- Tạo động lực phát triển bứt phá từ Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội
- Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP.HCM
- Bắt đầu thẩm định Dự án PPP vành đai 4 vùng Thủ đô trị giá 94.127 tỷ đồng
- Giãn tiến độ đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội 1 năm
Bình đồ hướng tuyến Vành đai 3 TP.HCM |
Những dự án để đời
“Chúng tôi rất ấn tượng với những ý kiến tâm huyết và có chiều sâu của các đại biểu Quốc hội tham gia 2 phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Đây là những thông tin hữu ích để chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục cập nhật, bổ sung tại các bước nghiên cứu tiếp theo”, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án đánh giá.
Cũng như phiên thảo luận tại tổ hôm 6/6, tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại Hội trường cuối tuần trước đều bày tỏ sự đồng thuận rất cao về thời điểm “chín muồi” để đóng mạch 2 tuyến vành đai tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Đây là những công trình được đánh giá là vượt khỏi khuôn khổ một vài nhiệm kỳ để trở thành những công trình “để đời”, có giá trị cả trăm năm.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội), việc hình thành các tuyến vành đai này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, mà sẽ tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khác với các tuyến đường cao tốc xuyên tâm, 2 tuyến đường vành đai này có tính chất liên vùng rất cao, sử dụng rất nhiều nguồn lực của các địa phương và hứa hẹn trở thành những động lực tăng trưởng của toàn vùng.
“Chúng ta không có lý do gì mà phải tiếp tục trì hoãn việc triển khai 2 dự án. Tôi chắc chắn rằng, các đại biểu Quốc hội khác cũng sẽ đồng tình cao trong việc đầu tư xây dựng 2 tuyến đường vành đai này”, đại biểu Hoàng Việt Cường khẳng định.
Cần phải nói thêm, khi đọc Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM hôm 6/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của 2 dự án. Đây là những công trình từng được lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2022, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực, nên chưa có điều kiện để triển khai.
“Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai 2 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 là hợp lý và cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về 2 dự án tại cuối phiên thảo luận tại Hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hai vấn đề lớn nhất hiện nay của Hà Nội và TP.HCM là tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Dẫn những “tấm gương tày liếp” của Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philippines), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo: nếu chúng ta không giải quyết tập trung, giải quyết nhanh, thì đây sẽ là trở lực cho phát triển của hai thành phố; càng chậm xử lý thì những hệ lụy đối với kinh tế - xã hội và chi phí xử lý sẽ càng lớn.
Về vai trò của 2 dự án đường vành đai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi bắt tay nghiên cứu, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu là phải đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng; mở rộng được không gian phát triển; nâng cao được sức cạnh tranh và nhất là phải biến những khoản đầu tư này thành một động lực phát triển.
“Quan trọng hơn, chúng ta đầu tư 2 tuyến vành đai không phải chỉ để hình thành những tuyến hành lang giao thông thuần túy, mà phải biến thành những hành lang kinh tế mà dựa vào đó chúng ta phải quy hoạch, phát triển theo quy hoạch và thu hồi các giá trị từ chênh lệch địa tô trên nguyên tắc một phần cho ngân sách nhà nước, một phần của nhà đầu tư và một phần của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.
Nguồn lực từ chênh lệch địa tô
Việc xử lý các khoản chênh lệch địa tô từ hai tuyến vành đai cũng là chủ đề nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đây là hai tuyến cao tốc vành đai, nên khi hình thành, chắc chắn sẽ tạo nên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại lớn. Điều này thể hiện rất rõ ở việc ngay khi có thông tin Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về các dự án, thì đất đai tại các khu vực có tuyến đường đi qua đã sôi động lên và tăng giá rất nhiều lần.
“Đây là một nguồn lực rất lớn, nếu chúng ta không có biện pháp khai thác, thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí, trong khi Nhà nước bỏ một lượng lớn kinh phí để đầu tư hạ tầng, nhưng phần lớn lợi ích từ chênh lệch địa tô lại rơi vào một bộ phận nhỏ cá nhân đầu tư đất”, đại biểu Hoàng Văn Cường lo ngại.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, đã đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, mà đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công. Lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này, nên mất đi một nguồn lực quan trọng, đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.
Vì vậy, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị, Chính phủ cần phải song hành việc triển khai dự án với việc xây dựng các dự án liên kết khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp và cả những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô, thu về cho ngân sách, bù đắp cho chi phí làm đường.
“Đầu tư công không có nghĩa là đầu tư miễn phí, mà cần phải khai thác để thu về địa tô chênh lệch cho Nhà nước để tăng nguồn thu cho ngân sách”, đại biểu Lê Thanh Vân khuyến nghị.
Liên quan đến cơ chế triển khai 2 dự án vành đai, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị, cần quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm đầu mối của TP. Hà Nội, TP.HCM, đặc biệt là cơ chế phối hợp tham gia của các địa phương và các cơ quan liên quan đối với phân chia các dự án thành phần, cần có quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm quản lý, điều phối chung dự án, xây dựng quy chế quản lý tổng thể dự án.
Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp), thời điểm triển khai 2 dự án vành đai (2022 - 2026) cũng là lúc đang triển khai đồng bộ nhiều dự án trọng điểm khác. Do vậy, sẽ cần một nguồn lực rất lớn về nhu cầu nguyên liệu, nhà thầu, máy móc, thiết bị, tác động nhất định đến đảm bảo chất lượng, tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2026. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn; sự cân đối và hiệu quả trong phân bố nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực; khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu.
Làm rõ ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về phương thức đầu tư của 2 dự án đường vành đai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chủ trương nhất quán trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của cả xã hội cùng Nhà nước đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta có thu hút được các nhà đầu tư hay không.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tại Dự án Vành đai 4 TP.HCM, chúng ta đã thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm năng, trong khi tại Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, việc kêu gọi vốn đầu tư theo phương thức PPP vẫn là ẩn số. “Trong bối cảnh nhu cầu sớm đưa tuyến vành đai 3 TP.HCM là rất cấp bách, thì việc chuyển sang đầu tư công đối với công trình là hợp lý và cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Được biết, UBND TP. Hà Nội đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư rất tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án như: Tập đoàn Vingroup - CTCP (nhà đầu tư đề xuất dự án); Tập đoàn T&T; Tập đoàn Him Lam; Công ty cổ phần DIC... Các nhà đầu tư đều có cam kết mạnh mẽ đối với việc huy động vốn nhà đầu tư trên thị trường và khẳng định tính khả thi của dự án nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Đối với nhà đầu tư đang lập đề xuất Dự án đường Vành đai 4, theo Báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup đã được kiểm toán đến thời điểm ngày 30/6/2021, doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu lên tới 80.136 tỷ đồng, nợ dài hạn 65.663 tỷ đồng, tài sản dài hạn 123.310 tỷ đồng. Khả năng cân đối nguồn vốn dài hạn để đầu tư của Tập đoàn đến ngày 30/6/2021 là 22.489 tỷ đồng, lớn hơn mức vốn góp theo quy định. Như vậy, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp Dự án được bảo đảm.
“Tuy nhiên, năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được tiếp tục đánh giá cụ thể tại bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Về tổ chức thực hiện dự án, cho phép giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần thiết, cấp bách trong khoảng thời gian giữa các kỳ họp của Quốc hội; đồng thời cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.