Tiêu dùng
Chọn cách đi trên “cao tốc” đến với thị trường EU
Thế Hoàng - 29/11/2022 08:08
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ví như đường cao tốc nối Việt Nam với thị trường 500 triệu dân của EU đã thông tuyến, doanh nghiệp Việt cần học cách để khai khác dư địa thị trường này.

“Cao tốc” đã thông, doanh nghiệp chọn đi thế nào

Các sản phẩm nông sản, từ cà phê, điều, đến rau quả, gạo… xuất xứ Việt Nam được khuyến khích làm thương hiệu riêng để xuất khẩu sang thị trường EU, tận dụng EVFTA. Còn với những ngành hàng dệt may, giày dép, không thể cạnh tranh với các thương hiệu đã định vị lâu đời với giá trị hàng tỷ USD như Nike, Adidas, Puma…, thì doanh nghiệp Việt hãy khẳng định mình là nhà cung cấp chất lượng, ổn định trong chuỗi giá trị.

Các chuyên gia tham dự Tọa đàm “Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA” đã đưa ra lời khuyên trên với các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng hiệp định này để đẩy mạnh xuất khẩu.

Những năm gần đây, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xuất khẩu được nhiều lô hàng nông sản sang EU. Để đạt thành tích này, Hapro chú trọng đầu tư vùng trồng, chế biến, sản xuất để gia tăng sản lượng nông sản đạt tiêu chí xuất bán vào EU với giá trị cao, khẳng định được tên tuổi nhà cung cấp.

Theo Bộ Công thương, hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên EU. Một số mặt hàng thế mạnh như rau quả chiếm chưa đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp.

Với kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD/năm, EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro, đóng góp 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Việc đầu tư sản xuất để có sản lượng ngày càng gia tăng trong xuất khẩu sang EU được Hapro rất chú trọng.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Hapro, muốn bán hàng thì đầu tiên, doanh nghiệp phải có hàng và phải là hàng chất lượng. Đây không phải là rào cản của doanh nghiệp Việt khi tham gia sân chơi thương mại với thị trường EU, mà các nhà cung cấp từ nhiều quốc gia khác đều phải đáp ứng như vậy. Người châu Âu quan tâm nhiều tới quá trình sản xuất, đất, nước, sử dụng lao động, cho đến bảo quản sau thu hoạch. Những yêu cầu này nhà cung cấp bắt buộc phải đáp ứng.

EVFTA đi vào thực thi được hơn 2 năm, là FTA có mức độ thực thi nhanh và hiệu quả trong số các FTA thế hệ mới gần đây. Nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang 27 thị trường châu Âu. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, chưa có số liệu thống kê chính thức về số thương hiệu Việt Nam tại EU, nhưng khẳng định là còn khiêm tốn.

Nhìn tổng thể chiếc bánh của thị trường EU với hơn 500 triệu dân, hàng Việt mới chiếm 2% thị phần, con số này rất nhỏ bé. Doanh nghiệp phải tích cực hơn nữa để tăng tốc xuất khẩu, tận dụng được ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Bà Đào Thu Trang, Trưởng bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường (Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam) phân tích, Việt Nam và Singapore là hai nước trong khối Đông Nam Á đàm phán và ký kết được hiệp định thương mại tự do với châu Âu, đó là lợi thế cực lớn với các ngành hàng, doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng được phân bổ lại sau 2 năm đại dịch, đây là cơ hội cho các nhà cung cấp hàng hóa của Việt Nam “ghi điểm”, đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu sang thị trường này.

Bà Trang lưu ý, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê, rau quả đang có nhiều cơ hội, đặc biệt là cà phê, khi các nhà nhập khẩu Đức đang muốn đa dạng hóa cả chuỗi cung ứng để không bị phụ thuộc vào một quốc gia hay một đối tác cụ thể nào. 

Doanh nghiệp phải dám chi

Từ kinh nghiệm hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” sang Pháp thành công, ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp khẳng định, để có thương hiệu riêng, đầu tiên doanh nghiệp phải dám chi tiền, thậm chí rất nhiều tiền.

“Lộc Trời là doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo, xuất khẩu đi nhiều thị trường, làm ăn rất bài bản, nhưng cũng phải mất tới 2 năm từ khi khởi động đến khi gạo Lộc Trời được bày bán trong siêu thị Pháp”, ông Sơn nói.

Qua trường hợp của Lộc Trời, ông Sơn nhấn mạnh đến yếu tố dám chi và quyết tâm để bán hàng dưới thương hiệu riêng của doanh nghiệp. Xuất khẩu vào được EU đã khó, nay lại bằng thương hiệu riêng của nhà sản xuất thì khó còn nhân lên gấp nhiều lần. Doanh nghiệp cần thông qua đơn vị tư vấn xuất khẩu lành nghề để hỗ trợ, đầu tư tiền bạc để tìm hiểu thị trường.

Trên hành trình khai thác EVFTA, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã định vị được vị thế doanh nghiệp bằng danh mục sản phẩm nông sản chế biến sâu. Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Doveco cho rằng, xuất khẩu sang châu Âu ngoài chất lượng luôn phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của họ, thì nhà cung cấp phải đảm bảo được cả số lượng và có sự liên tục, không ngắt quãng.

Yêu cầu này đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu chuẩn, máy móc chế biến hiện đại, có nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất, khâu quản lý lành nghề và khâu bao bì, đóng gói đúng yêu cầu từ nhà nhập khẩu.

"Có cạnh tranh thì mới có phát triển. Khi đã đáp ứng được đòi hỏi của nhà mua hàng rồi, có quy trình sản xuất, chế biến đạt chuẩn rồi, thì doanh nghiệp không còn e ngại gì nữa", ông Khuê khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác