Nắm bắt quy định mới để kịp thời điều chỉnh
Sau khi xuất nhập khẩu cán mốc hơn 730 tỷ USD vào cuối năm 2022 (xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD), năm 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa đã chậm lại, về đích với 681 tỷ USD (xuất khẩu đạt 354,67 tỷ USD, lỗi hẹn mục tiêu tăng trưởng 6%). Năm 2024, dự báo, xuất khẩu vẫn chưa hết khó.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục đối diện nhiều rủi ro khó đoán định, khi sức cầu tại nhiều thị trường lớn vẫn yếu. Ngoài việc phải cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, các nhà cung ứng Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa và phát triển bền vững khi đưa hàng vào Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Quân, tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý, năm 2024, EU thực hiện nhiều quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững như Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với mặt hàng sắt thép, phân bón; chống phá rừng và có thể ban hành quy định sinh thái trong ngành dệt may…
Đồng thời, EU tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm với nhóm hàng thực phẩm, bao gồm cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội khối.
Tương tự, Hoa Kỳ cũng có nhiều thay đổi về chính sách thương mại trong năm 2024.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau vài năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nền kinh tế Hoa Kỳ đang dần ổn định trở lại. Năm nay, Hoa Kỳ tiến hành bầu cử Tổng thống. Để thu hút cử tri, chính quyền hiện tại có thể sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, tạo ra rào cản về thương mại đối với các nước xuất khẩu.
“Cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương cần nắm bắt thông tin, những biến động về chính trị, chính sách của Hoa Kỳ có ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời”, ông Hưng khuyến nghị.
Đối với các doanh nghiệp, cần tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, có hướng tiếp cận bài bản, phù hợp để hàng Việt có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại thị trường xuất khẩu.
Tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% trong năm 2024 thực sự là sức ép rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp, ngành hàng phải tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để có được đơn hàng, tăng tốc sản xuất, xuất khẩu, bên cạnh sự chủ động xúc tiến thương mại của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
“Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cần chặt chẽ hơn; kịp thời nắm bắt các vấn đề mới và những thay đổi nhanh chóng từ bên ngoài; phân tích thông tin thị trường. Công tác ứng phó với các cú sốc bên ngoài cũng đòi hỏi phải linh hoạt, chủ động hơn nữa”, lãnh đạo ngành công thương nhấn mạnh.
Chia sẻ về kế hoạch tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cho biết, năm 2024, Hà Nội dự kiến tổ chức 60 sự kiện xúc tiến thương mại lớn, trong đó, 8 - 10 sự kiện tổ chức ở nước ngoài.
TP.HCM sau năm 2023 hụt hơi trên 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cũng có kế hoạch xúc tiến thương mại từ sớm. Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ tập trung xúc tiến kết nối giao thương giữa doanh nghiệp của Thành phố và doanh nghiệp nước ngoài, kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn...
Điểm cộng cho hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam là 15 FTA đang thực thi, dự kiến trong nửa đầu năm nay, FTA giữa Việt Nam - Israel (VIFTA) cũng sẽ có hiệu lực. Ưu đãi thuế quan từ các FTA là “bệ phóng” để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Đặc biệt, EVFTA - “cao tốc” nối Việt Nam với EU - được các doanh nghiệp tận dụng tốt và nhanh nhất trong các FTA thế hệ mới. “EVFTA đã bước vào năm thứ tư thực thi. Mức thuế quan được cắt giảm tạo sự khác biệt lớn giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa từ các nước cạnh tranh xuất khẩu vào EU”, ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.