Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ huy động vào ngân sách giai đoạn 2011 - 2020 đạt 24,5% GDP; thu nội địa giai đoạn 2011 - 2020 đạt 76,7% tổng thu. |
Chiến lược tài chính đến năm 2020 theo Quyết định 450/QĐ-TTg (ngày 16/4/2012) đã kết thúc, Bộ Tài chính bắt đầu xây dựng Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyêt.
Quy mô ngân sách tăng 3,8 lần
Quyết định 450/QĐ-TTg đặt mục tiêu, giai đoạn 2011-2015, tổng thu từ thuế và phí đạt 22 - 23% GDP, giai đoạn 2016 - 2020 là 21 - 22% GDP; trong đó thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu.
Đánh giá 10 năm triển khai Quyết định 450/QĐ-TTg, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, tiềm lực tài chính nhà nước tiếp tục được tăng cường, quy mô ngân sách được mở rộng.
“Chính sách động viên ngân sách nhà nước thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; thủ tục quản lý thuế được đơn giản hóa, dễ thực hiện; nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Nhờ đó, quy mô thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001 -2010.
Cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn, đảm bảo theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất - nhập khẩu giảm do tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu và sự biến động của giá dầu thế giới”, ông Quỳnh nhận định.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ huy động vào ngân sách bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 24,5% GDP; huy động từ thuế, phí giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 20,7% GDP; giai đoạn 2016-2020 đạt xấp xỉ 21% GDP, đạt mục tiêu Chiến lược đề ra (21% GDP); tỷ trọng thu nội địa giai đoạn 2011 - 2020 đạt 76,7%, riêng năm 2020 là 85,6% (vượt mục tiêu là trên 80%).
“Tuy nhiên, hệ thống chính sách động viên cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện; xử lý những bất cập về ưu đãi thuế; chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp… Đặc biệt, đa phần các khoản chi ngân sách nhà nước hiện được kiểm soát theo các yếu tố đầu vào (tiêu chuẩn, chế độ, định mức), chưa có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh cho việc kiểm soát chi tiêu ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ tại từng bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách nên việc đánh giá hiệu quả chi tiêu còn hạn chế”, ông Quỳnh nhận định.
Hiện tại, các mục tiêu cụ thể của Chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 đang dược Bộ Tài chính nghiên cứu, nhưng theo ông Quỳnh, Chiến lược phải hướng đến xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia mỗi khi nền kinh tế gặp cú sốc như cú sốc về dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế cũng như cân đối ngâ sách nhà nước.
Chiến lược tài chính lo “cát cứ địa phương”
GS.TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá cao cơ cấu thu ngân sách nhà nước trong 10 năm vừa qua khi tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu tăng dần, thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm dần, nhưng ông vẫn không tỏ ra yên tâm trước nguy cơ thâm hụt ngân sách có nguy cơ tăng khi kinh tế gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tính bền vững nền tài chính quốc gia.
“Trong thu nội địa có một nhóm các khoản thu giữ vai trò rất quan trọng là thu từ nhà đất (chiếm 13,8%), tuy nhiên, chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này lại là khoản thu một lần là thu từ giao quyền sử dụng đất. Khi thu ngân sách nhà nước vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc “bán đất” sẽ không bền vững”, GS.TS. Trần Thọ Đạt phân tích.
Trong khi đó, nguồn thu chính yếu, quan trọng nhất là thu từ khu vực doanh nghiệp - phản ánh sự phồn vinh của nền kinh tế - theo GS.TS. Trần Thọ Đạt cần phải xem xét lại bởi tỷ lệ đóng góp ngân sách của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng giảm đi, trong đó có nguyên nhân là do các hoạt động chuyển giá.
“Tỷ lệ thu ngân sách từ khu vực kinh tế tư nhân tăng dần, nhưng vẫn chưa tương xứng với tỷ lệ của nhóm này trong GDP. Nguyên nhân chính là do tình trạng trốn thuế ở khu vực này diễn ra phổ biến. Điều này này cho thấy quá trình cổ phần hóa phải diễn ra cùng với việc cải thiện hiệu quả thu ngân sách ở khu vực kinh tế tư nhân nếu không muốn giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong tương lai”, GS.TS. Trần Thọ Đạt cảnh báo.
Không chỉ lo ngại nguồn thu ngân sách bấp bênh, GS.TS. Trần Thọ Đạt còn khá lo lắng trong việc chi tiêu công chưa hợp lý.
“Tái cơ cấu đầu tư công thông qua việc giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội là cần thiết, song giảm mạnh và đột ngột khoản đầu tư này chưa phải đã tốt vì hiện chưa có nguồn lực thay thế. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là cải thiện chất lượng và hiệu quả đầu tư nói chung, trong đó có đầu tư của ngân sách nhà nước mà không phải chỉ là giảm về số lượng.
Ngoài ra, tình trạng vốn giải ngân đầu tư từ ngân sách nhà nước bình quân chỉ đạt 67,6% dự toán đã dấn tới tình trạng Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu để phục vụ đầu tư, nhưng không giải ngân được phải đem gửi ở các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng đến chi phí vốn và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước”, GS.TS. Trần Thọ Đạt cảnh báo.
Tất cả những bất cập trong chi tiêu ngân sách đã và đang được Bộ Tài chính tổng hợp trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển tài chính 2021-2030. Nhưng ngay khi bắt tay vào xây dựng Chiến lược trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới kết thúc. Ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính thẳng thắn: “Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ đã giảm đáng kể. Bội chi năm 2021 phấn đấu ở mức 4% GDP, còn năm 2022 cũng phấn đấu giữ ở mức 4% GDP (tương ứng khoảng 5,1% GDP chưa điều chỉnh), đang tạo áp lực lớn trong việc cân đối ngân sách nhà nước các năm tới để đảm bảo mức bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi 3,7% GDP”.
Ngoài TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, mới đây, Quốc hội đã cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế được hưởng cơ chế đặc thù.
Việc các tỉnh, thành phố được hưởng cơ chế đặc thù, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lo ngại sẽ dẫn tới “cát cứ” địa phương khiến việc xây dựng Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 thêm khó khăn, phức tạp.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, gần đây, xuất hiện hiện tượng các địa phương “đua nhau xin cơ chế đặc thù”. Địa phương nào cũng có lý do rất thuyết phục để xin Trung ương cho cơ chế đặc thù và đến lúc nào đó tỉnh nào cũng “đặc thù” thì không còn đặc thù và chỉ tạo ra sự phức tạp, cát cứ trong xây dựng, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước; không tập trung chi tiêu ngân sách cho đầu tư phát triển.