Sáng 24/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).
Cùng dự buổi lễ có Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Đến hết năm 2019, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ (VPCP) chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng hệ thống e-Cabinet, ngày 27/2/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã có Quyết định số 168/QĐ-VPCP phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ với mục tiêu đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ tiên tiến của thế giới, hướng tới Chính phủ không giấy tờ.
Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ, các khách mời thực hiện nghi thức khai trương e-Cabinet |
Sau hơn 3 tháng tích cực chuẩn bị, VPCP cùng các Bộ, ngành, cơ quan đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống e-Cabinet. e-Cabinet sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ khi đầy đủ các chức năng như: Cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các Thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên hop có thể tham gia ý kiến và biểu quyết, điện tử thông qua thiết bị di động.
e-Cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ; quản lý việc gửi Phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại SMS, gửi email thông báo đến các Thành viên Chính phủ, các thành phần dự họp Chính phủ, tự động cảnh báo, nhắc quá hạn cho Thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến…
Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet đã được xác định là giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước. E-cabinet cũng giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật).
e-Cabinet là bước thí điểm ban đầu quan trọng
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu của hệ thống là giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý công việc của mình.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, bao gồm học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước, vận động hệ thống các công ty công nghệ, các cơ quan có liên quan vào việc giúp cho Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử.
Ghi nhận nỗ lực của VPCP và các bộ, cơ quan liên quan, Thủ tướng cho rằng “không phải chúng ta đã hoàn thiện mà đây chỉ là bước thí điểm ban đầu quan trọng”. E-Cabinet là một phương thức làm việc mới của chúng ta, nhưng trên thế giới ở rất nhiều quốc gia đã phát triển hệ thống này từ lâu và rất thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử. Chúng ta phải rút ra kinh nghiệm thành công và không thành công từ các chính phủ để làm tốt hơn việc sử dụng hệ thống e-Cabinet tại Việt Nam.
Thủ tướng phát biểu tại lễ khai trương hệ thống e-Cabinet |
“Chuyển sang một phương thức làm việc mới thì bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn, những gì chúng ta đã làm quen bấy lâu rồi giờ thay đổi sẽ mất thời gian để làm quen và cần phải cập nhật, đào tạo lại”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, chúng ta phải quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử bởi đó là xu thế tất yếu, không ngoại trừ quốc gia nào. Chúng ta muốn xây dựng thành công nền kinh tế số và xã hội số thì trước tiên chúng ta phải có Chính phủ số mà khởi đầu là e-Cabinet ngày hôm nay khai trương. Lợi ích của e-Cabinet không chỉ dừng lại ở tiết kiệm thời gian họp hành mà là yêu cầu nội dung công việc phải được chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng và thời hạn để các thành viên tham dự có thể nghiên cứu trước và cho ý kiến.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị cần có khung cơ sở pháp lý để e-Cabinet hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề chính ở đây là quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, xác thực điện tử, chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính của Chính phủ, của Nhà nước. Củng cố hạ tầng thông tin, bảo đảm sự thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chống tin tặc, an ninh mạng và các hình thức phá hoại về thông tin.
Phát triển hệ thống phần mềm phù hợp với nội dung hoạt động, điều kiện, đặc điểm của Chính phủ Việt Nam, cần có e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam. Không áp dụng máy móc mô hình của nước ngoài.
Thủ tướng nêu rõ, các thành viên Chính phủ cần quán triệt tinh thần tiên phong, quyết liệt nhập cuộc, đổi mới mạnh mẽ, nắm vững các thao tác để sử dụng thành thạo hệ thống này. Việc vận hành tích cực, có hiệu quả hệ thống này sẽ giúp cho Chính phủ sớm đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian các phiên họp Chính phủ, đồng thời giảm tối đa sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu VPCP tiếp thu, hoàn chỉnh hệ thống trong thời gian tới, đặc biệt lưu ý phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh mạng, an ninh hệ thống, không để xảy ra sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu.
VPCP phối hợp với các bộ, ngành rà soát, kiến nghị sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan phù hợp với phương thức làm việc trên môi trường điện tử, trên không gian mạng.
Đồng thời với hệ thống e-Cabinet, cần ưu tiên tập trung rà soát, nâng cấp, hoàn chỉnh phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong nội bộ hiện nay. Thủ tướng cho biết, có ý kiến phản ánh phần mềm hiện nay còn bất cập.
Sau thời gian sử dụng thử nghiệm hệ thống e-Cabinet, Thủ tướng yêu cầu tiến hành đánh giá toàn diện hệ thống, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Các bộ, các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu áp dụng mạnh mẽ hơn hệ thống công nghệ thông tin phổ cập hiện nay để hạn chế tối đa sự chậm trễ, hạn chế sự tiếp xúc giữa các cá nhân, cơ quan đơn vị với người, đơn vị giải quyết công việc, đẩy mạnh thanh toán điện tử, xây dựng ngay cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, là những việc tiếp tục triển khai trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống e-Cabinet
Ngay sau khi Hệ thống e-Cabinet chính thức khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua Hệ thống này, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.
Phiên họp có mặt 21/27 thành viên Chính phủ, vắng 6 đồng chí. Các thành viên Chính phủ vắng mặt có thể theo dõi phiên họp và thực hiện biểu quyết qua thiết bị di động.
Thủ tướng chủ trì phiên họp trực tuyến đầu tiên qua e-Cabinet |
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, nội dung dự thảo đã qua quá trình chuẩn bị, Bộ chủ trì đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan, đã có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đủ điều kiện lấy ý kiến thành viên Chính phủ. “Bộ chủ trì không phải trình bày lại. Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt nội dung cần lấy ý kiến trước khi các thành viên Chính phủ biểu quyết”, Thủ tướng nói.
Báo cáo với Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì trình Chính phủ. Mục tiêu xây dựng chính sách là tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, cung cấp và sử dụng định danh điện tử và dịch vụ xác thực điện tử, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.
Có 2 nhóm chính sách chính: Quy định hình thức định danh và xác thực điện tử, để tạo hành lang pháp lý cho các hình thức định danh và xác thực điện tử; quy định việc cung cấp, sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng các công nghệ phù hợp, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đồng thời, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm khi sử dụng định danh điện tử, dịch vụ xác thực điện tử.
Trong quá trình xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xin ý kiến của 29 bộ, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố; xin ý kiến rộng rãi của người dân trên Cổng thông tin điện tử. Đã lấy ý kiến thẩm định, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Như vậy đã đủ các điều kiện để xin ý kiến thành viên Chính phủ. Toàn bộ hồ sơ tài liệu đã được gửi trước đến các thành viên Chính phủ qua Hệ thống e-Cabinet. “Các thành viên Chính phủ đã tham gia ý kiến, thể hiện sự đồng thuận cao và đến nay không còn ý kiến khác nhau. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều hành phần biểu quyết để thông qua dự thảo Nghị quyết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng báo cáo.
Các thành viên Chính phủ đã biểu quyết thông qua hệ thống e-Cabinet với kết quả 25 thành viên tán thành (trong đó 21 người dự biểu quyết tại chỗ, 4 người biểu quyết qua mạng). Sau đó, Thủ tướng đề nghị VPCP làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết này và đã sử dụng thiết bị di động nhấn nút ký để ban hành Nghị quyết.