"Chưa bao giờ lại có chính sách thành công như vậy"
Là chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI – cho rằng, chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2011-2015 là một “thành công căn bản” và chưa bao giờ Việt Nam có một chính sách thành công như vậy.
Nhìn lại thời điểm hai năm 2011 - 2012, trong bối cảnh lạm phát đang ở mức rất cao, khoảng 20%, lãi suất cho vay lên tới 26%, lãi suất liên NH có thời điểm lên tới 35%, hệ thống ngân hàng rơi vào nguy cơ mất thanh khoản, TS. Nghĩa cho rằng: "Đây là thời kỳ các NHTM đua nhau tăng lãi suất, doanh nghiệp và người dân hằng ngày chỉ lo đi rút tiền gửi từ NH này chuyển sang NH khác. Lãi suất ngắn hạn lại cao hơn lãi suất dài hạn, khiến cho đường cong chuẩn về lãi suất của hệ thống NH thương mại sụp đổ tan tành. Hầu hết các NHTM đều rơi vào tình trạng vô kỷ luật khi lao vào cuộc chạy đua lãi suất”.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã khẩn trương và quyết liệt đưa ra chương trình tái cấu trúc. Cho đến nay, NHNN cũng đã xử lý dứt điểm 11 ngân hàng yếu kém, trong đó có 3 NH mua lại với giá 0 đồng, xử lý khoảng 10 chi nhánh NH nước ngoài hoạt động yếu kém trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời quyết liệt với tình trạng sở hữu chéo, cho vay “sân sau”, gây lũng đoạn hệ thống ngân hàng. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cũng đã xử lý được 450 nghìn tỉ đồng nợ xấu, trong đó 58% xử lý bằng dự phòng rủi ro và thu hồi nợ của các NH, 42% được xử lý qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
"Hành động của NHNN được áp dụng một cách nhuần nhuyễn, tránh được sự đổ vỡ của toàn hệ thống, phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là khoanh nợ lại sau đó bán dần, vừa bán vừa tạo lập thị trường", TS.Lê Xuân Nghĩa bình luận.
Đồng tình với nhận xét này, TS. Trương Văn Phước cho rằng, thành công lớn nhất giai đoạn 5 năm qua là đã xử lý tốt vấn đề thanh khoản. Thêm vào đó, lãi suất được đưa về đúng theo quan hệ cung cầu tiền tệ, dựa trên nhu cầu thực của nền kinh tế chứ không xuất phát từ tình trạng chạy đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, trật tự thị trường đã được khôi phục. Ngoài ra, kiềm chế lạm phát, giảm vàng hóa nền kinh tế và điều hành tỷ giá cũng là những thành công lớn của chính sách tiền tệ thời gian qua.
"NHNN đã thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát: lạm phát giảm mạnh từ 18,13% (năm 2011) xuống 6,81% (năm 2012); 6,04% (năm 2013) và xuống mức kỷ lục 1,84% (năm 2014), năm 2015 dự kiến vào khoảng 2%. Bên cạnh đó, CSTT đã điều hòa, kiểm soát cung tiền nhịp nhàng giúp tín dụng tăng ổn định và vững chắc hơn so với giai đoạn tăng trưởng nóng 2006 – 2010", ông Phước bình luận.
Theo chuyên gia này, chính sách tiền tệ trong 5 năm qua đã giúp kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, cung tiền và giữ xu hướng tăng qua các năm.
Cụ thể hơn, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng đưa ra 10 thành công của chính sách tiền tệ thời gian qua. Thứ nhất, góp phần kiềm chế lạm phát ổn định. Thứ hai, loại bỏ được nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Thứ ba, bình ổn thị trường vàng. Thứ tư, ổn định tỷ giá. Thứ năm, tăng dự trữ ngoại tệ. Thứ sáu, hoàn thiện khung pháp lý cho tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, tạo nền móng cho thị trường mua bán nợ. Thứ bảy, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém bằng các giải pháp mạnh. Thứ tám, thể chế hóa khung chính sách quản trị ngân hàng thương mại theo Basel II và bước đầu xử lý sở hữu chéo. Thứ chín, xử lý nợ xấu về đích 3%. Thứ mười, có nhiều cải tiến trong điều hành chính sách và chương trình tín dụng với nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ hay không bằng hên?
Không thể phủ nhận những thành công vô cùng lớn mà chính sách tiền tệ đã mang lại thời gian qua. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ thời gian qua gặp "hên" chứ không phải "hay". Cụ thể, trong bối cảnh giá dầu rớt mạnh, lạm phát thế giới giảm sâu, dù chính sách tiền tệ không thiệp, lạm phát tại Việt Nam cũng sẽ đi xuống.
“Có nhiều ý kiến nói rằng, chính sách tiền tệ hay không bằng hên. Hên ở chỗ, thời gian qua, giá năng lượng và giá nông sản thế giới xuống thấp, phản ánh sức cầu của nền kinh tế thế giới giảm. Thế nhưng, nói như vậy là đúng nhưng không đủ. Nếu không có sự nỗ lực, chủ động của NHNN, chắc chắn lạm phát sẽ không thể thấp như hiện nay”, TS. Trương Văn Phước nói.
Minh chứng cho sự “hay” mà chứ không phải do “hên”, TS. Phước đưa ra nhiều dẫn chứng.
Thứ nhất, trước đây, tỷ giá biến động mạnh khiến nền kinh tế chao đảo, lạm phát tăng vọt. Thế nhưng, những năm qua, hầu như NHNN đã loại trừ được sự truyền dẫn của tỷ giá vào lạm phát. Đó là thành công thứ nhất của chính sách tiền tệ.
Thứ hai,NHNN đã đưa hệ thống TCTD đi vào trật tự, đây là điều không hề đơn giản. Nếu tình trạng hỗn loạn như trước tiếp diễn, các ngân hàng sẽ lao vào chạy đua lãi suất mà không thể giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Giải quyết được vấn đề “chết người” là thanh khoản, bắt tay vào xử lý sở hữu chéo, là thành công đáng ghi nhận thứ hai của chính sách tiền tệ.
Thứ ba, chính sách tiền tệ, cụ thể là tăng trưởng tín dụng đã phục hồi một cách ngoạn mục. Nếu không sắp xếp lại các tổ chức tín dụng, không kiểm soát chặt tín dụng, tiếp tục để các tổ chức tín dụng mang hàng nghìn tỷ đồng mua cổ phần, cổ phiếu thì chắc chắn, tín dụng sẽ không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế như hiện nay.
Thứ tư, 5 năm qua, chính sách tiền tệ đã tháo được “kíp nổ vàng” – việc mà nhiều đời Thống đốc không dám làm, đã loại bỏ được vàng ra khỏi nền kinh tế.
Với những lý do đó, TS. Phước cho rằng, cần nhìn nhận một cách lịch sử, khách quan và nghiêm khắc về chính sách tiền tệ thời gian qua. Trên thực tế, chính sách tiền tệ đã phải "gánh" rất nhiều phần việc cho chính sách tài khóa, bởi thời gian qua, nhu cầu vốn trung, dài hạn vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, trong khi đáng lẽ, đây là trách nhiệm của thị trường vốn.