Y tế - Sức khỏe
Thực phẩm Lehutra-Curcumin vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm
D.Ngân - 10/12/2023 23:29
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã thông tin cảnh báo về việc thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lehutra- Curcumin vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, tại đường link: https://quaythuoc.org/lehutra-curcumin-ho-tro-dieu-tri-day-hoi-o-chua-hieu-qua.html quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lehutra-Curcumin với nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Ảnh minh hoạ.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lehutra-Curcumin do Công ty TNHH Dược Phẩm Lehutra, địa chỉ trụ sở chính tại tổ dân phố Trại, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Tại buổi làm việc mới đây, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Dược phẩm Lehutra là ông Nguyễn Trọng Hòa khẳng định Công ty không thực hiện và Công ty không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lehutra-Curcumin tại đường link nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lehutra-Curcumin trên đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Cũng về nội dung này, Bộ Y tế cảnh báo quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12, LEHUTRA-CURCUMIN vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp quảng cáo gian dối, đặc biệt là các quảng cáo trên Zalo, Facebook, YouTube... Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng.

Trước tình trạng vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe ngày càng có chiều hướng gia tăng, Cục An toàn thực phẩm đã nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan để tìm ra biện pháp phối hợp tốt nhất nhằm ngăn chặn những hành vi trên.

Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế đã thành lập tổ phản ứng nhanh với các thành viên là đại diện của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các cơ quan liên quan để phân công trách nhiệm xử lý vi phạm.

Bộ Y tế xử lý vi phạm của các cơ sở có sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các phương tiện quảng cáo vi phạm gồm báo, đài, website, mạng xã hội... Bộ Công Thương xử lý các website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử vi phạm. 

Đấu tranh với vi phạm quảng cáo  sai sự thật trên môi trường mạng tất nhiên gặp rất nhiều thách thức vì tính phổ rộng của internet.

Phương tiện quảng cáo lại đa dạng, đặc biệt là việc sử dụng điện thoại, Internet, mạng xã hội, trang web của các tổ chức, cá nhân để tư vấn không bị hạn chế về không gian, thời gian; việc đăng ký mở website cũng rất dễ dàng.

Mặt khác, việc quảng cáo thực phẩm chức năng xuyên biên giới còn gặp khó khăn khi xử lý vi phạm do các công ty nước ngoài đặt trụ sở ở nước ngoài và hoạt động theo pháp luật của nước sở tại.

Bên cạnh đó, một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm chức năng. Một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng thực phẩm chức năng.

Cục An toàn thực phẩm đã có nhiều cảnh báo về các thực phẩm chức năng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, liên tục cảnh báo các sản phẩm vi phạm trên trang: https://vfa.gov.vn, bao gồm các trường hợp tái vi phạm và bị phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ, không phải 100% trường hợp đều được xử lý vì có nhiều trường hợp thông tin về chủ thể vi phạm không đầy đủ.

Chẳng hạn, chủ thể ẩn giấu thông tin; chủ thể là cá nhân với địa chỉ không đầy đủ (không có số nhà, đường phố cụ thể); chủ thể là công ty phần mềm; chủ thể đăng ký qua công ty nước ngoài.

Hiện nay, thị trường thực phẩm chức năng “vàng thau lẫn lộn”, do vậy, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi trên thị trường. Người dân khi sử dụng thực phẩm chức năng cần theo tư vấn của bác sĩ; không nên tự ý dùng, nhất là khi sử dụng thực phẩm chức năng với hàm lượng cao trong thời gian dài.

Tin liên quan
Tin khác