Thời sự
Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện sớm, báo cáo Quốc hội về việc xử lý bất cập BOT
Anh Minh - 05/10/2022 08:00
Bộ GTVT phải hoàn thiện báo cáo về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT giao thông để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2022.
Một trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 315/TB – VPCP ngày 4/10/2022 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp rà soát dự thảo báo cáo về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT diễn ra trong các ngày 20/9/2022 và 26/9/2022.

Theo đó, Phó Thủ tướng ghi nhận việc tại các cuộc họp nêu trên các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục thống nhất về sự cần thiết và cấp bạch phải báo cáo chấp có thẩm quyền xem xét xử lý những vướng mắc bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT giao thông đồng thời các ý kiến tham gia của các cơ quan rất trách nhiệm, đóng góp cụ thể, chi tiết, rõ ràng từng nội dung.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, trong đó làm rõ hơn các nguyên tắc, tiêu chí xác định trạm thu phí/ dự án BOT phải báo cáo Quốc hội; khẳng định rõ các trạm thu phí/dự án BOT có lãng phí, thất thoát không và có đảm bảo chất lượng không. Bên cạnh đó, nội dung kiến nghị Quốc hội xem xét phải rõ ràng, ngắn gọn về cơ sở pháp lý, thẩm quyền.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương, tập trung hoàn thiện báo cáo, hoàn thành trong ngày 3/10/2022 để kịp thời gian trình Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Chính phủ (dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về nội dung này vào ngày 10/10/2022); đồng thời giao Bộ GTVT tổ chức làm việc với các Ủy ban của Quốc hội về nội dung Báo cáo, Tờ trình để tiếp thu hoàn chỉnh trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Được biết, trong tổng số 72 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP do Bộ GTVT quản lý, kết quả xử lý khó khăn, vƣớng mắc đến nay còn 4 dự án có bất cập về trạm thu phí, 1 dự án có phương án thu phí không khả thi và 3 dự án vướng mắc về doanh thu dẫn đến phá vỡ phương án tài chính chưa được giải quyết.

Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu nhiều giải pháp (tăng phí dịch vụ, kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn, di dời trạm về vị trí phù hợp,...) nhưng đều không khả thi, không bảo đảm hiệu quả tài chính; để xử lý vướng mắc, bất cập tại các dự án này cần phải bố trí ngân sách nhà nước (13.115 tỷ đồng) nên vượt thẩm quyền của Bộ GTVT.

Tin liên quan
Tin khác