Ông chủ động bày tỏ “muốn nghe thêm nhiều điều thú vị từ các nhà báo” để có thêm nội dung khi nói chuyện với các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam cần tự “cài mình vào mạng lưới toàn cầu”
Mở đầu với tinh thần cầu toàn như vậy, nên GS. John Snow rất chăm chú lắng nghe và trả lời nhiệt tình từng câu hỏi của các phóng viên, cũng như chia sẻ thẳng thắn mỗi nhận định, đánh giá về kinh tế Việt Nam.
Bày tỏ một cái nhìn rất lạc quan về Việt Nam, ông lý giải, đó cũng là điều bình thường, bởi Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để thành công.
“Các bạn hãy đặt ra những câu hỏi tại sao và trả lời”, GS Snow đề xuất.
“Chẳng hạn, Việt Nam có lợi thế về hàng may mặc đồ gỗ, da giày, tại sao không trở thành trung tâm thiết kế của thế giới? Với bờ biển kéo dài, tại sao Việt Nam không trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hậu cần cho khu vực? Nếu những câu hỏi này được nhà hoạch định chính sách trả lời nghiêm túc, dựa trên những phân tích sâu sắc thì các vấn đề của nền kinh tế khi hội nhập sẽ ít phải để tâm hơn”, ông khẳng định.
Vị GS. đến từ Mỹ cũng bày tỏ ngạc nhiên, khi Chính phủ Việt Nam cử nhiều cán bộ cao cấp đi học ở các trường đại học danh tiếng tại Mỹ, Canada, Nga… Ông cho rằng, đây là tín hiệu tốt về sự thay đổi trình độ nhân công của Việt Nam, tạo một cái nhìn tích cực đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới, nhất là với giới đầu tư Hoa Kỳ.
Theo vị giáo sư được mệnh danh là một trong những “bộ óc” vĩ đại của thế giới này, trên thực tế, các hiểu biết cơ bản về chiến lược là bất biến, và cũng không có công thức thần bí nào cho sự thành công. Song ở góc độ vĩ mô, ông cho rằng, Việt Nam nên theo đuổi chiến lược cốt lõi: mở cửa nền kinh tế về thương mại và đầu tư để hoạt động kinh doanh phát triển tự do hơn; trong đó, các quỹ đầu tư sẽ góp nguồn lực phát triển ý tưởng của mình. Sự cốt lõi này chỉ thay đổi khi công nghệ và thị trường thay đổi.
Muốn nhận ra sự thay đổi đó, Việt Nam cần “tự cài mình vào mạng lưới toàn cầu”, kết nối với những nền kinh tế khác đi cùng mọi thay đổi xung quanh mình. Thêm vào đó, phải liên tục tự nâng cấp mình và đi trước một bước so với đối thủ về giá cả, chất lượng, sự đồng bộ và độ tin cậy.
Cách “ăn thêm miếng bánh của đối thủ”
Nhận định năm 2012 là một thử thách thực sự khắc nghiệt và khó khăn của doanh nghiệp sẽ còn tiếp diễn, GS. Snow cho rằng, doanh nghiệp phải tinh tường và quyết đoán trong việc tái cơ cấu hoạt động.
“Hãy tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo rằng, những hoạt động thiết yếu tạo ra giá trị của công ty phải được duy trì, cho dù rất khó khăn. Làm được như vậy, công ty sẽ ăn thêm được miếng bánh thị phần của đối thủ, tạo một vị thế tốt để tiến tới quy mô lớn hơn”, GS Snow chia sẻ.
Một kênh mở rộng thị trường nữa, theo GS. Snow, chính là cách mà Quỹ Cerberus của ông đang làm, đó là đầu tư vào những công ty hoạt động kém hiệu quả và có thể phá sản.
Bởi lẽ, việc phá sản của doanh nghiệp như là một phần của quá trình cạnh tranh, báo hiệu sẽ có nhiều doanh nghiệp mới thành công.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì thế, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, được vị Chủ tịch quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới này đánh giá rất cao. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Ngân khố (Kho bạc Trung ương), GS. Snow luôn ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ, mô hình kinh doanh cá thể, vì theo ông, họ năng động và nhiều tham vọng, phát triển rất ổn định, luôn tạo ra công ăn việc làm cho mọi người.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ thích nghi với thay đổi của hội nhập toàn cầu, là cấu thành quan trọng của một nền kinh tế năng động. Các quốc gia đều rất coi trọng vai trò các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam cần tạo ra “vùng an toàn” về hành lang pháp lý, gói cứu trợ vốn, đất đai, thuế để ổn định và phát huy hiệu quả của lực lượng này.
Vũ Anh