Trẻ em mắc bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng cao trong dịp hè. |
Thiếu thuốc điều trị tay chân miệng
Tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang xuất hiện nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng nặng. Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, trong tuần qua, khu vực miền Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 23% so với tuần trước đó.
Đến nay, đã có tổng cộng hơn 11.000 ca mắc bệnh, 5 trường hợp tử vong xác định do Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong chưa có kết quả xét nghiệm. Dựa trên phân bố số ca bệnh, các tỉnh, thành phố An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TP.HCM là những địa phương có tỷ lệ ca nặng cao. Riêng Bình Dương đã có 2 trường hợp tử vong do dịch tay chân miệng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, EV71 xuất hiện trở lại tại các tỉnh, thành phố phía Nam, nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng nặng, cần chỉ định dùng thuốc Immunoglobulin (IVIG) tiêm tĩnh mạch, song một số địa phương không chủ động được nguồn thuốc IVIG.
IVIG là một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả những trường hợp tay chân miệng nặng, giúp giảm tỷ lệ chuyển độ và biến chứng nặng của bệnh ở trẻ em. Khác với các loại thuốc khác, IVIG được điều chế trực tiếp từ huyết tương người, nên việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp huyết tương thông qua hiến máu. Do đó, việc tăng đột biến nhu cầu về số lượng thuốc sẽ gây khó khăn về cung ứng hơn so với các loại thuốc khác.
Đặc biệt, xử lý nghiêm khi phát hiện trường hợp buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và tình trạng găm hàng, tăng giá…
Đến nay, chế phẩm IVIG chưa được sản xuất trong nước, mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Trong 2 năm qua, nguồn cung ứng huyết tương trên toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cũng vì điều chế trực tiếp từ huyết tương người, IVIG chỉ được phép đưa ra lưu hành, sử dụng sau khi có giấy chứng nhận chất lượng do Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế cấp.
Đầu tháng 6/2023, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng. Ngày 23/6 vừa qua, cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận xuất xưởng cho 6.000 lọ thuốc IVIG do một công ty dược trong nước nhập khẩu. Các bệnh viện chuyên khoa nhi của TP.HCM đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để mua sắm lô thuốc trên, để không bị gián đoạn nguồn cung ứng cho công tác điều trị.
Theo Sở Y tế TP.HCM, một vấn đề khó khăn là những thuốc này có hạn sử dụng ngắn, cần thời gian sản xuất, việc dự trù để mua sắm khó khăn do khó tiên đoán diễn tiến dịch bệnh. Thuốc cần được mua về dự trữ, nếu không sử dụng hết thì hết hạn sử dụng, phải tiêu hủy rất lãng phí, đồng thời phải giải trình nên các bệnh viện thường không dám mua sắm nhiều.
Cần giải pháp đồng bộ
Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố nhận định, tay chân miệng là dịch bệnh lưu hành và sẽ còn tiếp tục diễn biến trong nhiều năm tới, do đó cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động hơn về cung ứng thuốc IVIG cho công tác phòng chống dịch. Cụ thể, Bộ Y tế có thể triển khai mua sắm tập trung các thuốc hiếm nói chung, đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm dịch bệnh lưu hành (như sốt xuất huyết, tay chân miệng) và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp khác.
"Trong khi chờ đợi nguồn sản xuất tại chỗ, Bộ Y tế cần có cơ chế mua sắm và sử dụng phù hợp, giúp đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm dịch bệnh lưu hành và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp", đại diện Sở Y tế TP.HCM nói.
Trong cuộc họp với Bộ Y tế mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng kiến nghị, Bộ sớm ban hành cơ chế, chính sách giải quyết những vấn đề phát sinh về mặt tài chính khi không sử dụng hết cơ số thuốc. Có như vậy mới "giải phóng" tâm lý lo ngại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế khi thực hiện mua sắm, đấu thầu, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc trong điều trị dịch bệnh.
Mặc khác, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đề xuất cơ quan chức năng có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp dược nghiên cứu sản xuất thuốc IVIG, thay vì phụ thuộc nhập khẩu, trong bối cảnh dịch tay chân miệng tiếp diễn lâu dài.
Không riêng tay chân miệng, để chủ động đảm bảo nhu cầu thuốc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo trung tâm kiểm soát dịch bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Trong đó, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc, vắc-xin cho phòng chống Covid-19 và thuốc điều trị các bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả... các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.
Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân trên địa bàn, tránh xảy ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá đột biến, đặc biệt đối với các thuốc điều trị Covid-19, các thuốc có nguồn cung hạn chế.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ rà soát, khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Cùng với đó, ngành y tế các địa phương cần chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh thuốc triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường biện pháp quản lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.