Ngân hàng - Bảo hiểm
Chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong dòng chảy của nền kinh tế Mỹ
Đặng Huyền - 19/08/2019 18:30
Bất cứ động thái nào của Fed trong việc tăng hay giảm lãi suất cũng có tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Trụ sở Fed ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với vai trò giám sát kinh tế Mỹ, những chính sách mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay còn được biết đến là Ngân hàng Trung ương Mỹ có vai trò quan trọng trong việc điều tiết chính sách tiền tệ của Mỹ, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới này ổn định và phát triển.

Trong những năm qua, Fed đã phát huy tốt vai trò của mình nhằm củng cố nền kinh tế Mỹ trước những rủi ro thông qua việc ổn định giá cả và điều chỉnh lãi suất dài hạn.

Chính vì vậy, bất cứ động thái nào của Fed trong việc tăng hay giảm lãi suất cũng có tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Quyết đoán trong chính sách

Sau cuộc đại suy thoái năm 2008, Fed đã cắt giảm lãi suất cho vay xuống mức 0% với nỗ lực vực dậy nền kinh tế nước Mỹ. Trong một vài năm sau, Mỹ vẫn cố gắng duy trì lãi suất thấp đối với một số khoản vay doanh nghiệp và thế chấp mua ôtô.

Tuy nhiên, bốn năm trước, Fed bắt đầu tăng lãi suất dần dần để đưa chúng trở lại mức bình thường hơn. Điều đó sẽ giúp Fed có thêm cơ hội cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, chẳng hạn như thời điểm hiện tại, hoặc khi kinh tế rơi vào suy thoái.

Fed cũng tăng lãi suất khi lạm phát trở nên quá cao hoặc không ổn định và năm 2018 là một ví dụ.

Với những dấu hiệu khả quan, như nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, thị trường việc làm tiếp tục cải thiện, Fed đã quyết định tăng lãi suất 4 lần liên tiếp nhằm giảm đà kích thích kinh tế của chính sách tiền tệ bởi theo các nhà hoạch định chính sách của Fed, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn mức được xem là bền vững.

Là một trong số ít các ngân hàng Trung ương trên thế giới không chịu bất cứ sự kiểm soát hay quyết định nào từ Chính phủ nên các quyết sách được Fed đưa ra không phục vụ bất kỳ nhóm lợi ích nào mà chỉ phục vụ lợi ích của người dân và các lợi ích công cộng.

Việc Fed tăng hay giảm lãi suất được điều chỉnh phù hợp với thực trạng của nền kinh tế Mỹ. Đồng thời đảm bảo việc tăng lãi suất không diễn ra quá nhanh làm kìm hãm tăng trưởng quá mức cần thiết, hoặc quá chậm khiến nền kinh tế phát triển quá "nóng" kéo theo nguy cơ lạm phát, giá cả tăng cao. 

Điều này lý giải tại sao dù phải đối mặt những chỉ trích gay gắt từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người nhiều lần cáo buộc Fed nâng lãi suất gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, hay những lo ngại của giới chuyên gia về nguy cơ nền kinh tế sẽ rơi vào thời kỳ khó khăn trong năm 2019 khi tác động của "cú hích" tài chính từ chính sách chi tiêu và gói cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD của Chính phủ giảm dần và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, Fed vẫn quyết tâm giữ vững sự độc lập trong việc hoạch định chính sách tiền tệ và vẫn tăng lãi suất liên tiếp trong năm 2018.

Thậm chí, Fed còn dự kiến sẽ có thêm hai lần nâng lãi suất trong năm 2019 khi cho rằng kinh tế Mỹ tiếp tục vận hành tốt và không còn cần đến sự hỗ trợ của Fed thông qua việc nới lỏng chính sách.

Thay đổi để "bắt nhịp" với nền kinh tế

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay với những biến động mạnh của thị trường cũng như cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có hồi kết, bước sang năm 2019  Fed đã thay đổi đáng kể lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ đã được thực hiện trong suốt 5 năm qua, từ liên tục tăng lãi suất sang giữ nguyên lãi suất và cắt giảm lãi suất.

Trong quý 1/2019, Fed đã giữ quan điểm thận trọng hơn giữa những dấu hiệu về sự giảm tốc của kinh tế Mỹ và quyết định ngừng tăng lãi suất của Fed nhằm bảo vệ và hỗ trợ tích cực nền kinh tế Mỹ trước những bất ổn kinh tế gia tăng từ cuộc xung đột thương mại, giảm áp lực dòng chảy rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như năm 2018.

Mục tiêu của Fed là duy trì lạm phát ở mức 2% lâu nhất để thúc đẩy một nền kinh tế mạnh mẽ, tạo thêm việc làm và nâng cao mức sống cho người Mỹ.

Bước sang quý 2/2019, báo cáo thường kỳ của Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ tạo thêm 75.000 việc làm mới trong tháng 5/2019, ít hơn nhiều so với mức dự báo 185.000 việc làm mới mà giới phân tích đưa ra trước đó - một dấu hiệu cho thấy hoạt động trong nền kinh tế Mỹ đang mất đà.

Thêm vào đó, các số liệu khác của kinh tế Mỹ như doanh thu bán lẻ, sản lượng ngành chế biến-chế tạo và chi mua sắm của các hộ gia đình... đều cho thấy sự yếu đi.

Trước tình hình đó, Fed đã đưa ra hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế như tuyên bố trước đó là cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 10 năm với mức 0,25 điểm phần trăm, tương đương với mức tăng lãi suất mỗi lần của Fed trong chuỗi 9 lần nâng lãi suất từ năm 2015 đến năm 2018.

Theo Fed, việc cắt giảm lãi suất là cần thiết để duy trì chuỗi tăng trưởng kinh tế kéo dài kỷ lục của nước Mỹ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại và là động thái đi trước nhằm chống lại bất cứ cú sụt giảm tiềm năng nào trong tương lai.

Trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullar, cho rằng lãi suất của Mỹ hiện đang ở "ngưỡng hợp lý" và tỏ ra không mấy kỳ vọng về một đợt cắt giảm khác sớm hơn, bất chấp áp lực liên tiếp từ Tổng thống Trump về vấn đề này.

Theo ông Bullard, sau khi giảm lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ qua hồi tháng trước, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã “góp chút sức lực” để giúp kinh tế Mỹ đối phó với những yếu tố bất ổn xung quanh các cuộc chiến thương mại. Giờ đây, Fed sẽ theo dõi cách nền kinh tế phản ứng như thế nào trước khi quyết định động thái tiếp theo.

Theo giới phân tích, nếu kinh tế Mỹ giảm tốc do ảnh hưởng từ việc áp đặt, trả đũa thuế quan từ các đối thủ thương mại của Mỹ, chắc chắn Fed sẽ cân nhắc tiếp tục nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất, không chỉ một mà thậm chí là hai lần trong năm 2019. Vấn đề ở chỗ ngưỡng nào sẽ kích hoạt lần cắt giảm lãi suất tiếp theo của Fed.

Với việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự đoán lãi suất liên bang sẽ ổn định cho tới cuối năm 2019. Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, đợt cắt giảm lãi suất trong tháng Bảy vừa qua không phải điểm bắt đầu một chu kỳ giảm lãi suất mới.

Dù Fed có quyết định tăng hay giữ nguyên lãi suất, những thông điệp dự báo nhất quán dựa trên các chỉ báo kinh tế được cập nhật có hệ thống, thường xuyên cũng đã giúp thị trường Mỹ chuẩn bị tốt trước mọi hoàn cảnh.

Tin liên quan
Tin khác