Doanh nhân
Chủ tịch CTCP Zinca Việt Nam và mục tiêu “hàng Việt làm chủ sân nhà”
Hoàng Anh - 17/10/2022 16:50
Là người khát khao tạo ra các sản phẩm mang đậm dấu ấn Việt, ông Phạm Xuân Bình, Chủ tịch CTCP Zinca Việt Nam cho rằng, những sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao do các doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ có chỗ đứng tốt, thậm chí rất tốt trên thị trường trong nước.
Zinca Việt Nam là đối tác tin cậy, luôn được các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn để hợp tác phát triển.

Bước vào cuộc chơi lớn

Với hơn 30 năm lăn lộn trên thương trường, tạo dựng được vị thế vững chắc cho doanh nghiệp, nhưng với ông Phạm Xuân Bình, Zinca Việt Nam không “ngủ quên” trên thành công, mà phải từng bước hiện thực hóa khát vọng Make in Vietnam.

“Sản phẩm của Zinca Việt Nam được sản xuất trên dây chuyền của Việt Nam, vật liệu Việt Nam, do chính người Việt Nam tạo nên. Mỗi người dân Việt Nam khi sử dụng sản phẩm Zinca sẽ cảm thấy tự hào về một sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu Việt”, ông Bình nói.

Tham gia vào thị trường vật liệu xây dựng từ những năm giữa thập niên 90. Bước sang năm 2007, Zinca Việt Nam bắt tay với đối tác chiến lược là Tập đoàn Saint Gobain của Pháp, là tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu trên thế giới, sản xuất và cung cấp tấm trần thạch cao mang thương hiệu Gyproc. Nhưng năm 2011 mới là bước ngoặt với Zinca Việt Nam, khi Công ty cho ra mắt sản phẩm hệ trần thạch cao và vách ngăn cao cấp mang thương hiệu Zinca. Đây là dấu mốc quan trọng đối với doanh nghiệp khi chính thức bước vào cuộc chơi lớn trong việc tự chủ sản xuất sản phẩm hệ trần, vách ngăn, có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới. 

Công ty cổ phần Zinca Việt Nam có những lợi thế riêng. Trong 5 năm trở lại đây, Zinca Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.

Sau khi quyết định mạnh dạn đầu tư, bất chấp bối cảnh kinh tế thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường bất động sản trầm lắng trong giai đoạn 2011. Zinca Việt Nam với nỗ lực của mình đã liên tiếp được sự đón nhận của thị trường, của các đơn vị phân phối và chủ đầu tư lớn. Năm 2016, Zinca Việt Nam tiếp tục đánh dấu sự phát triển của mình bằng việc ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Knauf - tập đoàn đã có kinh nghiệm gần 100 năm về vật liệu xây dựng đến từ CHLB Đức. Điều này tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu của Zinca trong lĩnh vực thạch cao nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung.

Không dừng lại ở đó, với mong muốn cung cấp ra thị trường các giải pháp đồng bộ Make in Vietnam có chất lượng cao nhất, Zinca Việt Nam tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất tấm thạch cao Zinca Gypsum với quy mô 10 triệu m2/năm, cùng nhà máy sản xuất khung kim loại quy mô 20 triệu m2/năm hiện có, Zinca Việt Nam đặt mục tiêu sẽ là đơn vị Make in Vietnam hàng đầu có hệ thống sản phẩm đa dạng và đồng bộ.

Đầu tư xây dựng nhà máy mới trong bối cảnh thị trường vừa trải qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành là một quyết định táo bạo, dù có những ngăn cản, nhưng ông Phạm Xuân Bình vẫn quyết tâm thực hiện.

“Trong kinh doanh, thời điểm đưa ra một quyết định là rất quan trọng. Ở giai đoạn nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, nhưng với nỗ lực quyết tâm hết sức, doanh nghiệp vẫn có thể bẻ lái thành công”, ông Bình chia sẻ với một niềm tin mãnh liệt và cho rằng, vật liệu xây dựng chất lượng cao sẽ có chỗ đứng vững vàng trên thị trường Việt Nam, đặc biệt khi thu nhập và những yêu cầu về tính năng, chất lượng thẩm mỹ của người dân ngày một khắt khe hơn.

Trải qua chặng đường gần 30 năm phát triển với rất nhiều biến động và thăng trầm, đến nay, Zinca Việt Nam đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vách ngăn và tấm thạch cao, sở hữu hệ thống kênh phân phối trải dài trên khắp cả nước. Trong thời gian tới, định hướng của Zinca Việt Nam sẽ không chỉ là làm tốt trong lĩnh vực thạch cao, mà sẽ nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm vật liệu xây dựng khác, nhằm tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ, đáp ứng đa dạng các nhu cầu của thị trường.

Ông Bình chia sẻ, may mắn đối với ông và Zinca Việt Nam là đã biết nắm bắt tốt thời cơ, ngay trong những giai đoạn đầy thách thức để tạo nên những bứt phá, thay đổi để đi đến mục tiêu cuối cùng là mang đến cho khách hàng những giá trị tốt đẹp nhất.

Nếu như trước đây, các nhà thầu thường phải sử dụng hệ trần và vách ngăn nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng nay với sự có mặt của các nhà sản xuất trong nước, sản phẩm đạt chất lượng tương đương quốc tế, nên đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang hàng Việt.

“Chúng tôi luôn cố gắng hết sức, thậm chí có nhiều thời điểm 2 nhà máy phải chạy hết công suất để đáp ứng các đơn hàng của nhà thầu. Trong suốt quá trình phát triển của mình, Zinca Việt Nam luôn tự hào là nhà cung cấp giải pháp về thạch cao cho nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Trung ương Quân đội 103, Bệnh viện dã chiến phục vụ bệnh nhân Covid-19 Tam Trinh và rất nhiều công trình của các đối tác lớn như Vingroup, FLC, MIK Group, Sunshine Group, Hòa Bình, Cotecons, Delta...”, ông Bình cho biết.

Theo chia sẻ của PGS-TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, hiện nay, các doanh nghiệp nhóm Top đầu trong sản xuất vật liệu xây dựng đã thích ứng, bắt nhịp và làm chủ rất nhanh với công nghệ. Nhiều nhà máy đã làm chủ tất cả các khâu công nghệ từ nguyên liệu, tạo hình sản phẩm đến hoàn thiện, đóng gói xuất xưởng với phương châm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguyên liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành vật liệu xây dựng nhẹ, Công ty cổ phần Zinca Việt Nam có những lợi thế riêng. Trong 5 năm trở lại đây, Zinca Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, đối với 2 năm dịch bệnh khó khăn, Công ty vẫn cố gắng đảm bảo được doanh số.

Tìm lối đi riêng

Đến thời điểm hiện tại, thuyền trưởng Zinca Việt Nam có lý do để tự hào về những điều mình đã làm được, nhưng vẫn còn nhiều trăn trở. Trong đó, ông Bình luôn băn khoăn và đau đáu suy nghĩ làm sao có thể cải thiện, sản xuất được các loại sản phẩm tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu về chống cháy cao nhất.

“Rất nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra trong thời gian qua. Nếu thị trường có nhiều hơn nữa những sản phẩm chịu nhiệt, chống cháy cao thì có thể đỡ phần nào thiệt hại, đặc biệt là con người”, ông Bình nói và cho biết thêm, Zinca Việt Nam đang nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm có thể áp dụng được tiêu chuẩn chống cháy cao hơn đối với nhiều dự án.

Ông Bình tâm niệm, trong quá trình sản xuất, giá cả thấp chưa hẳn là lợi thế cạnh tranh. Với vật liệu xây dựng, chất lượng sản phẩm cũng như độ an toàn khi đưa vào sử dụng đang trở thành tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn giải pháp thi công. Bởi vậy, những doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến các yêu tố an toàn và thẩm mỹ thì dù bán giá thấp cũng dần bị loại bỏ. Zinca Việt Nam lựa chọn sản xuất các sản phẩm khác biệt về chất lượng, nhưng vẫn cố gắng tối ưu về giá thành.

“Có cơ hội được làm việc với các đối tác nước ngoài là những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực trần, vách ngăn, là một điều may mắn đối với tôi. Điều này giúp tôi có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm, học hỏi từ các đối tác, bạn hàng. Nhưng quan trọng hơn, người Việt hiểu sâu sắc về môi trường đất nước mình nên sẽ sản xuất những sản phẩm phù hợp”, ông Bình nói thêm.

Việc sử dụng kết hợp sản phẩm khung xương trần chìm Zinca và tấm thạch cao trần chìm Zinca Gypsum sẽ giúp công trình đạt chất lượng tốt nhất. Zinca Việt Nam tự hào là công ty đầu tiên tại Việt Nam cho ra đời hệ giải pháp đồng bộ cao cấp dành cho trần và vách ngăn thạch cao, đánh dấu bước tiến trong ngành vật liệu xây dựng nhẹ tại Việt Nam.

Cũng theo ông Bình, tốc độ tăng trưởng của thị trường hệ trần tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì 2 con số trong vòng 5 năm tới. Giá trị đơn hàng của Zinca Việt Nam cung cấp cho các đối tác nhà thầu cũng ghi nhận tăng lên qua từng năm. Bên cạnh tập trung cho sản xuất, ông Bình và các cộng sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng kênh phân phối hiện đại. Cho đến nay, Zinca Việt Nam đã thiết lập được hệ thống hơn 200 đại lý trên cả nước. Ngoài kênh phân phối gián tiếp, lãnh đạo doanh nghiệp này rất chú trọng phát triển kênh phân phối trực tiếp đối với các công trình thi công lớn, trọng điểm.

Vật liệu xây dựng Việt Nam được các nhà thầu, chủ đầu tư dự án bất động sản ưa chuộng nhờ ưu thế chủ động về thời gian, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh, điều kiện hợp đồng dễ thương thảo, nhưng có 2 điểm hạn chế là tính ổn định của sản phẩm và khả năng đáp ứng cho các dự án lớn, với yêu cầu về tiến độ nhanh hơn rất nhiều so với trước đây. Đối với Zinca Việt Nam, như ông Bình thông tin, Công ty hoàn toàn tự chủ để có thể đáp ứng được những vấn đề hạn chế nêu trên.

Ngay việc lựa chọn công nghệ hiện đại trên thế giới, lựa chọn tiêu chuẩn châu Âu cho việc sản xuất cũng là một minh chứng cho thấy quyết tâm ưu tiên cho chất lượng sản phẩm và độ đồng đều, ổn định của Zinca Việt Nam.

“Mặc dù vẫn còn những thử thách phía trước, nhưng chúng tôi vững tin vào con đường mình đã lựa chọn và quan trọng hơn, chúng tôi đặt niềm tin vào sự thành công của Zinca Việt Nam trong tương lai”, ông Bình khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác