Doanh nghiệp
Chính sách đã có, nhưng doanh nghiệp khó hưởng
Khánh An - 13/12/2020 10:14
Doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ, nhưng phải đúng lúc, đúng người, đúng việc. Tư duy thiết kế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang được khuyến nghị thay đổi.
Hầu hết doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh: Đ.T

Vẫn còn nhiều… giá như

“Điều nuối tiếc nhất của tôi lúc này vẫn là khoảng cách giữa chính sách và thực thi”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói khi nhìn vào tỷ lệ 72% doanh nghiệp tư nhân bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp FDI là 69%. Trung bình, mức doanh thu sụt giảm ở khu vực doanh nghiệp dân doanh là 36%, khu vực doanh nghiệp FDI là 34%.

Trong nghiên cứu của VCCI về đánh giá tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam (sắp công bố), Việt Nam là một trong những quốc gia sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khá đồng bộ, bao trùm, với nhiều giải pháp.

Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 3 đến nay, đã có 95 văn bản được ban hành liên quan đến các chính sách hỗ trợ trên, trong đó có 46 văn bản cấp trung ương, 49 văn bản cấp địa phương. Tổng số tiền được quy đổi từ các gói giải pháp cũng không hề nhỏ, điển hình như gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16.000 tỷ đồng…

Thế nhưng, số doanh nghiệp tiếp cận và nhận hưởng thụ lại thấp, chỉ khoảng 20%. Tỷ lệ khá tương đồng nếu nhìn vào các khảo sát tương tự, do Đại học Kinh tế quốc dân hay Viện Kinh tế Việt Nam mới công bố.

“Phương hướng chính sách hợp lý, ban hành kịp thời, thiết kế còn chưa thể khớp ngay với yêu cầu doanh nghiệp, nhưng nếu việc thực thi các chính sách hỗ trợ được đặt ngay vào thế chống dịch như chống giặc, thì doanh nghiệp sẽ đỡ khó khăn hơn nhiều. Đây cũng là một phần khuyến nghị của VCCI với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Lộc lý giải.

Có thể thấy rõ điều này khi phân tích kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo từng giai đoạn. Ví dụ rõ nhất là, đầu tháng 10/2020, chưa có doanh nghiệp nào vay trả lương từ gói 16.000 tỷ đồng, nhưng đến ngày 27/11/2020, đã có 75 doanh nghiệp tiến hành giải ngân.

Rõ ràng, tốc độ giải ngân được cải thiện rõ rệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 154/2020/NQ-CP ngày 19/10/2020 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Vấn đề là, việc sửa đổi này chậm. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam ghi nhận, việc sửa đổi các điều kiện tiếp cận theo hướng thực tế, giảm bớt các thủ tục hành chính máy móc, không cần thiết... “Nhưng doanh nghiệp đã kiến nghị sửa đổi từ tháng 5, tháng 6/2020, nếu được nghiên cứu, tiếp nhận ngay, thì kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Cẩm thẳng thắn.

Cập nhật tư duy hỗ trợ

Cho tới thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ. Tác động của Covid-19 vẫn chưa tính đếm hết. Tuy nhiên, các khuyến nghị kéo dài, làm rõ điều kiện tiếp cận chính sách hỗ trợ hiện hành mà nhiều doanh nghiệp đang đề cập không thể đủ.

Trong khảo sát của VCCI theo nhóm doanh nghiệp, thì dù mới hoạt động dưới 5 năm hay có thời gian trên 20 năm, tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động tiêu cực từ Covid-19 đều trên 70%.

Nhưng cũng không ít doanh nghiệp ghi nhận tác động tích cực, dù không nhiều. Khảo sát của VCCI cho thấy, 5% doanh nghiệp ghi nhận mức tăng doanh thu năm 2020 so với năm ngoái. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp FDI là 7%.

Trong khảo sát của Viện Kinh tế Việt Nam, công bố đầu tháng này, các ngành hưởng lợi được chỉ ra khá rõ. Đó là dịch vụ games, app giải trí, phần mềm, telehealth (chữa bệnh từ xa), phần mềm giáo dục, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, bảo hiểm nhân thọ.

“Tác động của dịch bệnh tới các ngành có sự khác biệt rất lớn, nên cần thiết kế chính sách hỗ trợ phù hợp với doanh nghiệp từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, để vừa đảm bảo khả năng tiếp cận của các đối tượng được hỗ trợ, vừa tránh hiện tượng trục lợi”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) chia sẻ quan điểm.

Như vậy, VCCI cho rằng cần lưu tâm đến việc thiết kế giải pháp, trong đó đảm bảo yêu cầu phân loại doanh nghiệp, mục tiêu hỗ trợ, để giúp doanh nghiệp vượt lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu, thay vì giải cứu, duy trì. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cũng cần được nghiên cứu.

“Khi đã xác định rõ mục tiêu, cần công khai điều kiện, quy trình để đảm bảo cho doanh nghiệp, cơ quan thực thi hiểu rõ để thực hiện được ngay”, ông Tuấn nói.

Ở một góc độ khác, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, giải pháp cắt giảm chi phí, cắt giảm rào cản kinh doanh để doanh nghiệp dễ dàng tận dụng cơ hội vẫn nên coi là ưu tiên.

“Chỉ cần kinh doanh dễ dàng hơn, doanh nghiệp đang khó cũng sẵn sàng chuyển đổi để làm mới, doanh nghiệp đang hưởng lợi cũng sẵn sàng đầu tư thêm để mở rộng. Tư duy hỗ trợ doanh nghiệp cần theo hướng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ít mất sức nhất khi xoay xở theo các tín hiệu thị trường”, ông Bá đề xuất.

Tin liên quan
Tin khác