Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) vừa tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ VIII (2020 -2023) và ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty AA tiếp tục làm Chủ tịch HAWA nhiệm kỳ này.
Ngoài ra, HAWA còn có 03 Phó Chủ tịch gồm ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần OSEVEN; ông Nguyễn Chánh Phương, Chủ tịch HĐTV Công ty Danh Mộc và ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Bảo Hưng.
Trong đó, ông Chánh Phương còn kiêm vị trí Tổng thư ký HAWA.
Chia sẻ về phương hướng, tầm nhìn chiến lược của HAWA thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Khanh nhắc lại mục tiêu tiếp tục trở thành cầu nối với Chính phủ để vận động chính sách tốt cho doanh nghiệp.
Với thị trường quốc tế, đến năm 2025, HAWA nỗ lực hết sức, góp phần hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, trong đó, doanh nghiệp Việt phải chiếm 60-70%.
Thêm vào đó, HAWA sẽ thực hiện hàng loạt chương trình, thúc đẩy ngành gỗ nói chung trở thành một ngành tạo cơ hội thu hút nguồn lực trẻ tham gia vì những yếu tố như công nghệ, kích thích sáng tạo, thẩm mỹ cao, áp dụng công nghệ để chuyển lượng sản phẩm OEM thành ODM,...nâng cao sức cạnh tranh, tạo lợi nhuận cao.
Tầm nhìn của HAWA trong 5 năm tới là 60% doanh nghiệp Việt xuất khẩu phải có 30% doanh nghiệp làm được những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, 20% hàng ODM, có chính sách hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp trong ngành gỗ và nội thất, phát triển quỹ đất công nghiệp với chi phí hợp lý để làm cơ sở sản xuất và tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng,…
Hồi đầu năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành gỗ không có đơn hàng và gần như phải đóng cửa. Nhưng vài tháng tháng gần đây, số lượng đơn hàng tăng dần khiến một số doanh nghiệp không có lao động sản xuất.
“Có nghĩa là, chúng ta hoàn toàn bị động trước những biến động. Sau khi phân tích, chúng tôi kết luận, thực tế ngành gỗ Việt Nam tiếp cận được đến các thị trường nước ngoài còn quá ít khi xếp ở vị trí gần cuối trong chuỗi cung ứng nhưng với mục tiêu ngành gỗ đạt 20 tỷ USD năm 2025 thì phải tham gia từ khâu thiết kế, sản xuất, cung cấp dịch vụ, phân phối. Có như vậy, chúng ta mới có thể làm chủ cuộc chơi”, ông Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA đặt vấn đề và nhắc đến các dự án tiên phong của Hội trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là xây dựng khu start-up dành cho doanh nghiệp đồ gỗ tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh nhằm tạo nên lực lượng kế thừa trẻ tuổi, đưa thương hiệu đồ gỗ Việt ra toàn cầu.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA (ngồi giữa) và các thành viên Ban chấp hành nhiệm kỳ VIII (Ảnh: HAWA). |
Ngoài ra, HAWA còn hợp tác với một doanh nghiệp trong ngành bất động sản để triển khai Dự án Làng mỹ nghệ Bùi Thanh Thủy với diện tích 150 hecta tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cũng như cùng Nhóm hỗ trợ xúc tiến nhanh Cơ hội Kinh doanh và Đầu tư tại Việt Nam (VBIFT) giúp các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam và kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các dự án mới.
Chia sẻ thêm về kỳ vọng hình thành đội ngũ lãnh đạo trẻ trong ngành chế biến gỗ và nội thất, ông Trần Việt Tiến, thành viên ban chuyên gia HAWA nhiệm kỳ VIII cho rằng, tiềm năng ngành gỗ còn rất lớn.
Vị thế ngành gỗ Việt Nam được đánh giá là số 1 thế giới và vị trí có thể đứng thứ 2 trong năm 2020, chỉ sau Trung Quốc và vượt trên Đức, Ý, Ba Lan.
Dù vậy, năng lực của các doanh nghiệp trong ngành hiện còn nhiều cơ hội để nâng cao.
Cùng với đó, trong sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm nội thất trong gia đình như giường, ghế, bàn tủ còn thị trường về nội thất văn phòng, sofa,…chưa được khai thác tốt.
“Và nếu không có đội ngũ start-up thì cơ hội này sẽ bị vụt mất và nguồn lực từ đội ngũ lãnh đạo trẻ sẽ chảy sang các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thông qua khu start-up ngành gỗ, HAWA kỳ vọng có thể tạo nên đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp mới trong ngành sản xuất, chế biến gỗ như một cách gieo hạt để sau này có đông đảo doanh nghiệp sản xuất hàng Made in Vietnam”, ông Tiến chia sẻ.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 8 tháng năm 2020 đạt 7,83 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo dự đoán của HAWA, giá trị xuất khẩu toàn ngành trong năm nay có thể đạt mục tiêu 12 ty USD, phần vì các đơn hàng bắt đầu trở lại từ tháng 06, đặc biệt từ thị trường Hoa Kỳ.
Dù vậy, ngành gỗ nói chung còn bỏ lỡ nhiều cơ hội nâng cao giá trị khi phục vụ nhiều đơn hàng gia công, áp dụng công nghệ chưa toàn diện, thâm dụng lao động, thiếu công nhân có tay nghề,…
Để phát triển dài hạn, việc áp dụng công nghệ là cần thiết, tạo nhiều giá trị gia tăng hơn trong các đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam nhưng công cụ này không thể phát huy hết hiệu quả trong doanh nghiệp có lãnh đạo giữ tư duy cũ, ngại thay đổi.
“Thế hệ trẻ tham gia vào ngành này gỗ, nội thất được mong mỏi sẽ tự tin đầu tư vào sản xuất thay vì chỉ tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính,…vì ngành này vẫn sinh ra nhiều lợi nhuận”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA chia sẻ.
Vị này còn cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện tuyển dụng nhân sự nước ngoài cho một số vị trí như giám đốc thiết kế nhằm tăng giá trị lợi nhuận cho sản phẩm.
Thậm chí, nếu tiếp tục phát triển, một số doanh nghiệp nội địa sẽ đầu tư ra nước ngoài qua hình thức M&A nhiều hơn nữa, đặc biệt liên quan đến khâu thiết kế, phân phối từ khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) có hiệu lực.