Từ đầu tháng 8/2021, HoSE đã phải tạm dừng mọi hoạt động làm việc trực tiếp với khách hàng. Ảnh: Đ.T |
Nửa năm “đóng băng”
Tròn nửa năm sau tiếng cồng của Chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga đánh dấu ngày đầu lên sàn của cổ phiếu SSB, sảnh lớn của HoSE chưa chào đón thêm bất cứ tân binh nào. Trước đó, trong quý đầu tiên năm 2021, HoSE đã đón thêm 13 doanh nghiệp niêm yết mới, trong khi cả năm 2020 chỉ 20 đơn vị. Sau khởi đầu sôi động, hoạt động niêm yết mới lại ở trạng thái “đóng băng”.
Còn nhớ, tình trạng nghẽn lệnh trầm trọng đã xảy ra khi giá trị giao dịch mỗi phiên vượt mốc tỷ đô, các giải pháp tình thế nhanh chóng mất hiệu quả. Hơn chục mã chứng khoán phải chuyển “nhà” để giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Việc chấp thuận hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB giao dịch sàn HoSE hôm 24/3 trong khi nhiều công ty “rục rịch” chuyển nhà thậm chí còn gây nhiều tranh cãi thời điểm đó.
Đến khi dự án hệ thống giao dịch mới do FPT cung cấp giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh, gần 20 cổ phiếu từng “ở nhờ” sàn HNX đang lần lượt trở lại HoSE. Cổ phiếu ASG của Tập đoàn ASG sẽ trở lại HoSE vào ngày 27/9. Trước đó, đã có một đợt “trở về”của 16 cổ phiếu các doanh nghiệp như VNDirect (VND), Chứng khoán BSC (BSI), The PAN Group (PAN), Cadivi (CAV)… và cả các doanh nghiệp mới niêm yết “tạm” ở HNX như Khải Hoàn Land (KHG), Công ty Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS).
Tuy vậy, HoSE vẫn chưa thu hút được thêm bất kỳ cổ phiếu nào niêm yết mới sau khi sự cố nghẽn lệnh được giải quyết. Một phần do tâm lý “kỵ” tháng 7 Âm lịch của nhiều doanh nghiệp khi lên sàn. Một phần khác còn từ diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ tư, đặc biệt tại TP.HCM. Từ đầu tháng 8/2021, sàn HoSE đã phải tạm dừng mọi hoạt động làm việc trực tiếp với khách hàng.
Thị trường chứng khoán vẫn đang thu hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư. Giao dịch trên thị trường thứ cấp sôi động, các đợt phát hành cổ phiếu mới đạt tỷ lệ thành công cao, thậm chí còn xuất hiện tình trạng “bí” ý tưởng đầu tư khi đa phần các cổ phiếu đã được đẩy lên mặt bằng giá cao. Chiếc cồng chào sàn nằm yên trở nên lạc lõng giữa sự sôi động của thị trường.
Hứa hẹn quý IV sôi động
Những thông tin gần đây dự báo những tín hiệu mừng ở quý cuối của năm 2021. Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội sẽ giao dịch ngày cuối cùng trên sàn HNX vào ngày 5/10 để sẵn sàng chuyển niêm yết sang HoSE. Dù chưa công bố ngày giao dịch đầu tiên, gần như chắc chắn, ngân hàng với quy mô vốn điều lệ 19.260 tỷ đồng trên sẽ “mở hàng” cho sàn HoSE sau nửa năm thiếu vắng tân binh.
Trước đó, HoSE đã ra thông báo về việc chuyển giao dịch cổ phiếu SHB sau hơn một năm kể từ ngày nộp hồ sơ niêm yết lần đầu. Nhờ đã được phê duyệt hồ sơ niêm yết từ tháng 4/2021, việc chuyển cổ phiếu SHB đang được hưởng quy trình rút gọn tương tự các doanh nghiệp đã tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu từ HoSE sang HNX.
Ngoài SHB, hơn chục doanh nghiệp khác đã nộp hồ sơ, nhưng chưa niêm yết gồm 2 cổ phiếu trên sàn HNX, 7 cổ phiếu đang giao dịch trên sàn UPCoM và 3 cổ phiếu chưa giao dịch tập trung trước đây (cổ phiếu của Cảng Quy Nhơn, FLC Homes và Công ty Lê Bảo Minh). Trong đó, từ đầu tháng 5/2021, có tổng cộng 4 hồ sơ niêm yết bắt đầu chuyển về, gần nhất là hồ sơ niêm yết của Chứng khoán Tiên Phong.
Vicostone - doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn thứ ba trên HNX đã được cổ đông thông qua phương án chuyển sàn HoSE từ vài năm trước, song đã quyết tạm dừng kế hoạch này bởi tình trạng nghẽn lệnh. Đến thời điểm này, Vicostone chưa công bố động thái mới.
Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3, mã PGV - UPCoM) cũng đã được phê duyệt kế hoạch chuyển sàn từ lâu, với mục tiêu niêm yết năm 2021. Mới đây, doanh nghiệp này cho biết, sẽ triển khai thủ tục chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết tại HoSE ngay trong tháng 9 này.
Các kế hoạch nén lại đã lâu sẽ có cơ hội bung ra thời gian tới. Hiện cũng có thêm doanh nghiệp khác trình cổ đông kế hoạch chuyển sàn, như Idico - doanh nghiệp top 5 vốn hóa của HNX hay Gỗ An Cường - tân binh vừa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM tháng trước… Điều này hứa hẹn mang thêm nhiều hàng hóa mới đến sàn HoSE trong các quý tới.
Cần chiến lược thu hút tân binh
Xu hướng các cổ phiếu chuyển từ HNX và UPCoM sang HoSE chỉ là vấn đề thời gian. Giữa tháng 7/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 57/2021/TT-BTC về lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch. Theo đó, sàn HoSE sẽ là nơi giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng thời gian khá dài để hoàn tất lộ trình này. Sàn HoSE sẽ tiếp nhận toàn bộ cổ phiếu HNX trong nửa cuối năm 2023 và cổ phiếu trên UPCoM trong nửa đầu năm 2025.
Đại diện Bộ Tài chính từng cho biết, sẽ xây dựng các quy định về sau cổ phần hóa và đăng ký giao dịch. Quy định sát sao hơn sẽ thúc đẩy gần 300 công ty đã đại chúng hóa nhưng chưa lên sàn có thể đổ bộ và thực hiện nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên thị trường giao dịch tập trung. Đó là chưa kể, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán sẽ thúc đẩy nhu cầu lên sàn của không ít công ty. Xu hướng doanh nghiệp chuyển sàn nhờ chính sách tổ chức lại thị trường giao dịch mang lại lợi thế cho HoSE, nhưng Sở cũng cần thu hút bằng các chính sách chủ động.
Ngoài ra, hệ thống do FPT phối hợp xây dựng với khả năng xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày và sau này là hệ thống của KRX cần đảm bảo thông suốt giao dịch. Việc xây dựng các rổ chỉ số với tiêu chí riêng cũng có thể thu hút các doanh nghiệp lớn lên sàn, tăng hiệu quả kết nối nhà đầu tư và doanh nghiệp niêm yết.