Đầu tư
Chọn nhà thầu xây Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
Anh Minh - 06/03/2014 09:13
Quá trình tuyển chọn nhà thầu cho Dự án Xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III, TP. Hà Nội sử dụng vốn ODA Nhật Bản đã chính thức được khởi động. Nhật Bản dành cho Việt Nam 25 tỷ yên ODA >Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mắc vốn >Khởi động siêu dự án đường sắt đô thị 60.000 tỷ đồng

Đây là thông tin gây nhiều chú ý đối với các nhà thầu lớn trong và ngoài nước cũng như giới đầu tư bất động sản, bởi tuyến cao tốc chạy trên cao dài 5,36 km này là một dự án lớn, làm thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Tây Hà Nội.

Đường vành đai III trên cao Mai Dịch - Pháp Vân đã góp phần giảm tải cho giao thông Hà Nội. Ảnh: Đ.T

Theo Quyết định số 542/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu Dự án vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ban hành, ngoại trừ 2 gói thầu thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán, thì 6 gói thầu còn lại sẽ tuyển chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu.

Trong số này, đáng chú ý là 2 gói thầu xây lắp chính của Dự án, gồm: Gói thầu số 1 - xây dựng đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế (Km0+130 –Km2+182, có giá gói thầu 2.435,8 tỷ đồng) và Gói thầu số 2 - xây dựng đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long (Km2+182 – Km5+493, có giá gói thầu 2.041 tỷ đồng), sẽ tuyển chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, phương thức đấu thầu một gói hồ sơ, có sơ tuyển theo quy định của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Gói thầu tư vấn giám sát trị giá 262 tỷ đồng sẽ được thực hiện qua đấu thầu có lựa chọn danh sách ngắn theo quy định của nhà tài trợ, theo phương thức đấu thầu hai gói hồ sơ. Ba gói thầu còn lại liên quan đến lĩnh vực kiểm toán, bảo hiểm công trình sẽ được thực hiện qua đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức đấu thầu một gói hồ sơ.

“Công tác tuyển chọn nhà thầu sẽ được thực hiện từ quý II đến quý IV/2015”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết.

Hiệu quả thấy rõ từ Dự án Xây dựng đường vành đai III trên cao từ Mai Dịch - Pháp Vân là lý do khiến Bộ GTVT quyết kéo dài thêm tuyến cầu cạn cao tốc từ Mai Dịch đến chân cầu Thăng Long bằng nguồn vốn ODA.

Theo Quyết định phê duyệt Dự án, Bộ GTVT sẽ đầu tư xây dựng 5,364 km, trong đó cầu cạn cao tốc đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long dài 4,903 km, thuộc đường vành đai III TP. Hà Nội, dọc theo dải phân cách giữa của đường Phạm Văn Đồng. Cụ thể, điểm đầu dự án tại Km0 +130, phía Bắc cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối tại Km5+493, phía Nam cầu Thăng Long.

Trước đó, đơn vị tư vấn lập Dự án là Liên danh Oriental Consultants - Kei (Nhật Bản) - Tedi - Apeco (Việt Nam) đã đề xuất xây dựng đoạn tuyến trên cao thứ hai, trên đường vành đai III theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/giờ.

Các hệ thống cầu cạn này được xây dựng vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng HL93, chịu được động đất cấp 7, rộng 24 m, quy mô 4 làn xe, có tĩnh không đối với đường đô thị phía dưới, đường gom là 4,75 m và chiều cao dự phòng cho công tác duy tu, bảo dưỡng là 0,25 m.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, với 80% chiều dài tuyến là hệ thống cầu cạn, nên điểm nhấn kỹ thuật tại Dự án chính là công trình cầu, trong đó kết cấu phần trên là hệ thống dầm SuperT lắp ghép, giản đơn, nhịp dài 40 m; kết cấu phần dưới là trụ 1 cột, dạng chữ T bằng bê tông cốt thép trên nền cọc khoan nhồi. Tại những đoạn có mặt bằng hẹp sẽ sử dụng cọc thép xoay.

“Điểm đặc biệt của Dự án là toàn bộ phạm vi xây dựng nằm trong đường Phạm Văn Đồng hiện tại, nên cơ bản không phải giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, có thể phải tổ chức hỗ trợ di chuyển đền bù tại một số vị trí cục bộ. Trong trường hợp phải thực hiện giải phóng mặt bằng, thì sẽ tách thành tiểu dự án và giao địa phương thực hiện”, ông Trường cho biết.

Được biết, khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây Thủ đô. Bên cạnh đó, tuyến sẽ kết nối thông suốt theo tiêu chuẩn đường cao tốc từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến cao tốc trên cao đoạn Bắc hồ Linh Đàm - Bắc Thăng Long, kết nối các quốc lộ 1, 5, 6, 32 với Sân bay Quốc tế Nội Bài và giảm tải cho đường Phạm Văn Đồng hiện tại.

Tin liên quan
Tin khác