BIDV tiên phong bán vốn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận nguyên tắc cho Công ty Cho thuê tài chính BIDV chuyển đổi hình thức pháp lý từ mô hình công ty con do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sở hữu 100% vốn thành Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST, với sự tham gia sở hữu 49% vốn điều lệ bởi Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (Sumitomo Mitsui Trust Bank - SMTB) và 1% vốn của Tập đoàn Sun Group.
Công ty Cho thuê tài chính BIDV là một trong 4 công ty cho thuê tài chính lớn nhất trên thị trường, song kết quả kinh doanh những năm vừa qua không mấy khả quan. Vì vậy, sự tham gia của SMTB - ngân hàng tín thác lớn nhất Nhật Bản - được kỳ vọng sẽ đem lại thay đổi toàn diện cho công ty này, từ nguồn vốn, cơ sở khách hàng đến kinh nghiệm, bí quyết kinh doanh.
Công ty Cho thuê tài chính BIDV là một trong 4 công ty cho thuê tài chính lớn nhất trên thị trường, |
Được biết, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực cho thuê tài chính vào năm 2016. Theo đó, BIDV sẽ chuyển nhượng 49% sở hữu vốn điều lệ tại Công ty Cho thuê tài chính BIDV cho SMTB để chuyển đổi Công ty Cho thuê tài chính BIDV thành Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST, đồng thời tăng vốn cho Công ty từ 448 tỷ đồng lên 896 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ này, Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST sẽ vươn lên thành công ty cho thuê tài chính có vốn điều lệ lớn thứ hai trên thị trường.
Sau khi hoàn tất thương vụ bán vốn cho SMTB, Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST sẽ trở thành công ty cho thuê tài chính đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty liên doanh giữa một ngân hàng thương mại trong nước với một định chế tài chính nước ngoài. Nhiều khả năng, sau Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST, các công ty cho thuê tài chính khác cũng sẽ theo đuổi mô hình này để tăng vốn và tái cơ cấu.
Trước công ty cho thuê tài chính, làn sóng liên doanh đối tác ngoại đã được nhiều công ty tài chính theo đuổi và khá thành công.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn eo hẹp, lĩnh vực hoạt động bị hạn chế, liên doanh với nước ngoài là con đường tốt nhất để các công ty này vực dậy. TS. Đặng Văn Dân (Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, việc liên doanh, liên kết sẽ giúp các công ty cho thuê tài chính nâng cao năng lực tài chính, kinh nghiệm và cả sức cạnh tranh.
Lột xác hoặc phá sản
Công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính đang là trọng tâm tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ chia nhóm để đưa ra giải pháp cơ cấu phù hợp với từng loại hình riêng.
Có 3 công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài, gồm: Kexim, Chailease và Công ty TNHH Cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam.
Có 8 công ty cho thuê tài chính trong nước, gồm Công ty Cho thuê tài chính Vinashin và 7 công ty cho thuê tài chính trực thuộc các ngân hàng thương mại: VietinBank, BIDV, Vietcombank, ACB, Sacombank, Agribank.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có 11 công ty cho thuê tài chính. Trong đó có 3 công ty 100% vốn nước ngoài, 7 công ty con 100% vốn của các ngân hàng thương mại trong nước và Công ty Tài chính Vinashin.
Đáng nói, có tới 2/3 số công ty cho thuê tài chính đang hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, nợ xấu cao, tỷ lệ an toàn vốn thấp, một số công ty cho thuê tài chính thậm chí đang đứng trước bờ vực phá sản. Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Leasing) là một trong số ít công ty cho thuê tài chính đang hoạt động hiệu quả.
Ông Phạm Ngọc Long, Tổng giám đốc VietinBank Leasing cho biết, năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt trên 107,6 tỷ đồng, vượt 2,4% kế hoạch kinh doanh được giao; tổng tài sản và dư nợ cho thuê đạt 1.930 tỷ đồng, tăng 15%; nợ xấu chỉ còn 1,87%.
Một trong những lý do khiến các công ty cho thuê tài chính hoạt động kém hiệu quả là do quy mô nhỏ. Có 8/11 số công ty cho thuê tài chính trên thị trường có vốn điều lệ chỉ 200 - 300 tỷ đồng. Ba công ty có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên là Chailease (580 tỷ đồng), Vietcombank Leasing (500 tỷ đồng) và VietinBank Leasing (1.000 tỷ đồng). Tới đây, sau khi thương vụ bán vốn cho SMTB hoàn tất, BIDV sẽ vươn lên vị trí thứ hai, với gần 900 tỷ đồng.
Bên cạnh quy mô nhỏ bé, các công ty cho thuê tài chính cũng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, phải tiếp cận vốn với lãi suất cao, bị hạn chế mức tài trợ cho khách hàng…
Chính vì những hạn chế đó, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, ngoài khuyến khích công ty cho thuê tài chính bán cổ phần cho đối tác ngoại, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có khung khổ pháp lý phù hợp hơn cho loại hình này hoạt động. Việc đẩy mạnh mô hình này sẽ giúp việc sử dụng vốn của các dự án khả thi hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.