Ngân hàng - Bảo hiểm
Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến thị trường vàng
Nguyễn Lê - 19/05/2024 14:35
Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu. Ảnh: Duy Linh.

Sáng 19/5, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV.

Tại kỳ họp này, ngay trong phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu  năm 2024. Sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế sẽ trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội.

Trước đó, ở cả phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng không thề để thị trường vàng tiếp tục nhảy múa như thời gian qua.

Tại cuộc họp báo, phóng viên Báo Đầu tư đặt câu hỏi, những hạn chế trong quản lý thị trường vàng đang được cho là có tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, Ủy ban Kinh tế cũng đã cảnh báo về hệ lụy của thị trường ngầm của vàng và ngoại tệ, vậy Ủy ban có đề xuất gì về giải pháp để quản lý hiệu quả hơn mặt hàng này?

Trả lời, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho hay, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ cần sớm khẩn trương, rà soát tổng thể về cơ chế chính sách quản lý thị trường vàng để sửa đổi kịp thời trong dài hạn, chứ không mang tính chất ngắn hạn. Đây cũng là một trong 9 nhóm vấn đề được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu Chính phủ đặc biệt quan tâm trong điều hành kinh tế xã hội nói chung, và thị trường vàng nói riêng.

Vẫn theo ông Hiếu, để ổn định thị trường vàng cần phải có giải pháp tổng thể, dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Về giải pháp trước mắt, cần điều hành bám sát phù hợp với thị trường. Nhưng, căn cơ để giải quyết vẫn là thể chế, chính sách.

Có nên bỏ độc quyền vàng miếng để quản lý tốt hơn thị trường vàng không là câu hỏi khác được nêu tại cuộc họp báo.

Về dài hạn thì cần có giải pháp tổng thể, còn  biện pháp cụ thể thì cần tiếp tục thảo luận, ông Hiếu nói.

Liên quan đến vấn đề này, tại báo cáo thẩm tra phát hành ngày 17/5 gửi các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kinh tế nhận xét môi trường tài chính và vĩ mô như hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng và thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.

“Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá”, theo Ủy ban Kinh tế.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.

Có ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát, nhất là hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng  đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu  vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng; tỷ giá niêm yết chính thức trong một số giai đoạn thấp hơn nhiều so với thị trường tự do; mua bán ngoại tệ phổ biến ở các tiệm vàng.

Tin liên quan
Tin khác