Ngân hàng - Bảo hiểm
Chiến lược bán lẻ đưa ngân hàng Việt bứt phá, nâng thứ hạng trên bảng xếp hạng thương hiệu
Như Loan - 13/02/2023 10:21
Những năm gần đây, các ngân hàng Việt Nam với lợi thế bán lẻ đã và đang đạt hiệu quả kinh doanh tích cực.

Công nghệ và cá nhân hóa sản phẩm

Thuật ngữ “Ngân hàng bán lẻ” hay “Retail banking” đã xuất hiện từ lâu trên thị trường quốc tế, nhưng mới bắt đầu phổ biến và trở thành chiến lược trọng tâm của nhiều nhà băng tại Việt Nam trong khoảng một thập kỷ trở lại đây. Chiến lược này được kỳ vọng giúp các ngân hàng đa dạng nguồn thu, giảm thiếu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh cao.

Để dẫn đầu về bán lẻ, nhiều ngân hàng đã xác định chiến lược lấy khách hàng trọng tâm và ứng dụng công nghệ để thực hiện điều đó. eKYC, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) và máy học (Machine Learning) đang ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong quá trình tìm hiểu và đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu người dùng. Theo đó, tăng cường trải nghiệm khách hàng luôn ở vị trí trung tâm trong mọi hành động, không chỉ duy trì sự yêu thích, tin tưởng của khách hàng hiện hữu mà còn thu hút mạnh mẽ tập khách hàng mới.

Nhờ vậy mà số lượng khách hàng mới của ngành ngân hàng tăng trưởng “chóng mặt” thời gian qua. Với nhiều nhà băng, số lượng khách hàng họ thu hút được trong vài năm gần đây còn nhiều hơn cả hàng chục năm trước cộng lại.

Chẳng hạn tại MB, tổng số khách hàng mà nhà băng này phục vụ cuối năm 2022 đã đạt 20 triệu khách hàng, tăng thêm khoảng 7 triệu khách so với cuối năm 2021. Techcombank thu hút thêm hơn 1,2 triệu khách để nâng tổng số khách hàng phục vụ lên 10,8 triệu. ACB cho biết số lượng khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng số tăng trưởng 30% hàng năm trong giai đoạn 2019-2022 và đã đạt 4,6 triệu khách hàng.

Còn tại VIB, ngân hàng cũng gây ấn tượng khi thu hút được hơn 1 triệu khách hàng mới trong năm qua, tăng tưởng gấp đôi so với năm trước và hoàn thành mục tiêu 4 triệu khách hàng sớm hơn so với dự tính.

Tại Việt Nam, VIB, ACB,.. đang là những ngân hàng dẫn đầu về tỷ trọng bán lẻ, đều đạt trên dưới 90% trong tổng danh mục. Những nhà băng khác, chẳng hạn như MB cũng ghi nhận tỷ trọng bán lẻ liên tục tăng mạnh những năm gần đây, hiện cũng đã chiếm trên 50%.

Trên thực tế, tuy cùng xác định chiến lược ngân hàng bán lẻ, nhưng một số nhà băng sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và sớm chiếm được lợi thế trên thị trường nhờ tiên phong làm ra sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng số hóa cao và đi sâu đáp ứng nhu cầu khách hàng ở đa dạng độ tuổi. Sản phẩm sẽ có mức độ cá nhân hóa cao hơn, thông minh hơn mà theo đó, mỗi một khách hàng đều sẽ có cảm giác được ngân hàng phục vụ riêng biệt.

Chẳng hạn như VIB, các dòng thẻ tín dụng và ngân hàng số MyVIB 2.0 đều hướng tới tính cá nhân hóa. Khách hàng dù ở độ tuổi nào, với nhu cầu giao dịch nhiều hay ít đều được phục vụ gói giải pháp phù hợp nhất. Ví dụ như khách hàng có nhu cầu giao dịch cá nhân thông thường sẽ có gói tài khoản VIB Sapphire, bao gồm tài khoản thanh toán, dịch vụ ngân hàng điện tử và thẻ thanh toán toàn cầu. VIB còn có gói tài khoản Diamond dành cho nhóm khách hàng có nhu cầu tận hưởng các đặc quyền ưu tiên và gói tài khoản Reserved miễn mọi phí giao dịch cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ. Dĩ nhiên, dù là gói sản phẩm nào, khách hàng đều phải được trải nghiệm nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm chi phí.

Nâng tầm vị thế thương hiệu nhờ chiến lược bán lẻ và ngân hàng số

Có thể nói, việc theo đuổi chiến lược bán lẻ giúp cả khách hàng và ngân hàng cùng có lợi. Khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tài chính nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm chi phí hơn, trong khi ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ và đạt hiệu quả kinh doanh tích cực hơn. Tăng trưởng này cũng giúp ngân hàng Việt cũng liên tục thăng hạng trên bản đồ thương hiệu trong nước và thế giới.

MiBrand Việt Nam vừa qua đã đưa ra Top 10 thương hiệu ngân hàng đứng đầu về chỉ số cân nhắc thương hiệu. Đây là chỉ số phản ánh mức độ tiềm năng và khả năng tăng trưởng về thương hiệu lẫn doanh số của các ngân hàng. Top 10 này bao gồm Vietcombank, MB, BIDV, VietinBank, Techcombank, Agribank, TPBank, VIB, ACB và VPBank. Ngoài nhóm Big 4 có sự bứt tốc mạnh mẽ thì ở nhóm ngân hàng tư nhân, VIB gây chú ý vì ngày càng được khách hàng cân nhắc nhiều hơn nhờ ứng dụng ngân hàng số. Theo MiBrand, VIB được đánh giá là ngân hàng số hiện đại với việc tung ra nhiều tiện ích trong năm 2022 như bàn phím MyVIB Keyboard chuyển tiền ngay trong các ứng dụng chat, ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR), giao dịch bằng giọng nói (AI Voice). 

Bên cạnh đó, trong các dòng thẻ mang xu hướng cá nhân hóa được yêu thích nhất, VIB có 3 đại diện gồm Travel Elite (mua sắm), Happy Drive (di chuyển) và Family Link (Gia đình).

MiBrand cũng đưa ra Top những thương hiệu ngân hàng có tiềm năng phát triển tốt nhất là VIB, VPBank, và ACB. Những ngân hàng nổi bật về tính năng Mobile Banking dành riêng cho GenZ là TPBank và VIB. Những thương hiệu ngân hàng có chiến dịch truyền thông ấn tượng nhất là VIB, VPBank, TPBank và Sacombank. 

Không chỉ có những biến động trên các bảng xếp hạng thương hiệu trong nước mà thương hiệu ngân hàng Việt trên thị trường quốc tế cũng có những chuyển biến đáng chú ý. Theo Bảng xếp hạng 500 ngân hàng đứng đầu thế giới về giá trị thương hiệu năm 2023 của Brand Finance, Việt Nam có 12 ngân hàng lọt vào bảng Banking 500. Trong đó, 10/12 ngân hàng tăng hạng so với năm 2022 và xuất hiện thêm một nhà băng lần đầu tiên góp mặt là VIB.

Bảng xếp hạng trên của Brand Finance dựa trên kết quả kinh doanh năm 2021. Với kết quả kinh doanh năm 2022 có tăng trưởng lợi nhuận rất cao (BIDV tăng 70%, SHB tăng 54%, VP Bank tăng 48%, Sacombank tăng 44%, ACB tăng 43%, Vietcombank tăng 39%, MB tăng 38%, VIB tăng 32%, HDBank tăng 27%) thì có thể trong bảng xếp hạng năm sau, các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng hạng mạnh.

Tin liên quan
Tin khác