Chuyển động thị trường
Chờ khung pháp lý cho đô thị thông minh
Tú Ân - 06/12/2022 09:37
Xây dựng đô thị thông minh đang được hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai, nhưng khung pháp lý vẫn chưa hoàn thiện.

Vừa làm, vừa chờ

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, đến năm 2050, 2/3 dân số toàn cầu và 64% dân số tại các nước châu Á sẽ sống ở đô thị, 80% GDP toàn cầu sẽ đến từ các đô thị và tiêu thụ đến 60% năng lượng trên toàn thế giới. Tốc độ tăng trưởng của thị trường thành phố thông minh toàn cầu là 22,4%, ước tính đạt tổng giá trị 2.800 tỷ USD vào năm 2027.

Ở Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị. Khu vực đô thị chiếm 70% GDP, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học - công nghệ, có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án/chương trình/kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh, 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị. Ngoài ra, còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh…

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh, nhưng cũng không ít thách thức. Trong những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ và lãnh đạo nhiều thành phố đã rất nỗ lực phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa tạo thuận lợi cho hợp tác công - tư, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư, đấu thầu và thuê dịch vụ CNTT. Thêm vào đó, hiện các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, chưa thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, hiện nay các địa phương vẫn chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp những dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, mà chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết vấn đề căn cơ của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường… Điều này dẫn tới hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân đô thị.

“Cần có tư duy về đô thị thông minh ngay từ khâu quy hoạch phát triển, coi đây là nhiệm vụ phải làm từ đầu. Trong đó, cơ quan trung ương tập trung ban hành chính sách tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, còn tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tham khảo kinh nghiệm các nước trong khu vực

Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… là những quốc gia có sự tương đồng nhất định về điều kiện phát triển thành phố thông minh, có thể gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh Việt Nam phiên bản 1.0. Dự kiến, năm 2023 sẽ nghiên cứu, ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 2.0.

TS. Smich Butcharoen, Giám đốc Phát triển dịch vụ 5G (Công ty Viễn thông quốc gia Thái Lan) cho biết, Chính phủ Thái Lan đã hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh do Ủy ban Quốc gia về Smart City phụ trách, bao gồm 4 tầng: tầm nhìn/kế hoạch quốc gia; khung chính sách; luật; văn bản hướng dẫn. Điều này đã tạo thuận lợi lớn cho các đô thị nhanh chóng giải quyết được thách thức và triển khai hiệu quả.

Dẫn kinh nghiệm của Hàn Quốc, TS. Baik Nam Cheol, Ban nghiên cứu giao thông đường bộ/Cụm nghiên cứu đô thị thông minh Hàn Quốc khuyến nghị: “Một số chính sách của Hàn Quốc mà Việt Nam có thể tham khảo như đẩy mạnh chuyển đổi số; đổi mới không gian với chiến lược tăng trưởng hiệu quả không gian lãnh thổ; trung lập carbon, trong đó cho phép địa phương và người dân cùng thực hiện với sự tham gia bền vững của các doanh nghiệp tư nhân; thương mại hóa phương tiện di chuyển, di động trong tương lai”.

Tại Việt Nam, một số địa phương triển khai đô thị thông minh đã đạt được hiệu quả bước đầu, điển hình như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Phước…

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ, để trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, kết nối đồng bộ với khu vực và thế giới, Đà Nẵng đã lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm hướng đến xây dựng thành phố thông minh một cách bền vững.

“Chúng tôi xác định, hạ tầng pháp lý là nền tảng quan trọng, làm động lực thúc đẩy. Đà Nẵng đã chủ động ban hành các chủ trương, chính sách và khung kiến trúc để định hướng phát triển thành phố thông minh”, ông Nam cho hay.

Ở góc độ doanh nghiệp triển khai giải pháp đô thị thông minh thành công cho nhiều địa phương, ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, bên cạnh nền tảng công nghệ, bài toán giải quyết nhu cầu của người dân, huy động các nguồn lực xã hội, thì các địa phương cần căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế, chủ động xây dựng và triển khai Đề án tổng thể xây dựng đô thị thông minh. Đặc biệt, phải bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, gắn liền với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, kế thừa và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội, các giá trị vật chất và phi vật chất đặc thù tại địa phương.

Tin liên quan
Tin khác