Ông dự báo thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm tới?
Qua khảo sát về chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam tháng 11 vừa qua có thể thấy, niềm tin của người tiêu dùng vào lĩnh vực tài chính trong vòng 12 tháng tới đã tăng đáng kể, lên mức 63%. Đây là tỷ lệ cao nhất cho tiêu chí này kể từ đầu năm 2014 đến nay.
Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ |
Tôi tin rằng, động lực chính đang ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng ở Việt Nam là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại cũng như việc giá nhiên liệu giảm. Thực tế này cho thấy, hiệu quả của chính sách nhà nước trong việc hỗ trợ đẩy mạnh nền kinh tế Việt Nam.
Điều này lý giải vì sao chúng tôi tự tin cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ tiếp tục trong tương lai. Việc giảm giá xăng dầu đã tăng kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế trong tương lai.
Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tăng, song liệu sức mua của thị trường có được cải thiện và điều đó sẽ tác động thế nào đến tổng cầu của nền kinh tế, thưa ông?
Mọi người đều biết, tiêu dùng tư nhân và tiêu dùng của Chính phủ chiếm tới 70% mức tăng trưởng GDP của một đất nước. Vì thế, việc người dân và Chính phủ chi tiêu nhiều hơn sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam lâu nay chủ yếu vẫn nhờ vào các yếu tố bên ngoài, do cầu bên ngoài tăng mà kinh tế hồi phục. Điều đó cũng tốt, nhưng nếu để sự hồi phục kinh tế của Việt Nam trở nên bền vững hơn, thì lòng tin và mức chi tiêu của người dân trong nước cần phải tăng hơn.
Theo ông, CPI liên tục giảm thời gian qua là đáng mừng hay lo?
CPI ở Việt Nam thời gian qua giảm, nhưng điều đó cũng bình thường và không có gì đáng lo. Tuy nhiên, CPI của Việt Nam giảm trong thời gian qua chủ yếu là do giá dầu thế giới giảm, vì dầu là một trong những hàng hóa chủ lực trong giỏ hàng hóa tính CPI.
Do đó, theo tôi, có khả năng CPI năm 2015 của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1,5-2%. Vì thế, để ngăn chặn việc CPI thấp hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng cần theo dõi sát biến động CPI để kịp thời hành động ngay. Thứ nhất, có thể nới lỏng lãi suất. Thứ hai là điều chỉnh tỷ giá USD/VND.
ANZ nhận thấy có rủi ro khi NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trước tình hình CPI giảm. Vậy theo ông, chính sách tiền tệ năm 2015 của Việt Nam nên theo hướng nào?
Chúng tôi nhìn thấy có rủi ro khi NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu CPI tiếp tục thấp và tăng trưởng tín dụng thấp. NHNN đang nới lỏng tín dụng để doanh nghiệp có thể dễ dàng vay vốn và giải quyết bài toán thanh khoản, song do sức mua thị trường còn yếu, nên chưa thể khơi dòng tín dụng.
Việc CPI tiếp tục giảm sẽ tạo dư địa cắt giảm lãi suất, nhưng lãi suất tiền gửi vẫn phải duy trì ở mức thực dương. Những động thái điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua khá ổn và trước mắt, NHNN cũng chưa cần có động thái gì mới. Song nếu nhìn vào tương lai dài hạn hơn, trong vòng 6 tháng tới, NHNN cũng cần theo dõi sát các động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Bởi nếu FED tăng trở lại lãi suất cơ bản của USD, thì VND cũng sẽ tăng giá và NHNN cũng nên xem xét để có điều chỉnh linh hoạt hơn.
Có nghĩa, VND sẽ chịu sức ép giảm giá khi FED điều chỉnh tăng trở lại lãi suất cơ bản của USD?
Lạm phát của Mỹ và Việt Nam khác nhau, vì thế, khi FED tăng trở lại lãi suất cơ bản của USD, thì tỷ giá USD/VND cũng sẽ thay đổi vào năm sau (sớm nhất có thể xảy ra vào tháng 3/2015) theo hướng VND giảm giá. Thực tế cho thấy, đồng USD đang tăng giá so với nhiều đồng tiền khác, trong đó có VND. Nguyên nhân của việc tăng giá là do lạm phát và lãi suất của Mỹ. Tuy nhiên, hiện VND và một số đồng tiền khác trên thế giới đang được kiểm soát khá tốt.
Trong thời gian qua, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá có kiểm soát và chúng tôi cho rằng, điều này sẽ được duy trì trong năm tới, nhưng khả năng biên độ tăng có thể cao hơn chút đỉnh lên 3%, thay vì tối đa 2% như năm nay. Chính phủ Việt Nam xác định ưu tiên rõ ràng là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm cả ổn định tỷ giá.
Thùy Vinh