Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người Việt tin rằng, vị Táo quân coi sóc bếp lửa sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì thế mà theo tục lệ cổ truyền, người Việt sẽ sắp mâm cỗ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.
“Lễ vật" cúng Táo công gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có. Để đơn giản hơn, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.
Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Mâm cỗ cúng
Người Việt chuẩn bị mâm cỗ cũng Táo quân khá cầy kỳ, bao giờ cũng có các món ăn và tiền vàng mã. Mâm cỗ cúng Táo quân trong truyền thống bao gồm rất nhiều món. Một mâm cỗ đầy đủ nhất thường có: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để Ông Táo đi lên trời.
Mâm cỗ đầy đủ trong ngày 23 tháng Chạp.
Đôi khi, người ta có thể thay thịt lợn luộc bằng gà trống luộc, miệng có ngậm một bông hoa hồng. Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín. Đó là những đức tính rất cần có của một bậc dũng sĩ. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là hình ảnh tượng trưng cho ông mặt trời.
Ngoài ra, món canh mọc còn có thể được thay thế bằng canh măng khô móng giò hoặc canh măng tươi lòng gà, canh nấm bóng bì.
Lựa chọn thực phẩm an toàn mà vẫn truyền thống
Ngày nay, do công việc quá bận bịu, chị em nội trợ không thể dành nhiều thời gian để sửa soạn một mâm cỗ cầu kì như truyền thống. Nhiều món ăn được rút bớt và thời gian chế biến mỗi món ăn cũng giảm đi bởi đồ bán sẵn khá nhiều. Chẳng hạn như bánh chứng, xôi, nem đông lạnh, gà mổ… Chị em chỉ việc mua về, chế biến cho chín rồi sắp cỗ.
Nhưng dù lựa chọn thực phẩm tươi sống hay đông lạnh, các bà nội trợ vẫn nên chú ý đến cách bảo quản, lựa chọn thực phẩm an toàn:
1. Cân nhắc nguồn thực phẩm
Thực tế, nhiều người tiêu dùng tin tưởng độ an toàn của thực phẩm trong các siêu thị, cửa hàng rau thịt sạch nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng an toàn hơn các thực phẩm bày bán ở chợ. Quan trọng là bạn biết rõ xuất xứ của thực phẩm đó.
2. "Kén cá chọn canh" Hãy lựa chọn các thực phẩm tươi, không có vết (sứt sẹo, méo mó, bầm dập...) nếu là rau củ, hoa quả. Khi mua trứng, chọn quả có vỏ sáng, không nứt, vỡ. Chọn mua thịt tại các cửa hàng thịt sạch uy tín. Không mua các loại đồ hộp đã bị phồng rộp, móp méo, mất nắp. Với các sản phẩm đông lạnh, chọn những thực phẩm được để trong khu vực lạnh và đóng tuyết trắng.
Thức ăn phải được bảo quản trong tủ lạnh và đúng cách mới đảm bảo an toàn.
3. Tính quãng đường đi chợ
Điều này nghe có vẻ lạ nhưng thực tế nếu bạn mua các thực phẩm đông lạnh thì một quãng đường ngắn sẽ đảm bảo được độ tươi ngon cũng như hạn chế được sự xâm nhập của các vi khuẩn khi các thực phẩm này giảm độ lạnh.
4. Giữ lạnh cho thực phẩm
Khi mua các loại rau quả và thịt cá, hãy đựng mỗi loại trong một túi riêng biệt. Nếu là đồ đông lạnh thì nên bảo quản trong hộp nhựa và để ngăn đá.
5. Rửa rau quả dưới vòi nước chảy Một bàn chải nhỏ sẽ rất hữu ích cho việc rửa sạch rau quả hoặc bạn có thể rửa rau quả trực tiếp dưới vòi nước chảy liên tục là cách rửa hiệu quả, an toàn và rẻ nhất.
6. Vệ sinh bếp
Rửa sạch thớt, dao, vệ sinh tủ lạnh, giặt phơi khăn lau bát, lau bàn cũng như vệ sinh dụng cụ nhà bếp bằng xà phòng hoặc nước nóng. Nên sửa dụng 2 loại thớt cho đồ ăn sống và chín riêng biệt.
7. Tích trữ vừa phải
Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì khi để lâu chúng cũng bị hỏng. Một số loại thực phẩm như hành và khoai tây không cần phải cất trong tủ lạnh nhưng cũng không nên cất chúng ở dưới gần chậu rửa bởi chúng có thể nhiễm vi khuẩn từ các lỗ rò trên đường ống nước thải.
8. Nấu chín kỹ
Để có một mâm cỗ an toàn và đảm bảo vệ sinh bạn phải đảm bảo là các thức ăn phải được nấu chín hoàn toàn, không còn màu đỏ của thịt sống.
Cách cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.
Tham khảo thêm cách chuẩn bị mâm cỗ cúng của chị em công sở có ít thời gian:
Trong tâm thức người Việt, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình cũng cố gắng dành thời gian để làmmâm cơm để cúng Ông Táo. Với chị em bận rộn, để chuẩn bị được mâm cỗ cũng đòi hỏi không ít thời gian. Tùy từng nếp nhà, tùy từng hoàn cảnh mà bày biện các món cúng khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những món thường có như gà luộc, giò lụa, bánh chưng, đĩa miến mộc nhĩ xào. Chị em có thể tham khảo cách làm dưới đây để biết cách làm một mâm cỗ đơn giản nhưng vẫn giữ được nét truyền thống nhé!
Gà luộc
Để tiết kiệm thời gian, chị em có thể nhờ người bán hàng mổ sẵn giúp một con gà trống, sau đó đem về rửa sạch.
Để tránh tình trạng gà luộc da bị rách hoặc bên ngoài chín mà bên trong còn máu đỏ thì nên cho gà vào nồi nước lạnh ngay từ đầu rồi bắc lên luộc, không nên đợi nước sôi mới cho gà vào. Gà nên để bụng hướng xuống dưới và đổ nước sao cho vừa ngập cả con gà là được. Nồi luộc không nên quá to vì sẽ mất thời gian luộc lâu hoặc quá nhỏ cũng khó trở gà cho chín đều.
Chị em lưu ý là, ban đầu bật lửa to và đậy nắp nồi. Khi nước sôi thì hớt bọt cho nước luộc trong. Để sôi khoảng 5 phút thì giảm lửa nhỏ liu riu, nếu để nước sôi sung sục liên tục thì gà sẽ bị rách da, thịt bên ngoài co rút lại mà bên trong chưa kịp chín.
Tùy theo trọng lượng của con gà mà luộc thêm khoảng 20 phút thì tắt bếp. Để thử xem gà chín chưa thì lấy cây tăm xăm thử vào chỗ thịt dày nhất, nếu không có màu hồng là gà đã chín. Nếu gà chưa chín, tiếp tục luộc lửa liu riu thêm chút nữa.
Nếu có nhiều thời gian, sau khi nước sôi và giảm lửa thì tắt bếp. Đậy kín nắp và ngâm gà trong nước luộc khoảng 30 phút. Với gà cúng thì luộc nhanh vừa chín tới kiểu hồng đào để gà vẫn còn giữ nguyên hình dáng đẹp, da không bị khô và rách. Muốn ăn chín thì có thể luộc lại sau khi cúng xong.
Khi gà chín, xếp ra đĩa chuẩn bị cúng nhé.
Canh măng lòng gà
Nếu không có nhiều thời gian để làm món canh bóng bì, canh mọc, canh măng khô thì chị em có thể nấu canh măng chua lòng gà cũng được. Tuy món canh có thay đổi đôi chút nhưng măng cũng là nguyên liệu khá giản dị, dân dã, rất thích hợp trong mâm cỗ cúng Táo quân.
Chị em chuẩn bị nguyên liệu là măng ngâm, lòng gà, hành củ, l chanh (hoặc hành lá), gia vị vừa đủ.
- Măng đem rửa sạch, luộc kỹ, đổ ra rửa bằng nước lạnh.
- Lòng gà làm sạch đem thái nhỏ rồi xào. Cho dầu ăn, hành giã giã nhỏ vào chảo, đến khi hành thơm thì cho lòng gà vào xào không cần đậy vung.
- Khi lòng gà đã chín cho măng vào xào đến khi chín. Cho 1 tí bột nghệ hoặc nước nghệ vào để bát canh được đẹp mắt. Sau đó, cho nước đun sôi vào ngập măng khoảng 2 đốt ngón tay. Đậy vung cho đến khi sôi, canh chín.
- Lá chanh (hoặc hành lá thái nhỏ) thái sợi, rắc vào đảo đều trong bát canh để có mùi thơm.
Miến xào lòng gà
Nguyên liệu để nấu món này bao gồm 1-2 bộ lòng gà, miến, mộc nhĩ, hành, tỏi.
- Lòng gà làm sạch để ráo nước, thái miếng vừa ăn.
- Mộc nhĩ đem ngâm với nước nóng (khoảng 30 phút – 1 tiếng) sau đó rửa sạch và thái nhỏ.
- Miến rửa sạch bằng nước lã, sau đó để ráo. Dùng nước nóng khoảng 60 độ C, ngâm miến từ 10-15 phút. Sau đó vớt miến ra để ráo nước (vớt miến ra trước khi xào 15 phút).
- Hành củ, dầu ăn 2-3 thìa, tỏi giã nhỏ.
- Cách làm: Cho dầu ăn, hành giã nhỏ vào chảo, đến khi hành thơm thì cho lòng gà vào xào. Khi lòng gà chín, cho mộc nhĩ vào xào rồi cho cà rốt vào. Tiếp tục đảo cho đến khi lòng gà, mộc nhĩ, cà rốt chín.
- Tiếp theo cho miến và phần tỏi đã giã nhỏ vào đảo đến khi chín rồi cho gia vị vào.
Tất cả đã chín, cho ra đĩa, bày thêm rau mùi để món ăn thêm hấp dẫn.
Giò lụa
Có thể chọn mua ở chợ, siêu thị (lưu ý chọn hàng đảm bảo vệ sinh thực phẩm).
Để sắp lên mâm cỗ, chị em cắt giò thành khoanh có độ dày khoảng 1,5cm. Sau đó, chia khoanh giò thành 6 miếng hình dẻ quạt đều nhau. Cắt thêm một khoanh tương tự rồi xếp lên đĩa tùy ý sao cho đẹp.
Hành muối
Để có món dưa hành ngon cúng trong mâm cỗ ông Công ông Táo, chị em cần làm trước từ 7-10 ngày.
- Hành mua về ngâm với nước vo gạo khoảng 1 ngày.
- Sau đó bóc bớt vỏ, rửa thật sạch, tiếp tục ngâm với nước gạo (nước gạo mới) thêm khoảng 1 ngày để giảm bớt vị cay và đắng của hành.
- Cho nước sôi để nguội, muối biển, đường trắng vào cái lọ khuấy thật đều, đổ hành vào lọ cùng với các nguyên liệu (Nước nên ngập hành khoảng hơn 01 đốt ngón tay). Khi cho hành vào lọ cần phải có dụng cụ để nén chặt hành).
Bánh chưng
Nếu không mua xôi thì chị em có thể thay thế xôi bằng bánh chưng. Để có bánh chưng, chị em phải gói trước 1-2 ngày. Tuy nhiên, để nhanh gọn và tiện lợi, chị em có thể mua bánh ở ngoài hàng.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các món ăn, chị em chỉ việc lần lượt bày biện lên mâm cỗ để cúng và tiễn Táo quân lên trời. Ngoài ra, chị em nhớ sắp xếp tiền vàng, "lễ vật" và chuẩn bị bài khấn sao cho thật đúng nhé!
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đơn giản, nhanh gọn cho chị em văn phòng. Chúc chị em có mâm cỗ cúng ông Công ông Táo như ý!
Thùy Minh (VTC News)