VN-Index trải qua tuần giao dịch “đáng quên” khi giảm tới 2,71% và có 4/5 phiên đều đóng cửa trong sắc đỏ. Bước sang đầu tuần mới, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. Chỉ số khi mở cửa nhích lên trên mốc tham chiếu trong khoảng thời gian ngắn sau đó đảo chiều trở lại. Áp lực bán ở khoảng thời gian đầu phiên có phần nhẹ nhàng hơn và đôi lúc sự phục hồi cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, lực cầu nhìn chung vẫn yếu và áp lực cắt lỗ lại xuất hiện khi sự phục hồi không diễn ra mạnh mẽ. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu chìm trong sắc đỏ và khiến các chỉ số nới rộng đà giảm. VN-Index lùi sâu về vùng quanh 1.200 điểm. Khối ngoại tăng tốc bán ra ngay từ đầu phiên và chính là áp lực chính của thị trường. Dòng vốn này riêng phiên sáng đã bán ròng khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.
Sang đến phiên chiều giao dịch trái ngược hoàn toàn so với buổi sáng. Đầu phiên chiều, áp lực bán mạnh đẩy VN-Index giảm “nhúng” sâu hơn. Tuy nhiên, bất ngờ diễn ra sau đó khi lực cầu bắt đáy xuất hiện cùng với đó là áp lực bán của khối ngoại chững lại. Các chỉ số vì vậy đã có sự hồi phục đáng kể trở lại. VN-Index có thời điểm được kéo lên trên mốc tham chiếu. Dù vậy, VN-Index chốt phiên vẫn giảm điểm nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.217,12 điểm, tương ứng giảm 1,45 điểm (-0,12%). HNX-Index tăng ngược trở lại 0,26 điểm (0,12%) lên 221,79 điểm. UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (0,34%) lên 91,64 điểm.
Toàn thị trường có số mã tăng giảm khá ngang ngửa với 368 mã tăng và 340 mã giảm, số mã đứng giá và không giao dịch là 867 mã. Phiên hôm nay vẫn có 12 mã giảm sàn trong khi có 24 mã tăng trần.
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh trong phiên 16/11 |
Hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm VN30 vẫn chịu áp lực bán mạnh và là nhân tố chính khiến thị trường rung lắc rất mạnh. Dù vậy, lực đỡ vào cuối phiên là khá tốt giúp nhóm này cân bằng trở lại từ đó giúp thị trường chung hồi phục. MWG tiếp tục là tâm điểm của thị trường khi chịu lực bán rất mạnh. MWG giảm 1,7% xuống chỉ còn 58.900 đồng/cổ phiếu. Có thời điểm trong phiên, MWG xuống chỉ 57.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất đến 4,7%.
Bên cạnh đó, PLX, VCB, BID, VNM, BCM... cũng chìm trong sắc đỏ. VCB giảm 0,76% và là cổ phiếu lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index với 0,95 điểm. MWG đứng thứ hai trong danh sách các cổ phiếu tác động xấu đến VN-Index với việc lấy đi 0,35 điểm.
Ở hướng ngược lại, sự hồi phục diễn ra mạnh ở các cổ phiếu như TPB, SSI, VHM, STB, CTG... Trong đó, VHM tăng 1,4% và đóng góp cho VN-Index 0,58 điểm. CTG và TPB tăng lần lượt 0,6% và 2,56% với số điểm đóng góp là 0,26 và 0,25.
SSI phiên hôm nay tăng 1,46% và cũng lọt top các cổ phiếu có tác động tích cực đến VN-Index. Không chỉ SSI, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán cũng có sự hồi phục tốt và giúp tâm lý nhà đầu tư bớt bi quan hơn. Các cổ phiếu chứng khoán khác tăng mạnh có CTS tăng 4%, MBS tăng 3,8%, HCM tăng 3,6%, AGR tăng 3,4%...
Tại nhóm bất động sản, sự hồi phục cũng diễn ra. Trong đó, TCH được kéo lên mức giá trần, NTL cũng tăng đến 4,4%, DXG tăng 1,9%, PDR tăng 1,5%, NVL tăng 1,44%.
Một cổ phiếu gây chú ý ở phiên nay đó là KBC khi có lúc bất ngờ giảm sàn. Đóng cửa phiên, KBC giảm gần 6%. Trước đó, ngày 15/11, KBC đã ra quyết định về việc phát hành cổ phiếu giá rẻ cho các nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, công ty dự kiến chào bán 250 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,57% số lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Giá bán chỉ bằng 80% trung bình giá đóng cửa 30 phiên và không dưới 16.200 đồng/cp, thấp hơn 41% so với giá thị trường hiện tại.
Dù thị trường có hồi phục đáng kể vào cuối phiên nhưng thanh khoản vẫn còn khá yếu. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 646 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 15.557 tỷ đồng, giảm 16,6% so với phiên trước. Giá trị giao dịch thỏa thuận trên HoSE đạt gần 2.100 tỷ đồng, giảm 10%. Giá trị giao dịch trên HNX và UpoM lần lượt là 955 tỷ đồng và 590 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh |
VHM là cổ phiếu giao dịch mạnh nhất phiên hôm nay với 924 tỷ đồng. Tiếp sau đó, MWG và SSI có giá trị giao dịch lần lượt 703 tỷ đồng và 600 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng tổng cộng 1.460 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã SSI với 269 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VHM bị bán ròng 243 tỷ đồng. MWG, HDB và MSN đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, STB đứng đầu danh sách mua ròng nhưng giá trị chỉ 33 tỷ đồng.