Một số chủ đầu tư lớn “nhá hàng”
Năm 2023, thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, giới chuyên gia cho rằng, chu kỳ kinh doanh mới sẽ bắt đầu, hướng đến sự thận trọng, bền vững thay vì phát triển "nóng". Cơ hội sẽ đến với các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, dự án đầy đủ pháp lý và đưa ra thị trường các sản phẩm nhà ở phù hợp nhu cầu ở thực.
Trong các tháng đầu năm, nguồn cung nhà ở có thể khan hiếm do không nhiều các dự án được giới thiệu, mở bán ra thị trường thời điểm này. Tuy nhiên, những dự án phù hợp nhu cầu nhà ở thực và nguồn tín dụng của người dân luôn thì được đón nhận. Đơn cử, Công ty Nam Long vẫn đang triển khai khu đô thị tích hợp Izumi City 170 ha (tên thương mại của dự án Đồng Nai Waterfront) tại Đồng Nai; đang giới thiệu dự án mới Park Village (thuộc khu đô thị Waterpoint, Long An), tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Akari City (Bình Tân, TP HCM) và các cụm căn hộ Flora Mizuki MP 9-10 và Flora Panorama thuộc khu đô thị tích hợp Mizuki Park (Bình Chánh, TP HCM).
Chủ đầu tư khác là Hưng Thịnh Land cũng giới thiệu ra thị trường khu căn hộ 9X An Sương tọa lạc tại khu Tây Bắc TP HCM. Dự án cung cấp ra thị trường khoảng 800 căn hộ với diện tích từ 37 m2 đến 92 m2. Một số doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục ra mắt thị trường sản phẩm nhà ở thuộc các dự án đã được công bố trước đó, như Điền Phúc Thành với Mt Eastmark City (TP Thủ Đức, TP HCM) hay Phú Long với Essensia Nam Saigon (Nhà Bè, TP HCM)...
Báo cáo của VNDirect nhận thấy hầu hết các sản phẩm mới ra mắt trong năm 2023 hướng tới nhu cầu ở thực, được phát triển bởi các công ty niêm yết có dòng tiền tài chính lành mạnh và danh tiếng tốt. Các dự án được điểm tên như giai đoạn 2 của Akari City, Mizuki Park (chủ đầu tư Nam Long); Vinhomes Grand Park (Vinhomes); Clarita, Privia (Khang Điền) hay Gem Riverside (Đất Xanh)... Báo cáo nhấn mạnh các sản phẩm của Nam Long hay Khang Điền vẫn được ưa thích trong phân khúc trung cấp.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định thị trường trong năm 2023 sẽ hạn chế về nguồn cung, nhưng có sự điều chỉnh trong phân khúc. Các căn hộ hạng sang sẽ ít hơn, chủ yếu tập trung vào phân khúc trung cấp và cao cấp. Giá nhà do đó sẽ không có nhiều biến động trong năm 2023 và 2024.
Thị trường kỳ vọng vào các tín hiệu tích cực
Trước những khó khăn về dòng vốn của thị trường bất động sản với cả nhà đầu tư và người mua, Chính phủ và các cơ quan ban, ngành liên tục phát ra các tín hiệu tích cực để tháo gỡ.
Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức hội nghị về tín dụng bất động sản. Trong đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa có văn bản nào nêu thắt chặt tín dụng vào bất động sản. Việc cho vay phụ thuộc vào thẩm định của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm an toàn hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Đặc biệt, ngân hàng sẽ kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung.
Một thông tin tích cực khác là Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định gỡ vướng, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Các ngân hàng thống nhất giảm thêm lãi suất huy động kể từ ngày 13/2.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ đạo năm 2023, các ngân hàng thương mại dành dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản đã hoàn thiện điều kiện về mặt pháp lý, có khả năng trả nợ. Giới chuyên gia kỳ vọng thông tin hạ lãi suất tác động tích cực với thị trường, có thể có cơ hội giảm lãi suất cho vay với bất động sản. Nếu room tín dụng được nới, cùng với việc lãi suất giảm, thị trường bất động sản sẽ tươi sáng trở lại.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và chuẩn bị tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trực tiếp chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản, dự kiến tổ chức ngày 17/2. Vào năm 2022, Thủ tướng cũng nhiều lần chủ trì các phiên họp phát triển thị trường bất động sản, ký các công điện tháo gỡ khó khăn cho ngành. Có thể thấy, Chính phủ đang quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực bất động sản, mở lối để doanh nghiệp phát triển và tăng cơ hội để người dân sở hữu nhà.
"Thời điểm phục hồi của thị trường sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm chính sách tín dụng, Luật Đất đai sửa đổi cũng như giải quyết các vấn đề pháp lý để khơi thông nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường", đại diện CBRE khẳng định.