Tài chính - Chứng khoán
Chính phủ trình phương án tăng lương, cơ quan của Quốc hội nhất trí
Nguyễn Lê - 20/10/2022 16:20
Năm 2023, Chính phú dự tính chi thêm khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo (Ảnh Duy Linh).

Tiếp tục kỳ họp thứ tư, chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025.

Bộ trưởng cho biết 3 nguyên tắc bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước năm sau.

Thứ nhất, đảm bảo đủ kinh phí thực hiện Chương trình phục hồi theo Nghị quyết của Quốc hội; đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN cho các nhiệm vụ đầu tư công theo luật đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo Luật NSNN; chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn.

Thứ hai, xác định lại tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia, áp dụng cho cả thời kỳ ổn định ngân sách và số bổ sung cân đối cho từng địa phương năm 2023.

Thứ ba, bố trí kinh phí tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội đang gắn với tiền lương cơ sở; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở; điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt; các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí hợp lý dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Theo đó, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ đồng (+16,3%) so với dự toán năm 2022 .

Cụ thể, nhu cầu tăng chi NSNN năm 2023 so với dự toán NSNN năm 2022 khoảng 338 - 340 nghìn tỷ đồng, gồm: tăng chi các nhiệm vụ đầu tư phát triển của NSTW (khoảng 161 nghìn tỷ đồng) bao gồm cả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác.

Tăng chi cân đối ngân sách địa phương đảm bảo các chính sách, chế độ theo quy định (khoảng 73 nghìn tỷ đồng). Thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở (khoảng 60 nghìn tỷ đồng).

Tăng chi thường xuyên thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (khoảng 14-15 nghìn tỷ đồng và tăng chi thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bố trí dự phòng NSNN hợp lý trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường và một số nhiệm vụ cấp thiết khác.

Về dự toán chi cải cách tiền lương, lương hưu và điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở, Bộ trưởng thông tin, cùng với việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và ngân sách địa phương, dự kiến bố trí dự toán là 12,5 nghìn tỷ đồng để đảm bảo nguồn thực hiện.

Bộ trưởng giải thích, đến hết năm 2021, nguồn tích lũy từ tăng thu của NSTW đã dành ra khoảng 43 nghìn tỷ đồng, nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng 292 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, nguồn của các địa phương điều tiết khoảng 248 nghìn tỷ đồng; riêng Hà Nội khoảng 58,5 nghìn tỷ đồng và TP.HCM khoảng 93 nghìn tỷ đồng). Đối với nhu cầu kinh phí tăng thêm để điều chỉnh lương cơ sở năm 2023, dự kiến chỉ sử dụng một phần từ nguồn tích lũy của NSTW (và bố trí một phần từ cân đối NSTW theo phương án báo cáo để đảm bảo), nguồn tích lũy của NSTW còn lại tiếp tục dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 trong các năm tiếp theo.

Tóm lại, Bộ trưởng trình Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023. Từ ngày 01/07/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo khoảng 12,5% (cùng với mức điều chỉnh tăng 7,4% đã thực hiện năm 2022 thì cơ bản tương đương mức tăng lương cơ sở) và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Để thu hẹp dần khoảng cách tiền lương của cán bộ, công chức các đơn vị này so với các cơ quan nhà nước khác, thuận lợi khi triển khai thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, năm 2023 giữ nguyên mức lương hiện hưởng như năm 2022 đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (tính theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng), Bộ trưởng cho biết.

Thẩm tra nội dung Chínhh phủ trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, để chuẩn bị kỹ lưỡng, giảm áp lực tăng chi ngân sách và tập trung nguồn lực cho hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội, Uỷ ban nhất trí lùi thời gian cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang như Nghị quyết 27/2018.

Về dự toán ngân sách 2023, cơ quan thẩm tra nhất trí việc tăng lương với phương án Chính phủ trình, đồng thời giữ nguyên mức lương hiện hữu năm 2022 với các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tài chính đặc thù.

Theo ông Cường, lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 tới nay, nếu giữ mức như hiện nay (1,49 triệu đồng một tháng) sẽ ảnh hưởng tới đời sống một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước. Một số đối tượng người nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề với cán bộ y tế, y tế dự phòng hiên thấp, nên điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp.

Tin liên quan
Tin khác