Buôn lậu thuốc lá vẫn nhức nhối
Theo Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ vào nước ta đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Cụ thể, nguyên liệu lá thuốc lá nhập lậu xảy ra ở khu vực biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng.
Thuốc lá điếu nhập lậu từ nước ngoài về diễn ra ở địa bàn khu vực biên giới các tỉnh Quảng Trị, Gia Lai, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và vùng Tây Nam. Chủng loại thuốc lá điếu ngoại nhập lậu đa dạng về chủng loại, tên gọi thường là Hero, Jet, 555, Nesol, Scott,.. không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các loại thuốc lá lậu này cũng chung đặc điểm có tên gọi nhưng nguồn gốc đều là không xác định được. Vì thế chất lượng cũng không bảo đảm.
Kiểm đếm tang vật thuốc lá lậu bị thu giữ của lực lượng Quản lý thị trường (Ảnh: T.H) |
Trong giai đoạn 5 năm trước đó (2019-2023), các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.
Theo Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong 10 tháng năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, 800 vụ bị xử lý, trong đó có 3 vụ chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra.
Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 3,1 tỷ đồng và trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 5,6 tỷ đồng. Số lượng bao thuốc và tương đương bị xử lý gồm 23.931 bao thuốc lá và 4.000 sản phẩm các loại như thiết bị, tinh dầu thuốc lá điện tử.
Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) cho biết, ước tính bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước thất thoát khoảng 10.000 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá gây ra.
Thách thức từ siêu lợi nhuận trong buôn lậu thuốc lá
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, các lực lượng chức năng cũng đã gặp nhiều khó khăn, thách thức từ phía ngoại biên lẫn trong nước.
Nguyên nhân của tình trạng buôn lậu thuốc lá chưa hề giảm này là bởi đây là loại hàng không rõ xuất xứ được bày bán công khai ở phía ngoại biên, tự do ở phía nước bạn (Campuchia, Lào). Với giá cả thấp, do không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt lớn như thuốc lá hợp pháp được cấp phép sản xuất tại Việt Nam, có rất nhiều kho hàng, bến bãi đã được hình thành dọc biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giếng, hoặc ở các địa điểm cơ động sát biên giới, nhằm giúp cho việc vận chuyển thuốc lá lậu được thực hiện rất nhanh chóng và thẩm lậu vào sâu vào Việt Nam.
Các đối tượng dùng xe máy, chạy với tốc độ cao để vận chuyển thuốc lá lậu (ảnh: T. H). |
Trong quá trình buôn lậu và thẩm lậu thuốc lá này, phương thức hoạt động của các đối tượng dù không mới nhưng manh động, liều lĩnh và tinh vi hơn, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng phương tiện có tốc độ cao như xuồng cao tốc, vỏ lãi, xe máy độ chế, tháo biển kiểm soát và sẵn sàng đâm va vào lực lượng chức năng hoặc vứt bỏ phương tiện, hàng hóa khi bị phát hiện, truy đuổi.
Thuốc lá lậu được vận chuyển bằng ô tô cá nhân. (Ảnh: Quản lý thị trường). |
Khi bị bắt giữ, các đối tượng chỉ khai nhận chở thuê kiếm sống, không biết là hàng gì, không biết chủ hàng, chủ thuê là ai, ở đâu. Họ huy động cả đám đông (có cả người già, phụ nữ và trẻ em), tạo điểm nóng, gây áp lực cho lực lượng chức năng để cướp lại hàng hóa, phương tiện bị thu giữ…
Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương cho hay, năm 2019, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao nhưng bước sang năm 2020 đã có hơn 5,1 triệu bao thuốc lá nhập lậu bị tiêu hủy và năm 2021 là gần 6,6 triệu bao.
Đáng chú ý, việc tăng mạnh lượng thuốc lá nhập lậu được bắt giữ và tiêu hủy như nói trên diễn ra đúng thời điểm sau khi tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá hợp pháp vào năm 2019 cũng đặt ra vấn đề, cần có thêm các giải pháp mạnh tay song hành trong chống buôn lậu khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhanh và mạnh với thuốc lá hợp pháp trong nước.
Ủng hộ việc tăng thuế với thuốc lá hợp pháp sản xuất trong nước, Thượng tá Lê Thiện Thành cũng nhấn mạnh, lộ trình tăng thuế nên giãn ra và tính toán hợp lý để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lý thị trường có thêm thời gian chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn thuốc lá lậu tăng cao do thuế tăng.
Tang vật thuốc lá lậu được lưu kho tại Đồn Biên phòng Cầu Muống, tỉnh Đồng Tháp. |
Đồng thời lực lượng biên phòng cũng kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu.
Các giải pháp tổng thể này chính là để thuốc lá lậu không thể lợi dụng sự chênh lệch quá lớn do trốn được thuế so với thuốc lá hợp pháp dẫn tới thu được siêu lợi nhuận, khiến các đối tượng cầm đầu tổ chức buôn lậu có điều kiện mạnh tay chi tiền, mồi chài, nhằm lôi kéo nhiều người dân vào các đường dây buôn lậu thuốc lá cũng như manh động hơn trong đối phó với các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới lẫn trong quá trình vận chuyển ở nội địa.
Có vậy việc chống buôn lậu thuốc lá mới có hiệu quả, vừa giảm được thuốc lá lậu đổng thời hạn chế được nguy cơ thẩm lậu gây thiệt hại ngân sách Nhà nước do chênh lệch về giá quá cao và giảm được người hút thuốc lá lậu trên diện rộng.