những yêu cầu đầy trăn trở của hai doanh nhân hàng đầu Việt Nam này còn có gần 2.000 đại biểu trong nước và nước ngoài. Họ là các chuyên gia kinh tế, các nhà tư vấn và CEO của những tập đoàn lớn toàn cầu, nhiều trong số này là đối tác, là bạn của ông Bình và bà Thảo. Họ đã dành thời gian gần 2 ngày đến Việt Nam vào những ngày đầu tiên của năm 2019, để trực tiếp lắng nghe, tận mắt nhìn thấy những chuyển động bên trong của nền kinh tế đang được coi là nơi an toàn, ổn định cho các kế hoạch kinh doanh trong thế giới bất định hiện tại.
Có thể hiểu, các câu hỏi này không phải chỉ của ông Bình và bà Thảo.
Cơ hội trên đường đứt gãy
Dường như sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trong giới kinh doanh toàn cầu nằm ở câu nói của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng rằng: “Thế giới đang ở điểm đứt gãy của quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ hội cho Việt Nam thực hiện khát vọng hùng cường”, Bộ trưởng Hùng nói.
Nhiều nghiên cứu của các tổ chức trên thế giới đã chia sẻ quan điểm này. Đặc biệt, báo cáo mới đây của Google và Temasek đã đánh giá quy mô kinh tế số của Việt lên tới 9 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 35% trong giai đoạn 2015 - 2018, chiếm 4% GDP - mức cao nhất trong các nền kinh tế ASEAN. Trong số này, du lịch trực tuyến, thương mại điện tử và truyền thông chiếm lần lượt là 39%, 31% và 24,4%; phần còn lại (5,6%) thuộc các hoạt động giao thức ăn và vận chuyển trực tuyến.
Các chuyên gia của hai tổ chức trên cho rằng, kinh tế Internet của Việt Nam đang bùng bổ và sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD giá trị thương mại gộp vào năm 2025…
Chưa kể, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong chuyển đổi thành công từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số, như dân số trẻ, 72% dân số dùng điện thoại thông minh, 70% thuê bao di động dùng 3G hoặc 4G; số người truy cập các trang thương mại điện tử bằng smartphone chiếm 53%...
Một cách thẳng thắn, những tính toán của các chuyên gia về quy mô kinh tế số của Việt Nam dường như thiên nhiều về triển vọng hơn.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố giữa tháng 1/2019 về tỷ trọng của các ngành trong GDP năm 2018, đóng góp của các ngành liên quan đến kinh tế số, công nghệ số như thông tin - truyền thông, khoa học - công nghệ, nghệ thuật vui chơi - giải trí… còn rất nhỏ, chỉ từ 0,59% (nghệ thuật, vui chơi - giải trí) tới 1,25% (hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ). Tỷ trọng này không mấy thay đổi nhiều năm qua.
“Đây là cơ hội trông thấy rõ cho các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định. Thậm chí, ông Cung còn tin rằng, khi Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong trong mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thì dư địa cho các doanh nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số tới đây gần như không giới hạn. Bởi bản thân Chính phủ cũng là một hộ tiêu dùng lớn, có điều kiện chi tiêu nhiều sản phẩm công nghệ, đi đầu trong kinh tế số thông qua xây dựng Chính phủ điện tử, tạo sức bật ban đầu cho thị trường khoa học - công nghệ…
“Các doanh nghiệp không phải tìm kiếm cơ hội ở đâu xa xôi, hãy nhìn vào tiềm năng của thị trường nội địa. Đây là những ngành có thể vừa gia tăng quy mô, vừa gia tăng tốc độ”, ông Cung nói.
Tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ
Không thể né tránh thực tế là, quan niệm chưa đúng của cơ quan quản lý nhà nước là một phần lý do khiến các ngành liên quan gần nhất với kinh tế số chưa thể ghi dấu ấn rõ trong GDP Việt Nam nhiều năm qua.
“Game, phim ảnh, các dịch vụ truyền thông… vẫn bị coi là sản phẩm văn hóa hơn là một sản phẩm của ngành công nghiệp giải trí, truyền thông, nên cần quản lý, giám sát bằng vô vàn thủ tục, điều kiện. Nếu để những người sản xuất trong lĩnh vực này làm để đáp ứng yêu cầu quản lý thì thị trường sẽ không cần. Phải nhìn xem Hàn Quốc nhiều năm nay đã xây dựng ngành công nghiệp giải trí thành ngành chủ lực thế nào, để thấy chỉ gỡ bỏ rào cản kinh doanh là không đủ”, ông Cung thẳng thắn.
Có thể nói, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những người hiểu rõ nhất đường đi của cuộc cách mạng này tại Việt Nam, khi là một phần tạo nên sự phát triển thần kỳ của Viettel kể từ năm 2000 đến năm 2018. Ông hiểu rõ sự tự phát của kinh tế số ở Việt Nam, những khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước - khi có sự xuất hiện của máy vi tính cá nhân, đến thời điểm này - khi 5G xuất hiện ở Việt Nam cùng nhịp với thế giới. Cũng mới đầu năm 2018, Viettel và các nhà mạng khác là VinaPhone, MobiFone đã gánh chịu những tác động lớn khi bị buộc phải dừng cung cấp dịch vụ thanh toán bằng thẻ cào cho nhiều lĩnh vực trực tuyến…
Nhưng thách thức trong phát triển kinh tế số của Việt Nam không dừng lại ở những cơ hội hiện hữu. Công nghệ đang sinh ra những mô hình kinh doanh, phương thức kinh doanh chưa có trong hệ thống phân ngành quốc gia, chưa có cả trong ý thức của các nhà quản lý. Và hệ quả là cuộc chiến đầy thách thức giữa taxi truyền thống và Uber, Grab tiếp tục dai dẳng trong sự lúng túng của cơ quan quản lý. Trong khi đó, Fintech đang thách thức hệ thống ngân hàng…
Giới chuyên gia đã phân tích rõ, số hóa nền kinh tế là cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ. Trong quá trình này, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp mới, nền công nghiệp mới chỉ có thể xuất hiện khi được chấp nhận bởi cơ chế, chính sách, nhưng quyết định này rất khó, vì sự sáng tạo thường mang tính phá hủy cái cũ.
“Vấn đề là, Chính phủ có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới không? Nếu dám chấp nhận, nhưng lại là người chấp nhận sau cùng thì cũng không có giá trị nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã không ngần ngại đặt câu hỏi cho Chính phủ mà ông là một thành viên.
Ngay thời điểm này, chiếc chìa khóa duy nhất để Việt Nam cải thiện thứ hạng, hiện thực hóa các cơ hội, lợi ích là phải có tư duy không truyền thống, không tuần tự, phải đi trước người khác, chấp nhận mất một số thứ… Quan trọng là, cả Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng mở khóa.